Xã Phú Lộc chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Là xã đầu nguồn, hàng năm mỗi khi mùa lũ về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) luôn được xã Phú Lộc (TX. Tân Châu, An Giang) đặc biệt quan tâm, đảm bảo ứng phó kịp thời khi có các tình huống đột xuất xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Xã Phú Lộc chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, địa phương đã bố trí đủ lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện cho công tác PCTT&TKCN. Cụ thể, thành lập 4 chốt cứu nạn, cứu hộ với 6 đội xung kích có 85 thành viên (3 chốt đường sông và 1 chốt cứu hộ đường bộ) được đặt tại Trạm Y tế xã. Ở các điểm cứu nạn, cứu hộ đều được trang bị từ 1-2 chiếc vỏ lãi, phao cứu sinh, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, xe cứu thương luôn sẵn sàng trong tư thế phục vụ, phân công lực lượng tuần tra canh gác ở các điểm chốt cứu hộ.

Bên cạnh đó, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp tình trạng xe quá tải trên các công trình thi công bảo vệ vùng đê bao; kiểm tra, nhắc nhở các hộ đánh bắt thủy sản trên sông không được đánh bắt gần khu vực có nguy cơ sạt lở, đem theo vật dụng nổi, xuồng ghe neo đậu trên sông đảm bảo độ an toàn, cấm biển báo, gắn bóng đèn đảm bảo an toàn ở các khu vực trọng điểm trên sông để người dân lưu ý.

Với phương châm “Chủ động phòng tránh - Đối phó kịp thời - Khắc phục khẩn trương”, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, giảm tối đa thiệt hại về tài sản, xã Phú Lộc phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, trong đó lực lượng quân sự - công an là lực lượng nòng cốt luôn thường trực sẵn sàng nhận lệnh để thực hiện nhiệm vụ khi có mưa, lũ diễn biến bất thường xảy ra.

Thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến của thời tiết; đảm bảo phương châm “4 tại chỗ”; đồng thời tiến hành kiểm tra, rà soát, thống kê tất cả các điểm có nguy cơ cao về thiên tai ở địa phương để có biện pháp khắc phục kịp thời, đảm bảo an toàn cho nhân dân cũng như bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong đê bao, nhất là hiện nay tình hình sạt lở đất bờ kênh diễn biến rất phức tạp.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lộc Lê Văn Dũng cho biết: “Những ngày gần đây, tình hình mưa nhiều trên địa bàn xã đã xảy ra tình trạng sạt lở bờ kênh 7 xã, có nơi sạt lở từ 1-3m ăn sâu vào vách ta-luy có nguy cơ đến kè đá của tuyến kênh 7 xã. Qua đó địa phương đã phối hợp ngành chức năng tổ chức gia cố tạm thời nhằm bảo vệ được tuyến kè kênh 7 xã. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền đến những hộ dân sống gần vùng sạt lở theo dõi tình hình nước lũ, các vết nứt mới xuất hiện trên tuyến kênh 7 xã và kịp thời báo cáo với chính quyền địa phương; chủ động di dời các lồng bè chăn nuôi trên sông, các chuồng trại chăn nuôi gần khu vực sạt lở đến nơi an toàn. Luôn chủ động các phương án phòng, chống thiên tai với phương châm “4 tại chỗ”, nhất là chủ động bảo vệ hệ thống đê ở tiểu vùng Phú Lộc - Vĩnh Hòa, Phú Lộc - Vĩnh Xương cho tình hình sản xuất được an toàn trong vụ thu đông năm nay”.

Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, xã Phú Lộc được đầu tư, xây dựng nhiều công trình, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh. Đặc biệt, các tuyến dân cư trên địa bàn xã vừa là nơi sinh sống ổn định của bà con nhân dân, vừa là tuyến đê bao vững chắc giúp nhân dân yên tâm lao động, phát triển kinh tế nông nghiệp vụ 3 diện trong đê bao.

Vụ thu đông 2020, xã Phú Lộc xuống giống 400ha và trên 226ha cây ăn trái đang trong giai đoạn thu hoạch. Nhằm đảm bảo cho tình hình sản xuất thuận lợi trong mùa mưa lũ, địa phương tập trung chỉ đạo các tổ hợp tác tăng cường công tác kiểm tra tại các trạm bơm tiêu úng, kịp thời vận hành trạm bơm rút úng đảm bảo sản xuất nông nghiệp đạt năng suất cao.

Hiện, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã Phú Lộc đẩy mạnh công tác quản lý các công trình phòng, chống lũ và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm gây ảnh hưởng đến sự an toàn công trình bảo vệ đê bao. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến về kiến thức phòng tránh thiên tai cho người dân ở các ấp trong vùng thường có diễn biến thiên tai xảy ra như: khu vực ấp Phú Quý, Phú Yên và dọc theo kênh 7 xã để người dân chủ động thực hiện khi có tình huống xảy ra. Thường xuyên nhắc nhở các bậc phụ huynh học sinh nâng cao ý thức, chủ động quan tâm đến sự an toàn và tính mạng của trẻ em, học sinh như: chủ động đưa rước trẻ đi học, không cho trẻ xuống sông tắm nghịch nước khi không có người lớn trông coi, nhằm hạn chế thấp nhất tai nạn đuối nước xảy ra ở trẻ em trong mùa lũ.

“Thời gian tới, địa phương bổ sung các phương tiện vỏ lãi, trang thiết bị áo phao, các công cụ phục vụ cho công tác phòng, chống lụt bão, thường xuyên kiểm tra cống bửng, có kế hoạch gia cố, sửa chữa trong mùa mưa lũ; tiếp tục khảo sát tình hình sạt lở bờ kênh 7 xã, đánh giá mức độ nguy cơ thiệt hại gây ra có kế hoạch tiến hành di dời, cảnh báo và phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy thị xã tham mưu và xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra; đảm bảo công tác trực cứu hộ trong chế độ sẵn sàng” - ông Lê Văn Dũng nhấn mạnh.

PHƯƠNG LAN - LÊ KIỀU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/xa-phu-loc-chu-dong-phong-chong-thien-tai-va-tim-kiem-cuu-nan-a287411.html