Xã Tân Châu phát triển đa nghề

Để nâng cao đời sống người dân, tạo việc làm cho người lao động, những năm qua, xã Tân Châu (Thiệu Hóa) đã thực hiện nhiều giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển ngành nghề nông thôn; đa dạng hóa các loại hình sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, còn du nhập nhiều nghề mới mang lại thu nhập cho người dân.

Sản xuất bánh đa tại làng Đắc Châu, xã Tân Châu.

Làng Đắc Châu được biết đến với nghề làm bánh đa, đây được coi là nghề có truyền thống lâu đời ở địa phương. Tìm đến thăm xưởng làm bánh đa của gia đình bà Nguyễn Thị Phượng đã có 50 năm làm nghề, đôi tay bà thoăn thoắt tráng bánh, nhưng vẫn tươi cười tiếp chuyện chúng tôi: "Người dân làng Đắc Châu hầu hết ai cũng biết làm nghề, phụ nữ thì tráng bánh, đàn ông thì xay bột, người già thì quạt bánh, trẻ nhỏ trong làng cũng giúp bố mẹ xếp bánh. Bánh đa chỉ dùng nguyên liệu duy nhất là bột gạo với vừng, nhưng không phải loại gạo nào cũng có thể làm được mà phải là loại gạo 203 hoặc Q5 vì đây là loại gạo ít nhựa, khi làm bánh mới mịn và nhất là khi quạt trên than hồng bánh sẽ nở đều mà không bị vỡ nứt. Vừng làm bánh cũng được người dân lựa chọn kỹ càng và phải là loại vừng có màu vàng ruộm, hạt tròn mẩy, vị thơm, bùi. Người làm bánh luôn pha vào bột một chút muối và mật mía để giúp bánh có vị đậm và màu vàng. Theo bà Phượng, các hộ làm bánh đa đều có ý thức giữ uy tín, chất lượng sản phẩm của địa phương, không sử dụng các chất phụ gia, bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, đầu ra của sản phẩm bánh đa khá thuận lợi, làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, người dân làng Đắc Châu đã đầu tư máy xay điện, nồi hơi để tiết kiệm thời gian và công sức. Là người thạo nghề, mỗi ngày trung bình bà Phượng tráng hơn 1.000 cái bánh, thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng. Hiện nay, theo thị hiếu của thị trường, người dân còn sáng tạo thêm nhiều loại bánh đa, như: Bánh đa gừng, bánh đa gấc... Được biết, hiện nay, toàn xã có gần 200 hộ duy trì và phát triển nghề.

Bên cạnh nghề truyền thống làm bánh đa, thời gian qua, trên địa bàn xã còn chú trọng phát triển một số nghề, như: Nghề mộc dân dụng, nghề làm cơm cháy, nghề cơ khí,... với hơn 220 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động, với thu nhập ổn định từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, UBND xã còn phối hợp với trung tâm dạy nghề huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn, như: Nghề mộc mỹ nghệ, nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ mây tre đan,... Đại diện lãnh đạo UBND xã Tân Châu, cho biết: Để mở rộng ngành nghề, tạo việc làm cho người lao động, xã đã tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất được tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, từ đó mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn và nhân cấy nghề mới mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Nhằm quảng bá, nâng cao chất lượng sản phẩm, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất và lưu thông sản phẩm. Nhờ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển sản xuất, chế biến mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ tập trung phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, cơ cấu kinh tế của xã Tân Châu đã có chuyển biến tích cực. Với các giải pháp và định hướng phát triển ngành nghề phù hợp với xu thế phát triển kinh tế nông thôn, đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/xa-tan-chau-phat-trien-da-nghe/124236.htm