Xã hội lố lăng trong 'Số đỏ' qua nét vẽ Thành Phong

Ngôn từ trào phúng của Vũ Trọng Phụng kết hợp nét vẽ minh họa của Thành Phong tạo nên ấn bản 'Số đỏ' hấp dẫn.

 Số đỏ là tiểu thuyết của "ông vua phóng sự đất Bắc" Vũ Trọng Phụng. Kể từ khi ra đời đến nay, tác phẩm này đã được nhiều đơn vị phát hành. Mới đây, Công ty sách Đông A liên kết NXB Văn học thực hiện ấn phẩm theo bản in đầu. Sách mang diện mạo mới qua minh họa của Thành Phong. Ảnh: Đông A.

Số đỏ là tiểu thuyết của "ông vua phóng sự đất Bắc" Vũ Trọng Phụng. Kể từ khi ra đời đến nay, tác phẩm này đã được nhiều đơn vị phát hành. Mới đây, Công ty sách Đông A liên kết NXB Văn học thực hiện ấn phẩm theo bản in đầu. Sách mang diện mạo mới qua minh họa của Thành Phong. Ảnh: Đông A.

Thành Phong là họa sĩ được yêu thích qua các sách tranh thành ngữ hiện đại, truyện tranh dã sử... Lần này, anh thử sức với tác phẩm Số đỏ với bối cảnh những năm 1930. Trong tranh là cảnh bà Phó Đoan và vợ chồng Văn Minh đi vào sân quần vợt.

Nhân vật chính của tác phẩm là Xuân Tóc Đỏ, từ một kẻ hạ lưu bỗng chốc đổi đời, nhảy lên tầng lớp danh giá của xã hội nhờ trào lưu Âu hóa. Đây là Xuân Tóc Đỏ và Tuyết qua góc nhìn của Thành Phong.

Ông Phán mọc sừng.

Ngay trong bản in đầu năm 1938 của nhà Lê Cường, Số đỏ đã được định danh là "hoạt kê tiểu thuyết" (tiểu thuyết khôi hài). Tác giả Vũ Trọng Phụng châm biếm xã hội lố lăng thời đó qua những tình tiết hài hước. Đây là cảnh nhân viên sở Cẩm tới nhà bà Phó Đoan khi nghe có tiếng kêu rên. Bà Phó Đoan nói: "Kêu rên? A à! Thì tôi đương đọc một đoạn chuyện trinh thám cho thầy giáo đây nghe, chứ có gì đâu?".

Tính trào phúng lên đến đỉnh điểm khi Vũ Trọng Phụng để "nhà tài tử quần vợt" Xuân Tóc Đỏ nhận Bắc Đẩu Bội Tinh. Bức tranh vẽ minh họa kèm lời chú thích: "Vì cái lòng hy sinh cao quý của các ngài, chính phủ đã đặc biệt ân thưởng cho hai ngài hai cái đệ ngũ đẳng Bắc Đẩu Bội Tinh".

Số đỏ lên án gay gắt xã hội lố lăng đương thời. Bức tranh vẽ cảnh ở tiệm may Âu hóa, với lời của ông nhà báo đang có mặt trong tiệm: "Nếu bà mặc bộ này thì không còn người đàn ông nào lại không chạy theo bà như chạy theo những cô gái ngây thơ".

Công kích phong trào Âu hóa mà không hiểu gốc rễ văn minh phương Tây, tác phẩm đồng thời phản ánh những hủ tục tồn tại trong xã hội thời đó. Khi nhân vật "cụ tổ" ốm nặng, con cháu đã mời các thầy lang mang "thuốc thánh xin ở đền" tới. Trong tranh, cụ lang Tỳ giở gói lá, cụ lang Phế cầm lọ nước chữa bệnh.

Trong khi ông Típ-Phờ-Nờ đã "chế" ra nhiều trang phục "tân tiến" như "Ngây thơ", "Chinh phục", "Ỡm ờ", "Lưỡng lự", vợ ông vẫn mặc áo dài giản dị, quần trắng kín đáo, đôi giày nhung đen không cầu kỳ. Bà nói: "Chồng tôi áp chế tôi lắm! Tôi không chịu nổi nữa".

Cụ cố Hồng nằm ngáp dài bên khay đèn, bên cạnh là cụ bà nhai nhải nói.

Bức tranh vẽ cảnh đám tang cụ tổ. Đoạn trích Số đỏ này được đưa vào giảng dạy trong nhà trường với tên "Hạnh phúc của một tang gia".

Tần Tần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xa-hoi-lo-lang-trong-so-do-qua-net-ve-thanh-phong-post1123195.html