Xa vời giấc mơ nhà ở xã hội

Năm 2020, mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội 4,8%/năm. Vậy, mua được nhà ở xã hội có dễ không? Câu trả lời đơn giản là rất khó!

Nhà ở xã hội vẫn luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.

Nhà ở xã hội vẫn luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.

Mù mờ thông tin

Rất nhiều người lao động ở trọ khi trao đổi với PV Đại Đoàn kết cho biết,họ muốn làm hồ sơ để mua một căn nhà ở xã hội (NOXH) ở Gia Lâm (Hà Nội). Họ cũng muốn vay được vốn lãi suất thấp 4,8% như báo chí đưa tin. Thế nhưng, mong ước vẫn chỉ là ước mong. Để tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ mua nhà không hề đơn giản.

“Tôi tìm hiểu thông tin thì được biết người vay tiền phải đóng tiền tiết kiệm NOXH trong vòng 12 tháng và khoản tiền này sẽ thực hiện ngay từ tháng đầu tiên của hợp đồng vay. Điều này có nghĩa là, tháng nào cũng phải dành ra 3 khoản cố định: tiền lãi ngân hàng, tiền tiết kiệm, tiền gốc trả dần cho ngân hàng. Thế thì còn đâu tiền để chi tiêu hàng tháng nữa”- anh Ngọc, đang thuê nhà ở trọ nói.

Hiện nay, đối với chính sách giải ngân vốn vay NOXH, Chính phủ đang thực hiện 2 kênh. Một là giải ngân tại Ngân hàng Chính sách xã hội với mức lãi suất quy định hiện hành là 4,8%/năm, song người vay phải nộp tiền tiết kiệm NOXH trong vòng 12 tháng. Thứ hai là giải ngân tại các ngân hàng thương mại (NHTM) mức lãi suất là 5%/năm .

Nguồn vốn cho vay mua NOXH gần như ách tắc từ năm 2016 đến nay chưa được giải quyết khiến chủ đầu tư và người mua nhà đều khó tiếp cận. Cụ thể sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc giải ngân vào cuối năm 2016, việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển NOXH cho các chủ đầu tư, người dân gặp nhiều khó khăn.

Tiêu chuẩn đối tượng được vay mua nhà ở xã hội vẫn trong cảnh “chưa rõ”. Dẫn đến thực trạng người có nhu cầu mua cũng không biết có được vay tiền hay không

Chị Hoàng Linh Đan, đang thuê trọ ở ngõ 68 Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội cho biết, hai vợ chồng cùng đứa con nhỏ 5 tuổi đã có thâm niên đi ở trọ 7 năm nay. Anh chị cũng tiết kiệm được một khoản tiền nhỏ, nên rất muốn tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để mua được nhà ở xã hội. “Tôi cũng chẳng biết mình có quyền mua hay không, vì chưa rõ thông tin”- chị Đan nói.

Trong văn bản do Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) từng kiến nghị với Chính phủ đã chỉ ra các điểm các điểm bất hợp lý, còn vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách nhà ở xã hội cho biết, quá trình phát triển NOXH gặp nhiều ách tắc. Trong đó vốn là câu chuyện lớn.

HoREA nhận định, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và cả người mua dòng sản phẩm này đều chưa được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Ách tắc nguồn vốn là điểm nghẽn lớn nhất trong nhiều năm qua.

Cụ thể vốn mồi từ ngân sách nhà nước giữ vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển NOXH. Ví dụ với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, với 1 đồng từ ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất, ngân hàng thương mại huy động thêm được 33 đồng từ nguồn vốn xã hội (gấp 33 lần). Trên thực tế, hiện các ngân hàng cho vay dự án NOXH, nhưng chủ đầu tư và người mua đều phải vay lãi suất thương mại 9-10% một năm. Điều này khiến người mua NOXH túi tiền vốn đã eo hẹp lại càng khó khăn trong việc trả nợ, trả lãi vay.

