'Xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội'

Trong Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đã được phê duyệt thì phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ người cai nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán là một trong các dự án của chương trình.

Đầu năm 2018, theo đánh giá, khảo sát của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, công tác hỗ trợ giảm hại và hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm đã có những bước tiến rõ rệt và hiệu quả hơn. Theo báo cáo từ 8 Bộ, ngành và giám sát của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tại 9 tỉnh, TP cùng nghiên cứu, tổng hợp của các địa phương, đầu năm 2018 có 356.169 lượt người bán dâm được hỗ trợ giảm hại.

Cụ thể, 335.261 lượt người bán dâm được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV; 4.643 lượt người được tư vấn, trợ giúp pháp lý; 5.734 lượt người được hỗ trợ giáo dục, dạy nghề; 10.531 lượt người được tạo việc làm, vay vốn sản xuất kinh doanh với số tiền 7,6 tỷ đồng. Số đối tượng tham gia các CLB đồng đẳng, các nhóm tự lực... là 5.508 người. Tại 50 tỉnh, TP đã có khoảng gần 1.400 xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình hỗ trợ dựa vào cộng đồng (bao gồm mô hình thí điểm và mô hình duy trì). Một số tỉnh đã xây dựng mô hình lồng ghép với các chương trình an sinh xã hội khác được đánh giá có hiệu quả.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 – 2020, dự án phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ người bán dâm nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm; giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội; bảo đảm quyền bình đẳng của người bán dâm trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội; giảm tội phạm liên quan đến mại dâm.

Mục tiêu của đề án đến năm 2017 đạt 75% và năm 2020 đạt 100% số xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) tổ chức được ít nhất một hình thức tuyên truyền về phòng, chống mại dâm và được duy trì thường xuyên. Từ năm 2016, thông tin về phòng, chống mại dâm được đăng tải trên cơ quan báo chí cấp Trung ương và cấp tỉnh ít nhất một tháng một lần.

Đến năm 2017 đạt 50% và đến năm 2020 đạt 100% các tỉnh, TP xây dựng kế hoạch lồng ghép và tổ chức, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm với các chương trình kinh tế - xã hội tại địa phương như chương trình giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm, phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tội phạm mua bán người. 50% các tỉnh, TP triển khai thực hiện được các hoạt động can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm. Đến năm 2020, 20 tỉnh, TP xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm.

Để thực hiện được các mục tiêu trên các địa phương phải tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn mại dâm theo Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 15-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống mại dâm trong tình hình hiện nay; phòng ngừa, tiến tới đẩy lùi tệ nạn mại dâm dưới mọi hình thức; xây dựng các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội phát triển để thực hiện các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện cho người bán dâm được dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ xã hội.

Đáng chú ý, các địa phương phải đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác phòng, chống mại dâm ở các cấp, các ngành và toàn xã hội. Nhân rộng mô hình xã, phường phòng ngừa, ngăn chặn phát sinh mới tệ nạn ma túy, mại dâm. Mở rộng và nâng cao hiệu quả cuộc vận động xây dựng “xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội”; chuyên hóa những xã, phường trọng điểm về tệ nạn ma túy, mại dâm; huy động tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh các cấp, nhà trường… thực hiện đồng bộ các giải pháp về tuyên truyền, giáo dục, vận động thanh niên tránh xa ma túy, mại dâm; xây dựng lực lượng tình nguyện viên ở các xã, phường.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về phòng, chổng mại dâm; Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội tại địa bàn cơ sở và xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm.

Trong đó, xây dựng thử nghiệm 3 mô hình, bao gồm: Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội; mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/CLB của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

Hoa Đỗ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/xa-phuong-lanh-manh-khong-co-te-nan-xa-hoi-152722.html