Xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm – Tp. Hà Nội) – Bài 1: Tràn lan nhà xưởng sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên đất nông trường

Được giao đất để chăn nuôi bò sữa nhưng từ nhiều năm nay, công ty Cổ phần giống gia súc Hà Nội tại thôn Phù Dực, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Tp. Hà Nội đã ngang nhiên 'xẻ thịt' hàng nghìn m2 đất nông trường bò sữa cho nhiều đơn vị thuê theo hình thức liên doanh, liên kết để sản xuất gỗ ván ép. Trong quá trình sản xuất các đơn vị này thường xuyên xả khí thải màu đen sì và mùi hóa chất độc hại gây ô nhiễm môi trường nặng nề.

<span data-mce-type="bookmark" style="display: inline-block; width: 0px; overflow: hidden; line-height: 0;"></span>

VIDEO CLIP: Gia Lâm (Hà Nội): Tràn lan nhà xưởng sản xuất gây ô nhiễm môi trường

Nhiều năm “bức tử” môi trường

Theo phản ánh của người dân xã Phù Đổng, nhiều năm khu vực ngoài bãi thôn Phù Dực tồn tại hàng chục xưởng sản xuất gỗ ván ép xây dựng trái phép trên đất của công ty CP giống gia súc Hà Nội, ngày đêm xả khí thải màu đen sì, mùi khét lẹt, “đầu độc” không khí, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Các đơn vị sản xuất gỗ ván ép tại thôn Phù Dực, xã Phù Đổng đua nhau xả khí thải đen kịt ra môi trường

Nhằm làm rõ những thông tin phản ánh, phóng viên Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã trực tiếp xuống khu vực trên để ghi nhận thực tế. Quả thực, mục sở thị ở nơi đây chúng tôi mới thấu cảm được những nỗi khổ của người dân và thấy rằng phản ánh của bà con là có cơ sở.

Khi vừa từ cửa khẩu trên đê bước xuống, hiện ra trước mắt phóng viên là con đường bụi bặm, cây cối ven đường bụi phủ trắng xóa. Đi vào trong 1 đoạn, dọc 2 bên đường là các nhà xưởng sản xuất gỗ ván ép mọc lên như nấm trên đất của công ty CP giống gia súc Hà Nội. Nguyên liệu được để ngổn ngang, chất đống 2 bên đường khiến nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao.

Dầu thải, chất thải nguy hại được đổ lênh láng ngoài môi trường

Nhiều người dân tại thôn Phù Dực cho biết: Ngày nào cũng vậy, từ sáng cho đến đêm các nhà xưởng gỗ ván ép này hoạt động sản xuất liên tục, xả khói bụi đen sì hòa lẫn với mùi keo hóa chất lan tỏa khắp nơi, nhất là vào giờ nghỉ trưa và ban đêm. Nhà nào nhà nấy phải đóng cửa kín mít, hít phải khí độc hại này thường xuyên nên chúng tôi thường cảm thấy buồn nôn, đau đầu, rất khó chịu.

Bác B.Th.X, có ruộng gần các nhà xưởng gỗ ván ép bức xúc: “Họ hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm, mỗi khi làm đồng hít phải khói thải và mùi keo là tôi cảm thấy khó thở và ho sặc sụa, các nhà xưởng này hoạt động chắc phải được cấp trên “tạo điều kiện” thì mới được hoạt động, chứ bình thường làm sao dám dựng xưởng sản xuất rầm rộ như thế này được”

Đi một vòng trên đoạn đường đó phóng viên bắt gặp hàng chục ống khói đang đua nhau xả thải đen kịt ra môi trường, mùi khét lẹt. Mùi keo dán gỗ nồng nặc, bụi gỗ, mùn cưa từ trong xưởng bay mù mịt. Âm thanh phát ra từ động cơ của hệ thống máy cắt xẻ gỗ của các cơ sở này cộng hưởng lại với nhau tạo thành những tiếng ồn kêu đinh tai nhức óc. Hơn nữa, một số ô đất đang tiếp tục được san lấp để dựng xưởng.

Diện tích đất tiếp tục được san lấp để dựng xưởng sản xuất nhưng không bị chính quyền xã Phù Đổng xử lý

Đi sâu vào bên trong phóng viên còn phát hiện trạm trộn bê tông asphalt đang vi phạm nghiêm trọng Luật bảo vệ môi trường, Luật đất đai. Trạm trộn đang hoạt động rầm rộ, xả khói mù mịt, nước thải trong quá trình sản xuất không được xử lý xả thải trực tiếp ra môi trường. Nền không được đổ bê tông nên mỗi khi xe ra vào kéo theo bụi bay trắng xóa như phủ một lớp sương.

Chính quyền ở đâu?

Để thông tin khách quan và làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo xã Phù Đổng trong công tác kiểm tra, xử lý và quản lý đất đai trên địa bàn, phóng viên Môi trường và Cuộc sống đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Phù Đổng.

Làm việc với phóng viên Moitruong.net.vn, bà Nguyễn Thị Thúy – Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng cho rằng: “Các xưởng sản xuất gỗ dán hoạt động tại thôn Phù Dực là hoàn toàn trái phép, cần phải xử lý nghiêm”

Trả lời trước phóng viên, bà Nguyễn Thị Thúy – Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng cho biết: Tôi mới được giao phụ trách mảng đất đai, xây dựng từ tháng 3/2018 sau đó lại đi học đến tháng 5 mới về làm việc nên đang tiếp cận hồ sơ. Các cơ sở sản xuất gỗ ván ép nằm trên đất của công ty CP giống gia súc Hà Nội nằm giáp ranh giữa xã Dương Hà và Phù Đổng. Họ hoạt động xây dựng như vậy là hoàn toàn sai. Hiện nay, khu vực đó có 14 cơ sở, trong đó xã Phù Đổng có 7 cơ sở. Qua các đợt kiểm tra của huyện, xã chỉ là thành phần tham gia, phối hợp, trách nhiệm kiểm tra thuộc về huyện, xã chỉ có quyền nhắc nhở. Gần đây nhất, tháng 6/2018 xã có phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành của huyện kiểm tra các cơ sở sản xuất gỗ ván ép trên.