Thiếu vốn phát triển nhà ở xã hội

Báo cáo mới nhất từ Bộ Xây dựng cho biết trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 248 dự án NOXH, quy mô xây dựng khoảng hơn 103.500 căn, với tổng diện tích hơn 5.175.000 m2. Như vậy nếu so con số này với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia là đến hết 2020 cả nước cần đạt 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội thì mới đạt tầm 41%.

Vậy tại sao, kết quả đạt được quá thấp?

Ông Hà Quang Hưng- Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết nguồn vốn do Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng được hưởng chính sách, vốn do Nhà nước cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc tổ chức tín dụng chưa đáp ứng yêu cầu.

Thủ tục đầu tư xây dựng, xác định đối tượng được hưởng chính sách, thẩm định giá bán, cho thuê, cho thuê mua NOXH còn phức tạp, thời gian kéo dài.

Cơ chế, chính sách ưu đãi chưa phù hợp với tình hình thực tế, thiếu quỹ đất để đầu tư xây dựng NOXH tại vị trí thuận lợi.

Một số địa phương chưa bố trí đủ quỹ đất 20% tại các khu đô thị mới, các dự án nhà ở thương mại theo quy định để xây dựng NOXH.

Nhiều chuyên gia cũng đưa ra quan điểm sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo quy định tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ đã giải ngân hết, từ cuối tháng 12/2016 đến nay, việc triển khai chương trình nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã bị ách tắc.Vì không có nguồn vốn để tiếp tục cho vay nên hầu hết các dự án nhà ở xã hội đang triển khai bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Trong đó có một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có nhu cầu xin chuyển đổi sang dự án nhà ở thương mại. Số lượng nhà ở xã hội hoàn thành, đưa vào sử dụng trong thời gian gần đây rất hạn chế.

Thời gian qua Bộ Xây dựng đã liên tục kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần phải bố trí vốn ưu đãi phát triển NOXH. Ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP, trong đó “giao Bộ KH&ĐT cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay NOXH”.

Ngày 29/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, trong đó giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, lựa chọn, tổng hợp danh mục các dự án NOXH đang triển khai dở dang, có thể tiếp tục triển khai trong năm 2020 để các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và danh mục các dự án nhà ở phục vụ công nhân khu công nghiệp để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Để triển khai nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 84/NQ-CP và Nghị quyết số 41/NQ-CP, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Bộ KH&ĐT đề nghị sớm cân đối, báo cáo cơ quan có thẩm quyền bố trí nguồn vốn nêu trên. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại để trao đổi, thống nhất một số nội dung về sửa đổi Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và kế hoạch vốn cho NOXH.

Ông Lê Hoàng Châu.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng đã hỗ trợ thị trường BĐS hồi phục, phát triển trở lại và giúp hơn 56.000 hộ gia đình tạo lập được nhà ở, trong đó có khoảng 1/3 là nhà ở xã hội nhưng gói tín dụng ưu đãi này đã kết thúc năm 2016. Về hướng dẫn cấp bù chênh lệch lãi suất thực hiện chính sách cho vay nhà ở xã hội gần như chưa thực hiện được trên thực tế. “Thế nên, các chủ đầu tư dự án và người mua nhà ở xã hội phải vay thương mại với lãi suất 9% - 10%/năm, dẫn tới giá nhà ở xã hội hiện nay có nơi lên đến 20 triệu đồng/m2, tăng 33% so với năm 2016. Bên cạnh đó, các dự án nhà ở xã hội có quỹ đất do tư nhân tự tạo lập vẫn còn vướng nhiều thứ, làm nản lòng các nhà đầu tư tâm huyết”- theo ông Châu.

Vốn mồi từ ngân sách nhà nước giữ vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Ví dụ với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, với 1 đồng từ ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất, ngân hàng thương mại huy động thêm được 33 đồng từ nguồn vốn xã hội (gấp 33 lần). Trên thực tế, hiện các ngân hàng cho vay dự án nhà ở xã hội, nhưng chủ đầu tư và người mua đều phải vay lãi suất thương mại 9-10% một năm. Điều này khiến người mua nhà ở xã hội túi tiền vốn đã eo hẹp lại càng gặp khó khăn trong việc trả nợ, trả lãi vay.

Thúy Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xa-voi-giac-mo-nha-o-xa-hoi-506532.html