Xã ven biển lao đao vì ứ đọng hàng ngàn tấn mực

Được xem là “thủ phủ” xuất khẩu mực khô của tỉnh Quảng Ngãi với mỗi năm xuất khẩu hơn 5.000 tấn mực khô các loại, nhưng từ nhiều tháng nay, ngư dân hành nghề câu mực và cả các cơ sở thu mua mực khô ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn lại đang lâm vào tình cảnh hết sức lao đao khi đang tồn đọng hàng ngàn tấn mực khô vì không xuất được sang thị trường Trung Quốc. Nhiều tàu hành nghề câu mực xa bờ đang phải chịu cảnh nằm bờ do mực rớt giá và không có thương lái thu mua.

Hơn 300 tấn mực của cơ sở thu mua của ông Nguyễn Đức Trà, một chủ cơ sở thu mua và chế biến mực, đã nằm kho từ nhiều ngày nay.

Hơn 300 tấn mực của cơ sở thu mua của ông Nguyễn Đức Trà, một chủ cơ sở thu mua và chế biến mực, đã nằm kho từ nhiều ngày nay.

Những ngày đầu tháng 7 này, ngư dân Trần Văn Dâng, chủ tàu QNg-95267TS ở xã Bình Chánh, đang rất lo lắng vì chưa bán được hơn 2 tấn mực vẫn còn trữ trên tàu cá. Nhiều lần tìm thương lái thu mua nhưng do giá thu mua thấp chỉ khoảng 110 ngàn đồng/kg nên nếu bán ở thời điểm này sẽ lỗ nặng tổn phí nên ngư dân Dâng vẫn neo tàu chờ bán mực. “Năm nay giá cả, rồi mực không ai mua, không có giá nên năm nay khó khăn, ghe nào hoạt động được một chuyến là mừng một chuyến chứ không ghe nào đi trọn được một mùa biển, rất khó khăn. Giả sử nếu năm nay thất bát chứ liên tiếp 2 năm như vầy thì chắc dẹp ghe cũng đông”, ngư dân Trần Văn Dâng chia sẻ.

Các cơ sở thu mua mực khô ở địa phương này cũng rơi vào tình cảnh khốn khổ. Mực chất thành đống. Mực dồn bao chờ xuất bán nhưng vẫn ứ đọng trong kho. Hơn 300 tấn mực của cơ sở thu mua của ông Nguyễn Đức Trà, một chủ cơ sở thu mua và chế biến mực, đã nằm kho từ nhiều ngày nay. Thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc là chính yếu lâu nay nhưng thị trường này giờ đã chững lại dẫn tới những cơ sở thu mua mực như ông đều chịu chung số phận. Ông Nguyễn Đức Trà, cho biết thêm: “Thường thường hồi xưa mình đi được 2 đường, một bên Trung Quốc và một bên Thái Lan. Còn bây giờ thì từ đầu năm tới giờ đứng không nhập được. Hàng đi mà được liên tục thì thu mua tiền bạc thoải mái, nhanh thì mua bán cho ngư dân cũng nhanh nhưng giờ vấp phải khó khăn thì từ chỗ mình rồi cả ngư dân cũng mất nhiều quyền lợi”.

Mực Bình Chánh thường xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang các nước Trung Quốc và Thái Lan, trong đó, sản lượng mực xuất khẩu sang Trung Quốc là chủ yếu, chiếm khoảng hơn 80%. Tuy nhiên, hiện nay, Trung Quốc yêu cầu phải xuất qua đường chính ngạch, phải có doanh nghiệp ký hợp đồng kinh tế với các đối tác Trung Quốc và yêu cầu truy xuất nguồn gốc rõ ràng khiến đầu ra của ngư dân gặp khó khăn vì chưa có doanh nghiệp nào đủ điều kiện đứng ra thu mua xuất khẩu bằng đường chính ngạch.

Hiện có hơn 3.000 tấn mực ở xã Bình Chánh bị ứ đọng, trong đó có hơn 1.000 tấn trên tàu của ngư dân và hơn 2.000 tấn tồn đọng tại các cơ sở, thu mua chế biến mực của địa phương. “Thương lái người ta mua thì chẳng qua mua về bỏ kho thôi chứ cũng chưa đưa sang Trung Quốc được vì vậy mà chuyến biển tới đây ngư dân rất khó khăn vì mực bán không được thì lao động trên tàu người ta không đi, mà không đi thì tàu thuyền phải neo đậu tại bến cho nên gặp rất nhiều khó khăn trở ngại cho các chủ tàu”, ông Nguyễn Hữu Ngọt – Giám đốc Hợp tác xã đánh bắt xa bờ và dịch vụ thủy sản Bình Chánh, cho biết thêm.

“Năm nay là khó khăn hơn mấy năm trước do con mực khi khai thác về Trung Quốc yêu cầu xuất khẩu theo đường chính ngạch do vậy lượng mực khó chuyển đi. Thứ 2 nữa là giá cả năm nay cũng thấp hơn nên lượng mực mua thì vẫn còn tồn ở kho, số mực tồn ở dưới tàu cũng chưa thể bán được. Mong muốn của địa phương và của dân là muốn nhà nước có một giải pháp để mà thu mua mực cho ngư dân được ổn định và lâu dài”, ông Nguyễn Thành Tín, Phó chủ tịch UBND xã Bình Chánh, kiến nghị.

Giá mực rớt, mực không tiêu thụ được đang khiến cho 69 tàu chuyên hành nghề câu mực xa bờ của ngư dân xã Bình Chánh gặp cảnh khó khăn chồng chất. Thời điểm này có khoảng 90% tàu câu mực của địa phương này buộc phải chịu cảnh nằm bờ.

TRUNG THÀNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_209022_xa-ven-bien-lao-dao-vi-u-dong-hang-ngan-tan-muc.aspx