Xã hội hóa y tế: Đòi hỏi sớm xóa bỏ sự mập mờ

Tại Hội nghị đại biểu (ĐB) Quốc hội hoạt động chuyên trách, góp ý vào dự thảo Luật Khám chữa bệnh (KCB) (sửa đổi), nhiều ĐB cho rằng cần xóa bỏ sự mập mờ trong xã hội hóa y tế tạo sự minh bạch, tránh công - tư lẫn lộn.

Xã hội hóa y tế tạo sự minh bạch, tránh công - tư lẫn lộn. Ảnh: Thanh Hải

Xã hội hóa y tế tạo sự minh bạch, tránh công - tư lẫn lộn. Ảnh: Thanh Hải

Nên quy định rõ 3 hình thức hợp tác công - tư trong y tế

Góp ý vào dự thảo Luật KCB (sửa đổi), PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội (ĐB Quốc hội đoàn Bình Định) quan tâm đến điều khoản về hợp tác công tư trong y tế. ĐB đề xuất bỏ cụm từ "xã hội hóa y tế", bởi trong lịch sử của Việt Nam cũng như trên thế giới không thấy định nghĩa thế nào là xã hội hóa y tế.

“Chúng ta không thể xã hội hóa bằng cách là tư nhân bỏ tiền ra chung với BV mua một máy đặt ở trong BV để sử dụng, rồi chia nhau lợi nhuận ở trong BV công. Xã hội hóa y tế không phải là như thế"- ĐB Nguyễn Lân Hiếu thẳng thắn chỉ rõ.

Theo Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu, thay vì sử dụng khái niệm "xã hội hóa y tế", các cơ quan có thẩm quyền nên quy định rõ 3 hình thức hợp tác công - tư trong y tế, gồm cho vay có ưu đãi để BV mua sắm đầu tư; thuê và cho thuê trang thiết bị KCB và hợp tác công - tư phi lợi nhuận.

Hợp tác công tư - phi lợi nhuận, nghĩa là các nhà hảo tâm, các quỹ người ta xây dựng BV và cho các BV công vận hành BV đấy, lợi nhuận nếu có không chia cho nhau mà tiếp tục giữ lại đầu tư để phát triển BV, nâng cao đời sống nhân viên, hỗ trợ bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

Đề xuất này của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu được đưa ra vào thời điểm ngành y tế đang có nhiều vấn đề, đặc biệt là sự thiếu thốn trang thiết bị vật tư, sinh phẩm. Nhiều BV lớn, tuyến đầu xảy ra tình trạng thiếu thuốc cả trong và ngoài danh mục bảo hiểm.

Hiện nay, hệ thống y tế nước ta có hơn 1.200 BV công, trong đó 70,4% BV tự chủ đảm bảo một phần chi thường xuyên; 22,3% tự chủ toàn bộ chi thường xuyên; 1,7% ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư; 5,6% ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên. Hiện cũng chỉ có 300 BV tư đáp ứng trên 5,16% giường bệnh.

Trong thực tế, từ chuyện "đổ vỡ" tự chủ toàn diện tại 4 BV, cho đến các hệ lụy trong việc liên doanh, liên kết, máy đặt, máy mượn đang lộ rõ những bất cập trong tiến trình xã hội hóa ngành y tế. Mặc dù là một trong 2 BV đầu tiên triển khai tự chủ tài chính toàn diện, nhưng BV Bạch Mai đã gặp nhiều khó khăn khi tiến trình xã hội hóa trục trặc.

