Xã hội song song

Những người 'am hiểu' vẫn luôn cười nhạt mà rằng: 'Giang hồ thực sự, họ không như thế đâu'. Ngay trong câu nói ấy, đã tồn tại một sự thần tượng, ngấm ngầm thỏa hiệp và thần tượng.

Tôi dừng đèn đỏ. Thành phố mới nới lỏng giãn cách, lượng phương tiện tham gia giao thông đã đủ để tạo thành những đoạn ùn ứ nho nhỏ. Một số người sợ nắng, đỗ xe nép vào phần có bóng cây bên đường. Chợt từ đằng sau, một chiếc xe tay ga phóng vèo lên hè, một cặp thanh niên không đội mũ bảo hiểm.

- Tránh ra cho người ta đi chứ - thanh niên dáng vẻ ngổ ngáo hất hàm – Đã mặc áo chống nắng còn tránh nắng. Bố con hâm.

Người phụ nữ bỗng dưng bị mắng, im thít. Chiếc xe tay ga phóng thẳng lên vỉa hè, rồi cứ thế phi qua đèn đỏ, mất dạng.
20 giây chờ đèn đỏ ấy, tôi cảm giác rất dài, rất lâu. Và có lẽ những người đứng xung quanh cũng vậy. Một cảm giác cáu giận, bất lực pha chút xấu hổ lan tỏa. Chúng tôi đã im lặng trước một sự đàn áp, dù nhỏ thôi, nhưng bản chất chính là như thế.

Có một thực tế, sự xuất hiện của “dân anh chị” (hay còn được gọi dưới những tên kiềng nể khác như “dân xã hội”, “dân số má”, “dân giang hồ”, “đại ca/ đại tẩu”…) đang ngày càng phổ biến và được chấp nhận như một bộ phần cấu thành tất yếu của xã hội. Ai chấp nhận? Công chúng chứ ai.

Hình ảnh giới xã hội đen trong một bộ phim truyền hình được yêu thích năm 2018

Hình ảnh giới xã hội đen trong một bộ phim truyền hình được yêu thích năm 2018

Đã từng có rất nhiều bài viết về sự xuất hiện và hoành hành của các băng đảng hoạt động kiểu xã hội đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, tổ chức cờ bạc cá độ… Những tờ giấy dán khắp các cột điện, bờ tường, hứa hẹn cho vay tiền mặt không cần thế chấp. Những biển quảng cáo dịch vụ đòi nợ đảm bảo thu hồi. Rồi cả 1 “thế giới giang hồ” xuất hiện trên Youtube, dọa chém dọa giết, chửi bới lẫn nhau, và kiếm tiền bằng dịch vụ… cho số để đánh lô đề.

Đấy chỉ là bề nổi. Những người “am hiểu” vẫn luôn cười nhạt mà rằng: “Giang hồ thực sự, họ không như thế đâu”. Ngay trong câu nói ấy, đã tồn tại một sự thần tượng, ngấm ngầm thỏa hiệp và thần tượng.

Một cung cách giải quyết xung đột xã hội thường thấy: một công trình xây dựng có tranh chấp với hàng xóm, từ khúc mắc nhỏ, chuyển sang cãi vã rồi xô xát, và 1 trong 2 bên gọi “dân xã hội” tới để giải quyết. Chỉ ít phút sau, những thanh niên hung hãn phóng xe máy tới, quây kín hiện trường với thái độ rất manh động. Hàng xóm sẽ chặc lưỡi, “Thôi không xong rồi”. Và chỉ vậy.

Nói chung là như thế. Một thanh niên bị đánh "hội đồng" đến mức nhập viện, câu chuyện kể lại sẽ mang màu sắc kiếm hiệp hơn là vụ hành hung. Một dây hụi bị vỡ, người ta sẽ quan tâm đến khía cạnh “giang hồ truy sát” hơn là sự khốn cùng của những nạn nhân. Khi còn bé, đám trẻ con đánh nhau thường dọa “Tao sẽ về gọi anh tao cho mày biết tay”. Còn bây giờ, cũng chẳng khác là mấy, nhiều người lưu trong điện thoại số của 1 ai đó - người mà sẵn sàng giải quyết vướng mắc bằng đe dọa hoặc bạo lực. Không phải để “xử” người lương thiện, mà để đối phó với chính những kẻ côn đồ.

Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ") - tay anh chị vừa bị bắt ở Thái Bình và cơ quan điều tra đề nghị khởi tố vào hôm qua – trong suốt nhiều năm đã dùng bạo lực để giành những đặc quyền theo kiểu cường hào ác bá thời phong kiến địa chủ. Đe dọa để ép các đối thủ đấu thầu bất động sản phải tự rút lui, đó là cách để vợ chồng Đường "Nhuệ" trở thành “độc bá”. Nhưng những gói thầu bỏ cao hơn giá khởi điểm chỉ… 9 triệu đồng, thì sao có thể nói đó chỉ là tình cờ? Đỉnh điểm của bạo ngược, “băng” Đường "Nhuệ" còn độc bá cả dịch vụ hỏa táng ở Thái Bình, “thu tô” mỗi trường hợp hỏa táng 500.000 đồng.

Lực lượng chức năng bắt Nguyễn Xuân Đường ( tức Đường “Nhuệ”)

Thế lực nào bảo kê cho “băng” Đường "Nhuệ", câu hỏi đó cơ quan điều tra rồi sẽ làm rõ. Nhưng sự thỏa hiệp của người dân, đó mới là gốc rễ sự tồn tại dai dẳng của những tay anh chị này.

Không phải đợi đến khi báo chí đưa tin, hình ảnh Nguyễn Xuân Đường - tức Đường “Nhuệ” đã nổi tiếng rần rần trên Youtube từ lâu. Tự nhận là võ sư, Đường “Nhuệ” tham gia vào hầu hết các phim lấy chủ đề xã hội đen ở miền Bắc. Trong những bộ phim tự sản xuất ấy (với kinh phí không hề thấp), các đại ca đại tỉ kiếm tiền bằng các hoạt động bảo kê, và tranh giành quyền lực bằng dao kiếm. Thứ hấp dẫn khán giả của dòng phim này (mà chủ yếu là các thanh thiếu niên), ngoài bạo lực, thì là kiểu tình nghĩa huynh đệ sống chết giang hồ.

Đường "Nhuệ" (áo trắng) trong một vai diễn đại ca giang hồ (ảnh chụp từ video clip Youtube)

Kiểu thần tượng lệch lạc như thế không hề lạ. Dung “Hà”, đàn chị xã hội đen lừng lẫy đất Hải Phòng, khi còn sống rất được lòng bà con làng xóm vì cư xử hòa nhã, hay giúp đỡ mọi người. Ông trùm Năm Cam có hàng đống bằng khen vì thành tích trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh trật tự. Ngay chính vợ chồng Đường “Nhuệ”, ngày ngày cũng khoe rất nhiều ảnh chụp cùng những người nổi tiếng – như 1 cách hiệu quả để tô vẽ vỏ bọc tử tế cho bản thân.

Có tiền, có thế, nói gì chả được - người ta chặc lưỡi.

Nhưng cái chặc lưỡi ấy, thực ra đã ngầm ký vào một thỏa thuận im lặng, chấp nhận một quyền lực khác ngoài pháp luật can thiệp vào các quan hệ xã hội. Thậm chí đi kèm với đó, là một suy nghĩ kiểu dân làng Vũ Đại: Nó hung tợn với mọi người, nhưng người hiền lành tử tế thì việc gì.

Tương tự năm ngoái, khi một quan chức cỡ bự của ngành ngân hàng đột tử. Dù đang bị điều tra xét xử vì hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, và cũng nổi tiếng với nhiều hành vi ngang ngược khi còn sống, nhưng ông này được rất nhiều người lên tiếng khen ngợi khi qua đời. Họ khen ông đối xử tốt với người thân và bạn bè, khen ông là người dám nghĩ dám làm, và nói thẳng ra là từng đối tốt với bản thân họ. Tốt thế thì dễ quá, cùng ngồi ăn nhậu rồi khen nhau bao giờ chẳng dễ. Mà những người khen ấy, lại toàn là các nhà báo, nhà kinh tế, có quan hệ sinh ra lợi ích.

Ai dung dưỡng cho cái sai? Ai dung dưỡng cho cái gọi là “xã hội đen”? Có phải chính là công chúng, những người thấp cổ bé họng, vừa sợ bị chèn ép nhưng cũng ngấm ngầm ủng hộ một sự chống đối vượt ngoài khuôn khổ của luật pháp lẫn đạo đức.

Mới tuần qua thôi, công an tỉnh Đồng Nai dẹp bằng bảo kê Loan “cá”, chuyên thu tiền “xâu” (tiền bảo kê) của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ quanh khu vực KCN Thạnh Phú. Để che mắt công an, băng Loan “cá” nói đó là thu tiền rác, và những tiểu thương thấp cổ bé họng cũng nhất loạt nói như vậy khi có ai hỏi thăm.

Theo cách như thế, một xã hội khác song song tồn tại bên dưới xã hội chúng ta đang sống. Và chúng ta thừa nhận nó, dù một nửa chúng ta cũng ghê sợ nó.

Phạm Gia Hiền

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/doi-thoai/xa-hoi-song-song-171916.html