Xả thải xuống sông Sài Gòn khi chưa có giấy phép

Đó là khu công nghiệp (KCN) Việt Hương 2 tại xã An Tây, thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương) do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Việt Hương làm chủ đầu tư. Sự việc được phát hiện mới đây và UBND tỉnh Bình Dương đã ra Quyết định 2421/QĐ-XPVPHC ngày 8-9-2017 xử phạt doanh nghiệp này gần hai tỷ đồng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tài nguyên nước.

Một góc khu công nghiệp Việt Hương 2.

Một góc khu công nghiệp Việt Hương 2.

NDĐT – Đó là khu công nghiệp (KCN) Việt Hương 2 tại xã An Tây, thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương) do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Việt Hương làm chủ đầu tư. Sự việc được phát hiện mới đây và UBND tỉnh Bình Dương đã ra Quyết định 2421/QĐ-XPVPHC ngày 8-9-2017 xử phạt doanh nghiệp này gần hai tỷ đồng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tài nguyên nước.

KCN Việt Hương 2 có quy mô 250 ha được phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2003, năm 2007 KCN chính thức đi vào hoạt động. Đến nay, KCN này đã thu hút nhiều dự án trong và ngoài nước đầu tư và hiện có hơn 20 dự án đi vào hoạt động sản xuất với các lĩnh vực như: dệt nhuộm, thuộc da, sản xuất nhựa, may mặc…. Hiện mỗi ngày-đêm, lưu lượng nước thải của KCN hơn 4.000 m³ theo kênh đổ vào sông Sài Gòn. Dù hoạt động 10 năm nhưng mới đây, kiểm tra KCN này, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương phát hiện có nhiều hành vi vi phạm hành chính.

Cụ thể, KCN đã xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 4.000 m³/ngày đến 4.500 m³/ngày. Cụ thể, theo kết quả quan trắc đối với mẫu nước thải sau hệ thống xử lý nước thải của KCN cho thấy độ màu = 140 Pt_Co, vượt quy chuẩn 2,8 lần; tổng Nitơ = 23,8 mg/l, vượt quy chuẩn 1,47 lần; lưu lượng xả thải khoảng 4.364 m³/ngày-đêm.

Bên cạnh đó, KCN đã không lập hồ sơ báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành và gửi cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định. Cụ thể, từ năm 2016 công ty đã hoàn thành hệ thống xử lý nước thải công suất 6.000 m³/ngày và đã được Sở Tài nguyên - Môi trường Bình Dương xác nhận hoàn thành công trình xử lý nước thải KCN Việt Hương 2. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa lập hồ sơ báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành gửi cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.

Ngoài ra, Việt Hương 2 đã thực hiện không đúng quy định bảo vệ môi trường của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN. Cụ thể, trong quá trình hoạt động, do chủ đầu tư KCN không thường xuyên duy tu, bảo dưỡng định kỳ mạng lưới thu gom và hệ thống thoát nước thải dẫn đến tình trạng khi các doanh nghiệp xả nước thải nhiều, hệ thống thu gom không bảo đảm dẫn đến tình trạng tràn từ hố thu gom ra bên ngoài.

Kết quả kiểm tra cũng chỉ ra rằng, KCN còn vi phạm khi không có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định của pháp luật với lưu lượng nươc thải từ 3.000 m³/ngày-đêm trở lên. Theo đó tại thời điểm kiểm tra ghi nhận, nước thải sau hệ thống xử lý tập trung của KCN với lưu lượng xả thải trung bình 4.364 m³/ngày-đêm (theo số liệu quan trắc tự động) thải ra kênh thoát nước chung của KCN, sau đó chảy ra nguồn tiếp nhận là sông Sài Gòn. Tuy nhiên, chủ đầu tư KCN chưa có giấy phép xả nước thải theo quy định.

Với những vi phạm trên, UBND tỉnh Bình Dương đã ra quyết định xử phạt chủ đầu tư KCN Việt Hương 2 với tổng mức tiền xử phạt và kinh phí trưng cầu giám định hơn 1,96 tỷ đồng. Trong đó, xử phạt hơn 1,26 tỷ đồng về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật; phạt 220 triệu đồng về hành vi không lập hồ sơ báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường; phạt 30 triệu đồng về hành vi thực hiện không đúng quy định bảo vệ môi trường; phạt 440 triệu đồng về hành vi không có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định.

Quyết định xử phạt cũng buộc chủ đầu tư KCN khắc phục ngay việc xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép ra môi trường; lập hồ sơ đề nghị hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án trình cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt; phải thường xuyên duy tu, bảo dưỡng mạng lưới thu gom nước thải của KCN Việt Hương 2, nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng KCN, thực hiện đầy đủ các yêu cầu bảo vệ môi trường KCN; nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước theo yêu cầu của Cục Quản lý tài nguyên nước để được cấp phép theo quy định.

Quyết định xử phạt của UBND tỉnh Bình Dương cũng nêu rõ, trong thời gian hai tháng kể từ ngày công ty nhận được quyết định xử phạt, yêu cầu công ty báo cáo bằng văn bản kết quả khắc phục về Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Dương để được kiểm tra, giám sát. Hết thời hạn này công ty không thực hiện sẽ bị xử lý với tình tiết tăng nặng theo quy định.

Tỉnh Bình Dương hiện có 28 KCN với diện tích 10.560 ha, hiện tỷ lệ cho thuê đất đạt 71%. Mặc dù địa phương đã có nhiều nổ lực trong công tác bảo vệ môi trường nhưng vẫn còn một số chủ đầu tư KCN và doanh nghiệp trong KCN chưa chấp hành nghiêm túc về bảo vệ môi trường. Ngoài KCN Việt Hương 2 với những vi phạm nêu trên, mới đây trong buổi làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Dương đã chỉ ra nguyên nhân làm kênh Ba Bò đổ ra Sông Sài Gòn vẫn còn ô nhiễm dù đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng; trong đó có nguyên nhân “một số doanh nghiệp trong KCN Sóng Thần I và Sóng Thần II lợi dụng trời mưa xả lén nước thải chưa qua xử lý ra kênh; đồng thời, nhà máy xử lý nước thải KCN Sóng Thần II có dấu hiệu quá tải và nước thải sau xử lý chưa đạt quy chuẩn vào một số thời điểm”!

Thiết nghĩ, để thu hút đầu tư vào các KCN theo mục tiêu phát triển bền vững đặt ra, thời gian tới tỉnh Bình Dương cần xử lý kiên quyết hơn nữa, cần “thuốc mạnh để trị bệnh nặng” đối với các hành vi vi phạm về môi trường, nhất là đối với chủ đầu tư các KCN và doanh nghiệp trong khu xả nước thải còn ô nhiễm với lưu lượng lớn ra bên ngoài!

TRỊNH BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc/moi-truong/item/34604202-xa-thai-xuong-song-sai-gon-khi-chua-co-giay-phep.html