Xã Quảng Nham phát triển kinh tế biển

Xã Quảng Nham có 5,5 km bờ biển và 3 km bờ sông Yên và bến cá; phát huy lợi thế này, cấp ủy, chính quyền địa phương đã thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, nhất là chú trọng phát triển lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, khuyến khích người dân tích cực đầu tư thiết bị, phương tiện, ngư lưới cụ; mở rộng dịch vụ hậu cần nghề cá và nuôi trồng thủy sản ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Tàu cá công suất lớn của ngư dân xã Quảng Nham (Quảng Xương) chuyên khai thác hải sản vùng khơi xa.

Trong nuôi trồng thủy sản, người dân đã thay đổi phương thức nuôi trồng chuyển dần sang thâm canh, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm gắn với tăng vụ và đa dạng các đối tượng nuôi phù hợp với từng vùng môi trường sinh thái. Chú trọng kiểm soát, khống chế kịp thời các dịch bệnh nguy hiểm, giảm thiểu thiệt hại gây ra. Ngoài phát triển nuôi trồng theo hướng thâm canh cải tiến, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghiệp, với quy mô 20 ha. Tất cả diện tích được các hộ nuôi đầu tư lót bạt, lắp đặt hệ thống ống dẫn nước ngầm, quạt khí, bảo đảm các điều kiện để con nuôi phát triển. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện sản xuất, nên diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghiệp trên địa bàn xã đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Nhiều mô hình nuôi tôm công nghiệp cho lợi nhuận từ 1 đến 1,2 tỷ đồng/ha/vụ. Nhờ thực hiện tốt các chính sách khuyến khích của Chính phủ, của tỉnh về phát triển khai thác hải sản xa bờ và hiện đại hóa đội tàu khai thác đã giúp ngư dân trong xã chuyển dịch dần cơ cấu nghề khai thác, giảm áp lực khai thác đối với vùng biển ven bờ, mang lại giá trị kinh tế cao cho ngư dân. Hiện nay, toàn xã Quảng Nham có 267 phương tiện khai thác với tổng công suất 31.069 CV. Nghề khai thác hải sản đang tạo việc làm thường xuyên cho 1.844 lao động. Nhờ duy trì đội tàu khai thác hoạt động ổn định, sản lượng hải sản khai thác hàng năm của xã đạt hơn 10.000 tấn. Toàn xã cũng duy trì và phát triển được 15 tổ hội đoàn kết trên biển, 2 tổ dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển. Bên cạnh đó, các ngành nghề dịch vụ hậu cần nghề cá của địa phương cũng từng bước phát triển. Toàn xã có 13 công ty, doanh nghiệp, tổ hợp chế biến thủy, hải sản, như: sản xuất cá khô, mực khô, hải sản đông lạnh, làm mắm, nước mắm, chả cá... Hàng năm, sản lượng chế biến thủy, hải sản đạt 8.300 tấn; trong đó, dịch vụ đông lạnh 5.900 tấn; 1.100 tấn cá khô, moi khô, cá nướng; 1.300 tấn nước mắm... Bên cạnh đó, địa phương cũng đã và đang nỗ lực tìm kiếm, đấu mối thị trường tiêu thụ các sản phẩm thủy, hải sản cho các doanh nghiệp và hộ dân, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế. Hiện, nghề chế biến thủy, hải sản trên địa bàn xã đang tạo việc làm cho 3.000 lao động, với thu nhập bình quân từ 4,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh tế khác, như: sản xuất thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản cũng được chú trọng, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

Để duy trì nghề khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản bền vững, xã Quảng Nham đang tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn cho tàu cá hoạt động trên biển. Phát huy năng lực, hiệu quả bến cá và khu neo đậu tàu thuyền, đẩy mạnh phát triển khai thác hải sản với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo.

Bài và ảnh: Lê Hợi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/xa-quang-nham-phat-trien-kinh-te-bien/129029.htm