Xa trông đền Cờn

Cách thành phố Vinh 75km về phía Bắc, đền Cờn (phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) được xem là ngôi đền linh thiêng nhất, đứng đầu 4 ngôi đền nổi tiếng xứ Nghệ (vùng Nghệ Tĩnh trước kia): Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng. Các sự tích dân gian huyền bí xen lẫn dấu ấn tiền nhân, cùng với cảnh trí tươi đẹp khắc họa đền Cờn, trở thành điểm đến không thể thiếu khi về xứ Nghệ.

Tục rước kiệu trong lễ hội đền Cờn. Ảnh: Hồ Đức Việt

Tục rước kiệu trong lễ hội đền Cờn. Ảnh: Hồ Đức Việt

Dấu ấn tiền nhân…

Đền Cờn (gồm cả đền Cờn trong và đền Cờn ngoài) được nhiều thế hệ người dân xứ Nghệ biết đến bởi mang đậm dấu ấn lịch sử và sự tích kỳ bí. Theo sử sách, đền Cờn trong được xây dựng vào thời Trần (năm 1235), phát triển quy mô lớn ở thời Lê, trùng tu nhiều ở thời Nguyễn, bởi vậy nên mang đậm phong cách văn hóa cuối Lê đầu Nguyễn. Được dựng lên để thờ Tứ vị Thánh nương, nhưng xung quanh đền Cờn tồn tại nhiều truyền thuyết.

Có tích lưu truyền: Tứ vị Thánh nương gồm Thái hậu Dương Nguyệt Quả, Quách Thị hoàng hậu, cùng hai công chúa. Lại có truyền thuyết cho rằng: Tứ vị Thánh nương là Thái hậu và 3 công chúa. Và trong dân gian làng chài cổ Phương Cần (nay là phường Quỳnh Phương) lại tin rằng, đức Thánh nữ được thờ phụng trong đền Cờn là một bậc cung phi của nước Việt... Tuy mỗi câu chuyện có những tình tiết khác nhau, nhưng tất cả đều ẩn chứa sự linh thiêng, huyền bí, là nguồn gốc để hình thành nên giá trị tâm linh độc đáo của đền Cờn.

Theo thần phả tại đền Cờn và một số tài liệu lịch sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí: năm Hưng Long thứ 19 (1311), vua Trần Anh Tông thân chinh đi đánh quân Chiêm Thành, khi đến cửa Cờn thì dừng lại nghỉ ngơi. Nửa đêm, vua nằm mộng thấy nữ thần muốn giúp mình lập công đánh giặc. Sáng hôm sau, Vua cho mời các bô lão trong vùng đến hỏi mới rõ sự tích đền Cờn, liền vào kính tế. Sau đó, vua dẫn quân đi đánh giặc và thắng lớn.

Khi trở về kinh đô, vua làm lễ phong sắc “Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh nương”, ban vàng bạc và cho mở rộng đền Cờn. Năm Hồng Đức thứ nhất (1470), vua Lê Thánh Tông trên đường mang quân đánh dẹp phương Nam cũng dừng chân tại đây và vào đền làm lễ cầu đào. Nhờ Tứ vị Thánh Nương hiển linh phù trợ, nhà vua đã đánh thắng giặc.

Năm 1472, nhằm báo đáp Tứ vị Thánh nương đã phù giúp, vua Lê Thánh Tông đã cho trùng tu lại đền Cờn trong và dựng thêm một ngôi đền nữa (gọi là đền Cờn ngoài, cách đền Cờn trong khoảng 1km). Sang thế kỷ 18, vua Quang Trung đã sắc phong cho đền Cờn với mỹ tự “Hàm hoằng quảng đại” (công lao rộng khắp, to lớn) và “Hàm chương tiết liệt” (nêu gương tiết liệt cho muôn đời).

Cùng với chiều dài lịch sử, tục thờ Tứ vị Thánh nương đã có ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống của người dân làng Cờn nói riêng, những người buôn bán, đánh bắt trên sông nước nói chung. Và từ khi lập đền, ngư dân quanh vùng mỗi khi ra khơi, thành tâm vào đền cầu khấn thì đều được bình an. Truyền thuyết dân gian kể lại rằng, từ khi lập đền Cờn, ngư dân quanh vùng mỗi khi ra khơi vào lộng, thành tâm vào đền cầu khấn thì đều được bình an, may mắn.

…và lưu giữ của hậu thế

Đền Cờn trong được dựng trên một cồn cao bên bờ sông Mai uốn khúc. Đối diện với đền về phía Tây là dãy núi Voi như bức tường thành thiên tạo hùng vĩ. Núi Xước nhấp nhô ở phía Tây Bắc như dáng con rồng đang cuốn nước về biển khơi. Sông Mai phân thủy đôi dòng, uốn lượn trước cửa đền rồi mới xuôi về biển. Vì thế, văn phú làng Phương Cần có câu: Núi chầu qua, dù dương lớp lớp, nghìn non trở lại tiền đường/ Sông kéo đến, khúc uốn quanh co, muôn nước thu về một nẻo. Đền Cờn ngoài nằm sát biển, trên dải núi Thằn Lằn ngay tại nơi cao nhất của dải núi, thờ các vị thần như: Đế Bính, Trương Thế Kiệt, Lục Tú Phu....

Trải qua gần 800 năm lịch sử với bao biến cố thăng trầm, sự tàn phá bởi bom đạn chiến tranh, đền Cờn bị hư hại và xuống cấp nặng nề. Tuy đã được phục dựng những năm sau này, nhưng đền Cờn vẫn chỉ giữ được một phần nhỏ hồn cốt so với ngày xưa. Theo lời kể của các vị cao niên, rất nhiều hiện vật ở đền Cờn đã bị mất mát. Nhưng những dấu tích còn lại như chân cột nanh, các bậc tam cấp, mặt bằng nền móng, cho thấy đền Cờn hội tụ nhiều nét đặc sắc, từ quy mô kiến trúc đến các đường nét chạm khắc, tạo hình... thể hiện tay nghề điêu luyện của người xưa.

Hiện, đền Cờn còn lưu giữ gần 150 hiện vật quý, gồm các loại bằng sắc, câu đối, đại tự, đồ tế khí (kiệu, tàn lọng, đồ ngà, đồng...), bia đá 2 mặt (được dựng năm 1665), chuông đồng đúc năm Cảnh Hưng (1752) nặng 300kg, cùng 28 pho tượng đá và nhiều tượng gỗ thời Lê...

Cũng chính vì sự linh thiêng của ngôi đền mà hằng năm, đông đảo du khách thập phương đổ về đây, để cầu mong những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình. Gắn với hoạt động văn hóa tâm linh của ngôi đền thiêng nhất xứ Nghệ này, người dân tổ chức lễ hội đền Cờn để cầu mong mưa thuận, gió hòa, trời yên biển lặng, tôm cá đầy ghe. Lễ hội đền Cờn được tổ chức từ ngày 19 đến ngày 21 tháng Giêng âm lịch, với các nghi lễ: Rước kiệu từ đền trong ra Đền ngoài và rước kiệu từ đền ngoài vào Đền trong (hai đường thủy - bộ), đại lễ tại đền trong.

Bên cạnh các lễ hội như lễ cầu ngư, lễ hợp tế là những trò chơi dân gian của địa phương như đua thuyền, đánh cờ người, các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ... Năm 1993, đền Cờn được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, trở thành địa điểm du lịch văn hóa tâm linh quan trọng, thu hút đông đảo người dân xứ Nghệ và du khách thập phương đến tham quan, thưởng lãm.

Yến Ngọc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xa-trong-den-con-post437637.html