Xã hội tư bản không phải là 'thiên đường'

Những hệ lụy tiêu cực của kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng, an sinh xã hội giảm sút, cơ hội tham gia và hưởng lợi ích từ hoạt động sáng tạo bị hạn chế, thiếu việc làm và thất nghiệp, giới cầm quyền ngày càng tỏ ra độc đoán... là một số lý do chủ yếu khiến khá đông giới trẻ ở Mỹ và các nước phương Tây lâm vào tình trạng bế tắc, chán nản. Chính vì vậy, đòi hỏi và khát vọng về một xã hội bình đẳng, công bằng và tốt đẹp hơn đang ngày một lan rộng và có xu hướng trở thành một trào lưu ở chính ngay tự thân các nước tư bản...

Ngày 26-6-2018, cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ tại Niu-oóc (Mỹ) với kết quả cô O.Cortez (O.Cô-the, 28 tuổi), giành được 57,5% số phiếu bầu trong khi đối thủ là dân biểu đương nhiệm J.Crowley (G.Cơ-rao-lây, 56 tuổi) được 42,5% đã trở thành sự kiện thu hút sự chú ý của báo chí, dư luận Mỹ, được coi là “chiến thắng lịch sử, cho thế hệ trẻ, cho cộng đồng da mầu, cho giới dân chủ cấp tiến”. Trước đó, đánh giá chung thì cuộc tranh cử giữa cô O.Cortez với ông J.Crowley là không cân sức. Bởi trong khi năm 2017, cô O.Cortez còn là một cô hầu bàn xuất thân từ khu phố nghèo của New York, được xem là thiếu kinh nghiệm chính trường, thì ông J.Crowley đã là một chính khách kỳ cựu, 10 lần đắc cử dân biểu. Ðể tổ chức chiến dịch tranh cử, ông J.Crowley kêu gọi được hơn ba triệu đô-la, gấp 10 lần số tiền cô O.Cortez đã huy động. Song, O.Cortez còn được quan tâm hơn khi tự nhận là người theo chủ nghĩa xã hội dân chủ. Quan điểm tranh cử của cô tập trung vào những vấn đề hệ trọng như: loại bỏ Cơ quan thực thi Di trú và Hải quan (ICE), ủng hộ chương trình bảo đảm việc làm, chăm sóc sức khỏe, miễn phí học đại học, mở rộng chương trình Medicare (bảo hiểm sức khỏe cho công dân 65 tuổi trở lên), cải cách luật hình sự... Từ đó, đã có dự đoán cô O.Cortez sẽ thắng cử trong dịp bầu cử tổ chức vào tháng 11-2018.

Sự kiện trên cùng nhiều sự kiện khác có một số nét tương đồng như kết quả thăm dò của Viện Gallup tháng 8-2018 cho biết, 51% số người trẻ, 57% số người theo Ðảng Dân chủ được khảo sát có xu hướng thích chủ nghĩa xã hội, khiến cho tại Mỹ khái niệm chủ nghĩa xã hội dân chủ (democratic socialist) trở thành từ khóa được tìm kiếm trên in-tơ-nét tăng lên đột ngột. Chỉ riêng mạng từ điển Merriam-Webster, số lượt tìm kiếm tăng tới 1.500 %. Từ các sự kiện này, có thể đặt câu hỏi: Phải chăng nhận thức, thái độ xã hội của giới trẻ ở nước Mỹ - quốc gia đứng đầu các nước tư bản chủ nghĩa, đang phát lộ một số dấu hiệu khác trước? Thật ra, thực trạng này đang trở nên ngày càng rõ nét trong những năm gần đây. Từ năm 2011, khi phong trào “Chiếm phố Wall” bùng nổ, ở Mỹ cũng đã xuất hiện nhiều ý kiến liên quan khái niệm chủ nghĩa xã hội, như nhà báo J.Hood (G.Hút) viết: “Chỉ có phong trào xã hội chủ nghĩa của quần chúng được tổ chức chặt chẽ chống lại chủ nghĩa tư bản, mới có khả năng chấm dứt những bất công đã đưa đến phong trào biểu tình Chiếm phố Wall”; hoặc năm 2016, Viện Chính trị thuộc Ðại học Harvard công bố kết quả khảo sát cho biết, hơn một nửa số người được hỏi ở độ tuổi 18 đến 29 không ủng hộ chủ nghĩa tư bản và một phần ba trong số đó cho rằng họ ủng hộ chủ nghĩa xã hội...

