Xả thân bảo vệ nhân dân trong mưa bão

Cơn bão số 12 với tâm bão đi vào vùng biển Khánh Hòa đã gây thiệt hại nặng nề và đau thương cho địa phương này. Sát cánh cùng các lực lượng, chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng chống lụt bão – tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) trên địa bàn ven biển của tỉnh, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Khánh Hòa đã tỏa sáng tinh thần xả thân, bảo vệ dân, là chỗ dựa vững chắc cho người dân vượt qua khó khăn, hiểm nguy của phong ba bão tố. Những nỗ lực đó đã được chính quyền, người dân trên địa bàn ghi nhận, với niềm tin yêu, khâm phục. Phóng viên Báo Biên phòng có cuộc trao đổi với Đại tá Hồ Thanh Tùng, Chỉ huy trưởng BĐBP Khánh Hòa để bạn đọc hiểu sâu hơn về vấn đề này.

Đại tá Hồ Thanh Tùng. Ảnh: Văn Huệ

PV: Đồng chí cho biết rõ hơn về sức tàn phá của bão số 12 cũng như mức độ thiệt hại do bão gây ra trên địa bàn tỉnh, nhất là trên khu vực biên giới biển Khánh Hòa?

Đại tá Hồ Thanh Tùng: Có thể nói, bão số 12 là cơn bão rất mạnh, có sức tàn phá ghê gớm, tâm bão đi thẳng vào địa bàn Vạn Ninh, Ninh Hòa và Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, mà thiệt hại nặng nề nhất là huyện Ninh Hòa, trên tất cả các lĩnh vực, từ nông nghiệp, công nghiệp đến đường sá, dịch vụ, các doanh nghiệp. Đi tới đâu cũng thấy nhà dân, trường học, nhà máy, công sở bị hư hỏng, tốc mái, cây cối gãy đổ. Hiện toàn tỉnh Khánh Hòa có gần 1 ngàn nhà dân bị đổ sập, trên 15 ngàn ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng.

Trên khu vực biên giới biển, gần như toàn bộ lồng bè của người dân nuôi tôm hùm, nuôi các loại cá giá trị cao như cá bớp, cá mú, cá chim trắng là thiệt hại hoàn toàn. Trong đó, người bị mất ít là vài tỷ, người mất nhiều khoảng 20 đến 30 tỷ.

Về tàu thuyền, mặc dù ngư dân đã chủ động cho phương tiện vào khu vực neo đậu để trú tránh nhưng cũng không tránh khỏi thiệt hại. Sau bão, đã có trên 500 chiếc bị chìm và mất tích, 17 chiếc tàu vận tải, tàu kéo, xà lan, thuyền buồm quốc tế cũng bị chìm hay trôi dạt. Nhà máy đóng tàu Huyndai Vinashin cũng thiệt hại rất nặng nề, đã có 3 cần cẩu bị gãy.

Tuy nhiên, thiệt hại nặng nề, đau thương nhất là mất mát về người. Đến nay, toàn tỉnh đã có 44 người chết và 1 người mất tích, những nạn nhân này phần lớn đều là người làm ăn trên các lồng bè thủy sản, tập trung nhiều nhất ở khu vực Bãi Tranh, Cổ Cò của xã đảo Vạn Thạnh và vùng nuôi trồng thủy sản ở Ninh Hòa.

PV: Là lực lượng thường trực nhiệm vụ PCLB-TKCN trên tuyến biên giới biển của tỉnh, trong và sau bão, BĐBP Khánh Hòa đã triển khai công tác ứng cứu, giúp dân khắc phục hậu quả của bão ra sao? Đặc biệt là việc tìm kiếm người bị nạn, mất tích trên biển?

Đại tá Hồ Thanh Tùng: Trước sức tàn phá quá khốc liệt của bão số 12, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã đầm mình trong mưa bão để đưa người dân ra khỏi những vùng nguy hiểm, những ngôi nhà bị tốc mái, có nguy cơ bị đổ sập, hoặc khu vực triều cường dâng cao lo sợ nhà dân bị sóng đánh cuốn ra biển.

Bão vừa tan, cùng với việc triển khai lực lượng, giúp địa phương và nhân dân trên địa bàn sửa chữa nhà cửa, chặt dọn cây cối gãy đổ, lợp nhà, sửa trường học, vệ sinh môi trường, vấn đề trọng tâm đầu tiên đối với chúng tôi là tìm kiếm người bị nạn, mất tích trên biển. Khi sức gió vừa giảm, một số đơn vị ở phía Bắc của tỉnh, nơi có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn, đã triển khai ngay các biên đội tàu ra biển, phối hợp các lực lượng chức năng để ứng cứu dân, tìm kiếm người bị nạn do bị sóng đánh trôi lồng bè. Nhờ đó, đã tìm kiếm, đưa được 464 người trên các đảo đưa vào bờ. Trong đó, riêng tàu, ca nô của BĐBP đã cứu được 86 người.

