Xã Nga Bạch phát triển nghề khai thác, chế biến hải sản

Phát huy lợi thế ven biển, những năm gần đây, xã Nga Bạch (Nga Sơn) luôn quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân đầu tư phát triển nghề khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản, đưa ngành nghề này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Cơ sở sản xuất mắm tôm của gia đình ông Đặng Văn Sơn, thôn 2, xã Nga Bạch.

Theo số liệu thống kê của UBND xã Nga Bạch, toàn xã hiện có 35 tàu thuyền khai thác hải sản. Trong đó, có 6 tàu có công suất từ 230-420 CV trở lên, sản lượng khai thác đạt từ 2.500 đến 3.000 tấn/năm, tạo việc làm cho hơn 400 lao động. Những năm gần đây, để nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề khai thác hải sản, UBND xã vận động Nhân dân cải hoán, đóng mới tàu thuyền và phối hợp với một số cơ quan, đơn vị mở các lớp đào tạo thuyền trưởng, thuyền viên cho hàng trăm lượt ngư dân để nâng cao tay nghề và bảo đảm các điều kiện pháp lý trong hành nghề khai thác hải sản. Bên cạnh đó, để phát huy hiệu quả, nâng cao giá trị kinh tế của hoạt động khai thác hải sản, ngành dịch vụ hậu cần nghề cá cũng phát triển. Xã Nga Bạch đã quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các hộ dân và tổ chức phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, từng bước đáp ứng nhu cầu cung cấp vật tư, nguyên liệu cho các phương tiện khai thác và các cơ sở chế biến thủy, hải sản. Đến nay, toàn xã có hàng chục đầu mối thu gom, xuất bán hải sản và hơn 20 hộ chế biến thủy, hải sản, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 200 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Chuyển đổi 3,32 ha đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, nâng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã lên 14 ha, năng suất đạt 23 - 25 tấn/năm. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản 6 tháng đầu năm 2020 đạt gần 1.500 tấn. Nghề khai thác và chế biến thủy, hải sản phát triển mạnh đã góp phần quan trọng tăng mức thu nhập bình quân đầu người của xã hiện nay ước đạt 45 triệu đồng/năm.

Gia đình ông Đặng Văn Sơn ở thôn 2, người có thâm niên trong nghề sản xuất nước mắm tại xã Nga Bạch với các loại nước mắm Bạch Câu. Ông Sơn cho biết: Nghề sản xuất nước mắm, mắm tôm đã có lịch sử hình thành và phát triển tại địa phương khoảng gần 100 năm. Để có được các sản phẩm bảo đảm dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm, phải bảo đảm ngay từ khâu lựa chọn nguyên liệu. Nguyên liệu chính để sản xuất nước mắm là các loại cá: cá trích, cá nục và cá cơm. Mỗi loại cá làm nước mắm có một hương vị riêng; mỗi tấn cá trích sản xuất được khoảng 200-300 lít nước mắm, cá cơm và cá nục, đạt từ 300-400 lít nước mắm. Nước mắm Bạch Câu có đặc trưng là độ mặn cao, không sử dụng phụ gia, hóa chất nên bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng dinh dưỡng luôn đạt từ 15-30 độ đạm. Vì thế, nước mắm Bạch Câu làm ra đến đâu xuất bán hết đến đấy. Mỗi năm cơ sở sản xuất nước mắm của gia đình ông Sơn thu mua khoảng 200 tấn nguyên liệu các loại để sản xuất nước mắm, trừ chi phí gia đình ông thu lãi từ 500 đến 600 triệu đồng, tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng.

Ông Mai Văn Hà, Bí thư Đảng ủy xã Nga Bạch, cho biết: Những năm tới, nghề khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn của xã. Do vậy, xã tiếp tục tập trung phát triển ngành kinh tế này một cách toàn diện, bền vững, nâng cao chất lượng, tiến tới xây dựng nước mắm Bạch Câu là sản phẩm OCOP của địa phương, đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường.

Nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy, hải sản ở xã Nga Bạch đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương, từng bước đáp ứng nhu cầu việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với sự nỗ lực vượt khó, vươn lên trong quá trình phát triển kinh tế của người dân; xã đề nghị các cấp, các ngành có liên quan của tỉnh, các tổ chức tín dụng quan tâm, tạo điều kiện cho Nhân dân địa phương được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi với thời gian vay dài hơn để đầu tư phát triển thủy, hải sản.

K.P

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/xa-nga-bach-phat-trien-nghe-khai-thac-che-bien-hai-san/121493.htm