Trong lịch sử loài người, một số chấm phá đầu tiên mà qua đó có thể phác họa nội hàm khái niệm chủ nghĩa xã hội từng manh nha khá sớm. Tuy nhiên, do định hướng chính trị khác nhau mà khái niệm chủ nghĩa xã hội có nội hàm khác nhau, nhất là từ cuối thế kỷ 19, khi trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế xuất hiện các xu hướng cơ hội, xét lại, cải lương. Nên đến hiện tại, trong khi những người cộng sản theo Chủ nghĩa Mác - Lê-nin khẳng định chủ nghĩa xã hội là giai đoạn trước của chủ nghĩa cộng sản và phấn đấu xây dựng chế độ xã hội mới theo lý tưởng của mình, thì những người theo các trường phái chủ nghĩa xã hội khác hoặc không hướng đến chủ nghĩa cộng sản, hoặc đặt vấn đề cải tạo chủ nghĩa tư bản và yêu cầu nhà nước tư sản điều tiết kinh tế, tăng thuế thu nhập đối với người giàu, tăng ngân sách cho an sinh xã hội... Ðó là cơ sở lý giải, tại sao hiện nay hiến pháp của một số nước vẫn có một số nội dung liên quan chủ nghĩa xã hội, nhưng không xác định Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là hệ tư tưởng chính thống...

Ðể trả lời câu hỏi tại sao giới trẻ ở Mỹ có xu hướng tôn sùng chủ nghĩa xã hội dân chủ, các lý luận gia phương Tây đưa ra một số lý giải như: về cơ bản các nguyên lý của chủ nghĩa tư bản đã bị hiểu lầm, giáo dục chưa thấu đáo... Cách lý giải trên chưa thật sự thuyết phục, chưa nhìn thẳng vào bản chất của vấn đề, vì sự thật là xu hướng tinh thần nói trên có nguồn gốc từ thời kỳ chủ nghĩa tư bản phát triển đã nảy sinh một số yếu tố có tác động tiêu cực đến việc tổ chức, điều hành xã hội, bảo đảm cuộc sống của người dân. Cụ thể: nhóm người sở hữu nhiều tài sản trở thành thế lực thống trị xã hội, kinh tế và chính trị của quốc gia bị các trùm tư bản kiểm soát, khoảng cách giữa giàu và nghèo ngày càng nới rộng thể hiện qua tỷ lệ 1% dân số nắm giữ 99% tài sản, còn 99% dân số nắm giữ 1% tài sản... Tình hình kinh tế ngày càng trở nên khó khăn, lạm phát và lương thấp, tăng lương không theo kịp mức tăng sinh hoạt phí, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng cao, an sinh xã hội giảm sút, tệ kỳ thị chủng tộc còn hoành hành... là thực trạng chung tại không ít nước tư bản phát triển. Chưa kể, còn phải nhắc đến hàng loạt vấn đề nổi cộm và ngày càng trở nên phổ biến khác như: mối đe dọa của khủng bố như hệ quả trực tiếp từ hành động can thiệp quân sự ở nước ngoài, hay ô nhiễm môi trường, tính mạng con người bị đe dọa vì súng đạn sử dụng bừa bãi (theo FBI - Cục Ðiều tra liên bang Mỹ, năm 2015 tại Mỹ có 36.000 người bị chết vì súng đạn, thì năm 2016 tăng lên hơn 38.000 người)...