Sau đó phóng viên có đề nghị bà Thúy cung cấp các biên bản kiểm tra vào thời điểm tháng 6 vừa qua. Thật bất ngờ, cầm tờ biên bản làm việc trên tay mà phóng viên ngỡ ngàng đến giật mình như không thể tin vào mắt mình. Một biên bản kiểm tra liên ngành của huyện lại đơn điệu, sơ sài đến vậy. Nội dung biên bản làm việc nêu rõ “ Thực hiện quyết định số 3932/QĐ – UBND ngày 22/5/2018 của UBND huyện Gia Lâm về việc thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành Luật đất đai, Luật tài nguyên nước, Luật bảo vệ môi trường, Luật phòng cháy chữa cháy đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất ván ép và các cơ sở sản xuất khác trên địa bàn huyện Gia Lâm”.

Như vậy nội dung làm việc là kiểm tra về 4 Luật nhưng thực tế trên biên bản làm việc chỉ ghi phần thông tin chung về đơn vị sản xuất còn việc thực hiện các Luật trên như thế nào đều trắng trơn (không gạch chéo) tuyệt nhiên không nhắc đến 1 chữ nào mà các thành phần trong đoàn vẫn kí xác nhận vào biên bản làm việc?!

Khi phóng viên hỏi bà Thúy lập biên bản làm việc như vậy có đúng với quy định không? Bà Thúy cho rằng như vậy là chưa đúng với quy định. Hơn nữa, theo bà Thúy mình chỉ phụ trách về lĩnh vực đất đai, xây dựng còn vấn đề môi trường do đồng chí Hưng – Phó Chủ tịch phụ trách nên các cuộc kiểm tra về môi trường bà không được tham gia nên không biết.

Đến đây, dư luận đang hoài nghi phải chăng các cuộc kiểm tra của xã, huyện Gia Lâm chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, “nhắm mắt làm ngơ”, kiểm tra theo kiểu “điền vào chỗ trống”, cơ sở nào muốn thông tin của mình “đẹp” thế nào sẽ điền vào sau?

Về trạm trộn bê tông Asphalt tại khu bãi bà Thúy thông tin: Năm 2013 xã có cho công ty CP dịch vụ và thương mại Hoàng Minh Phúc thuê đất tại khu bãi Nổi 42, thôn Phù Dực để sản xuất nông nghiệp. Sau đó công ty Hoàng Minh Phúc đã cho đơn vị doanh nghiệp thuê lại để sản xuất bê tông. Ngày 15/9/2018 UBND xã đã ra thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng với công ty Hoàng Minh Phúc, yêu cầu công ty di dời toàn bộ cây, hoa màu, vật kiến trúc ra khỏi khu đất để bàn giao mặt bằng khu đất cho UBND xã quản lý, xong trước ngày 25/9/2018. Tuy nhiên công ty không hợp tác nên xã đã mời các phòng ban chuyên môn huyện tư vấn cách giải quyết.

Ông Đinh Quang Hải – Đại diện các cơ sở sản xuất gỗ ván ép tại thôn Phù Dực thừa nhận: “Các xưởng sản xuất gỗ ván ép không có hệ thống xử lý môi trường theo đúng quy định”

Cũng tại buổi làm việc, ông Đinh Quang Hải – Đại diện các cơ sở sản xuất gỗ ván ép cho biết: Công ty CP giống gia súc liên doanh, liên kết với các cơ sở được khoảng 4 năm nay. Theo ông Hải lí giải trong quá trình sản xuất có mùi keo cay là do công ty sử dụng keo ure formaldehyde để ép các ván lại với nhau nhưng tại khu vực ép không có hệ thống thu hồi xử lý khí thải, vì vậy gây mùi phát tán ra xung quanh. Ngoài ra ông Hải cũng thừa nhận hiện công ty CP giống gia súc và các đơn vị sản xuất gỗ ép là hoàn toàn sai về sử dụng đất.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì formaldehyde là chất có mức độ độc hại cao. Đặc biệt trong quá trình đưa keo ure formaldehyde vào lò ép, gặp hơi nóng thì chất formaldehyde sẽ có phản ứng hóa học, dẫn tới bốc hơi cay, khiến cho những người tiếp xúc bị cay mắt, mũi. Người tiếp xúc trực tiếp môi trường có tồn dư formaldehyde trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây các bệnh về da, đường hô hấp, thậm chí là ung thư.

Những vi phạm của công ty CP giống gia súc Hà Nội, các cơ sở sản xuất gỗ ván ép về đất đai, môi trường đã rõ ràng. Tình trạng diễn ra nhiều năm nhưng tại sao xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm chưa giải quyết được triệt để? Phải chăng chính quyền xã và huyện đang bao che, kéo dài thời gian để các đơn vị này tiếp tục hoạt động đến khi dự án được thu hồi sẽ an toàn ra đi? Trách nhiệm của UBND huyện Gia Lâm và các cơ quan liên quan đến đâu?

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc

Anh Thư – Thùy Dương

Nguồn MT&CS: http://moitruong.net.vn/xa-phu-dong-huyen-gia-lam-tp-ha-noi-bai-1-tran-lan-nha-xuong-san-xuat-gay-o-nhiem-moi-truong-tren-dat-nong-truong/