Bắt đầu từ ngày 5-11, sau khi bão tan, chúng tôi bố trí 6 tàu và 30 cán bộ, liên tục quần thảo trên vùng biển, cùng với các lực lượng chức năng khác và ngư dân địa phương, tích cực tìm kiếm. Đến nay, chúng tôi phối hợp với các lực lượng, người dân đã vớt được 22 thi thể, trong đó, BĐBP Khánh Hòa trực tiếp vớt được 15 thi thể. Trong 22 thi thể vớt được có 3 thi thể chưa xác định được danh tính. Hiện vẫn còn 1 người mất tích trên biển chưa tìm thấy.

Nhiều ngày qua, bà con vẫn trông chờ vào lực lượng Biên phòng và vẫn còn nuôi hy vọng. Vậy nên, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Khánh Hòa xác định “Còn nước, còn tát”, quyết tâm tìm bằng được người mất tích cuối cùng. Đó là trách nhiệm với dân của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Khánh Hòa.

PV: Chưa nói về mức độ thiệt hại tài sản, con số 44 người chết và 1 người mất tích trong bão 12 đã cho thấy mất mát quá lớn, cho dù chúng ta đã nỗ lực triển khai phòng tránh, ứng phó. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tổn thất đau lòng này, thưa đồng chí?

Đại tá Hồ Thanh Tùng: Như tôi đã nói, đa phần người chết và mất tích đều là người nuôi trồng thủy sản, bám trụ trên các lồng bè thời điểm bão ập vào. Dù chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động nhưng bà con còn chủ quan cho rằng bão không bao giờ vào Nha Trang. Có người còn nói, hơn 20 năm nay, nhiều lần nghe dự báo có bão, vậy nhưng sắp vào Nha Trang cũng quay ra.

Nguyên nhân lớn nhất do ngư dân tiếc của. Mỗi bè lồng nuôi tôm hùm, nuôi cá là tất cả vốn liếng người nuôi đầu tư tích góp. Để sắm nên cái cơ nghiệp to lớn như thế, cũng như để có tiền mua thức ăn cho tôm, cá trong suốt giai đoạn nuôi người dân phải cầm cố tài sản, cầm cố nhà cửa để vay ngân hàng, vay nóng, vay nguội từ nhiều nguồn rồi tất cả đều chờ đợi đến ngày thu hoạch. Vì thế, bà con luôn lo sợ khối tài sản của mình bị bão đánh trôi, sợ bị mất trộm, thất thoát nên cố bám để bảo vệ.

Trước bão, khi BĐBP tuyên truyền, kêu gọi thì họ rời bè vào bờ nhưng đến 23-24 giờ thì họ lộn ngược trở ra biển, để canh giữ tài sản của mình. Đến 2 giờ sáng hôm sau, bão ập vào dữ dội họ đã không kịp trở tay. Cùng với một số người bị sóng đánh rơi rồi nhấn chìm xuống biển, nhiều người đã ôm can nhựa nhảy ào xuống biển để bơi vào bờ. Lúc đó trời tối đen, nhiều người không nhìn thấy đường tránh đã bị sóng đánh vào thành lồng bè nên chấn thương ngất xỉu dẫn đến ngạt nước.

Thực tế, những người chết phần nhiều là người làm thuê, họ cũng vì miếng cơm, manh áo. Những ngày mưa bão, họ được chủ thuê trả công lao động gấp đôi, gấp ba nên họ cố gắng bám trụ giữ bè cho chủ, một số khác lại lo sợ rời bỏ bè vào bờ, sau bão lại mất việc.

BĐBP Khánh Hòa ứng cứu dân bị nạn ở đảo Vũng Ngán (phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang) đưa vào bờ trong đêm bão đổ bộ vào đất liền. Ảnh: Văn Huệ

PV: BĐBP Khánh Hòa đang và sẽ làm gì để góp phần hạn chế, tránh những thiệt hại như trong cơn bão 12?

Đại tá Hồ Thanh Tùng: Ngày 16-11, chúng tôi vừa tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm từ thực tiễn phòng chống cơn bão số 12, nhằm hạn chế các thiệt hại cho những cơn bão tương tự sau này. Từ Hội nghị này, BĐBP đã kiến nghị UBND tỉnh sắp xếp, quy hoạch lại khu vực nuôi trồng thủy sản, và có những quy định ràng buộc trách nhiệm của người chủ lồng bè đối với các nhân công của mình và phải viết cam kết không có nhân công trên đó khi có lệnh, sau này xảy ra chuyện gì, chủ lồng bè phải chịu trách nhiệm.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Phương Oanh (Thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/xa-than-bao-ve-nhan-dan-trong-mua-bao/