Các yếu tố tiêu cực trên đã trực tiếp ảnh hưởng đến nhận thức, suy nghĩ của giới trẻ trong xã hội tư bản, cụ thể là ở Mỹ. Nhất là khi lao động xã hội của họ ít khi nhận được sự hỗ trợ của chủ lao động; việc tiếp cận nguồn vốn và lợi ích của chủ nghĩa tư bản chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ đã hạn chế cơ hội được tham gia và được hưởng lợi ích từ hoạt động sáng tạo của nhiều người, đẩy họ vào tình trạng bối rối, bất mãn, mất phương hướng, có xu hướng từ chối chủ nghĩa tư bản và thị trường tự do, suy giảm niềm tin với nhà nước bị nhà tư bản chi phối... Không chỉ vậy, mới đây Thời báo Niu Oóc đã đăng bài của K.M Tran - diễn viên người Mỹ gốc Việt trong phim Star Wars: The Last Jedi (Chiến tranh giữa các vì sao: Jedi cuối cùng), phát hành năm 2017, đề cập tình trạng từ một phương diện khác. K.M Tran kể rằng cô bị lừa dối khi “tin vào những lời lẽ, câu chuyện, được chế tạo rất cẩn thận bởi một xã hội được dựng lên để củng cố quyền lực của chỉ một loại người, một giới tính, một màu da, một thực thể”. Cô khẳng định: “Tôi đã bị lừa đi lừa lại nhiều lần, vì tất cả mọi người: truyền thông, Hollywood, các công ty được lợi từ sự bất an của tôi, thao túng tôi để tôi mua quần áo, đồ trang điểm, giày dép của họ, chỉ để lấp đầy khoảng trống do chính họ khoét ra. Phải, tôi đã bị lừa. Tất cả chúng ta đều bị”. Từ trải nghiệm của một phụ nữ da mầu lớn lên ở Mỹ vẫn được dạy rằng cô là “kẻ bên lề hoặc để lấp chỗ trống, chỉ có giá trị như một nhân vật quần chúng trong cuộc sống và câu chuyện của họ”, K.M Tran nói lên khát vọng: “Tôi muốn sống trong một thế giới mà phụ nữ không bị dè bỉu, chê bai vì diện mạo hay hành động của họ, hoặc thậm chí là sự tồn tại của họ. Tôi muốn sống trong một thế giới, nơi mọi người, dù thuộc chủng tộc, theo tôn giáo gì hay ở bất cứ tầng lớp nào của xã hội cũng luôn được coi là: con người”.

Lựa chọn con đường phát triển là quyền của mọi quốc gia - dân tộc. Song sự lựa chọn đó chỉ thật sự trở nên có ý nghĩa và được người dân ghi nhận, đồng tình và tôn trọng khi hướng tới và xây dựng một xã hội dân chủ, bình đẳng, công bằng, vì lợi ích toàn dân. Dù đã cố gắng thích ứng, dù sử dụng thành tựu kinh tế, khoa học, công nghệ để tăng năng suất lao động xã hội, hỗ trợ và duy trì vai trò chi phối xã hội thì nhà nước tư bản vẫn không thể che giấu bản chất, cũng là tử huyệt của nó là tất cả chỉ vì lợi nhuận để phục vụ lợi ích nhóm người giàu có và làm cho người nghèo ngày càng nghèo hơn. Trong bối cảnh đó, việc giới trẻ phương Tây hướng tới dân chủ, bình đẳng, công bằng là điều hoàn toàn có thể hiểu, hoàn toàn chính đáng và là dấu hiệu cho thấy chủ nghĩa tư bản không phải là “thiên đường”, không phải là “đỉnh cao” như một số người vẫn thường ca ngợi, tán dương. Thực tế đó càng chứng minh con đường Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn nhằm xây dựng xã hội: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là con đường duy nhất đáp ứng khát vọng của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, mục tiêu không thể đạt tới trong một sớm một chiều, mà là kết quả từ quá trình nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước Việt Nam. Trong quá trình đó, chúng ta có thể tiếp nhận một số thành tựu có tính chất là thành quả của nhân loại mà chủ nghĩa tư bản đạt được, từ đó vận dụng, đóng góp vào sự phát triển ích nước, lợi dân. Ðồng thời, cần hết sức tỉnh táo, bảo đảm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không chệch hướng, để các thành tựu của phát triển luôn thuộc về nhân dân, thế hệ trẻ luôn được tạo cơ hội phát triển mọi mặt, nhằm kế tục và phát huy sự nghiệp cách mạng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PHẠM NGUYỄN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37512902-xa-hoi-tu-ban-khong-phai-la-%E2%80%9Cthien-duong%E2%80%9D.html