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc BV Bạch Mai chia sẻ, BV đang hết sức khó khăn, sau hai năm thí điểm tự chủ toàn diện BV đã chính thức có đề xuất xin kết thúc tự chủ toàn diện, chuyển sang thực hiện tự chủ theo nhóm 2 là tự chủ chi thường xuyên. 3 năm qua, BV không được cấp ngân sách để mua sắm thiết bị và không đầu tư thêm được thiết bị nào. Hơn một nửa các tòa nhà của BV có tuổi đời xấp xỉ trăm năm, không thể sửa mà phải xây dựng mới; tòa nhà

Việt Nhật xây cách đây hơn 20 năm, đã xuống cấp và cần bảo trì nhưng không có tiền... Theo Giám đốc BV Bạch Mai, điểm khó khăn là dù đã thực hiện xã hội hóa 15 năm nhưng đến nay vẫn chưa có quy định để tính phần góp của BV trong đề án liên kết. BV góp mặt bằng, nhân lực, thương hiệu BV... nhưng những phần đóng góp này quy ra bằng bao nhiêu phần trong liên doanh lại không rõ. Và khi các đề án này bị cơ quan pháp luật kiểm tra, những vướng mắc trên lộ diện. Đã có 11/27 đề án liên doanh tại Bạch Mai chuyển cơ quan điều tra. Hệ lụy của chuyện này là BV không có thiết bị để sử dụng, bác sĩ chán nản, thu nhập giảm...

Nhân viên y tế chăm sóc cho người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Phạm Hùng

Bảo đảm "công ra công, tư ra tư”

Liên quan đến nội dung xã hội hóa trong KCB, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh Trịnh Xuân An cho rằng, dự luật đang chép lại Nghị quyết 20 của Hội nghị T.Ư 6 khóa XII mà không làm rõ được xã hội hóa là gì. “Nó là thuê máy, thuê nhân sự, hợp tác trong việc xây dựng các BV giữa công và tư?... Tôi đề nghị phải cụ thể thêm điều này. Chúng ta viết lại theo nghị quyết này thì rất không rõ” – ĐB An nói.

Dẫn chứng dự luật quy định về hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động KCB bao gồm hình thức đầu tư theo đối tác công - tư (PPP) và các hình thức xã hội hóa khác; Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cho rằng khi thiết kế điều luật, “chúng ta chưa xác định được chính sách xã hội hóa thu hút là gì”.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn Tiền Giang) thống nhất với việc phải có nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện cho y tế tư nhân phát triển để cùng với y tế công đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân. ĐB kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế kiểm soát bằng cách quy định khung giá dịch vụ KCB đối với y tế tư nhân, đảm bảo quyền lợi của người bệnh để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng giữa khu vực công và tư.

Xung quanh câu chuyện xã hội hóa y tế, nhiều chuyên gia lĩnh vực này khẳng định, xã hội hóa không đồng nghĩa với việc để các BV công đi làm kinh doanh, mà phải hiểu rằng xã hội hóa ở đây là cho phép tư nhân tham gia vào việc cung cấp dịch vụ y tế ở hình thức có lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận.

Theo các chuyên gia, cần phải đảm bảo "công ra công, tư ra tư" và nếu xã hội hóa cũng phải phi lợi nhuận. Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, hợp tác công - tư là cần thiết giúp tận dụng nguồn lực bên ngoài. Vấn đề là hình thức hợp tác ra sao để thu hút nguồn lực xã hội.

Đề cập đến vấn đề này, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cũng đề xuất xác định lại nội hàm của xã hội hóa thay vì coi xã hội hóa là liên doanh, liên kết, cho thuê máy… trong BV công như hiện nay. Chuyện tư túi, móc ngoặc, nâng giá trong liên doanh, liên kết thời gian vừa qua là hiện tượng chứ không phải bản chất.

Từ góc độ thị trường, TS Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) đề xuất cần phải tạo cơ chế cạnh tranh công - tư trong tiếp cận nguồn chi trả từ BHXH như một công cụ thị trường để nâng cao hiệu quả BV công, đồng thời khuyến khích tư nhân phát triển.

“Nhiều phòng khám tư nhân đang phải “chạy chọt” để vào được hệ thống chi trả BHXH. Trong khi đó, đáng lẽ khi các phòng khám đã đủ điều kiện hoạt động - tức là KCB cho bệnh nhân thì đương nhiên phải được khám BHYT - tức là BHXH chi trả. Lúc đó BV công phải cạnh tranh với nhau về chất lượng dịch vụ và cạnh tranh cả với BV tư. Như thế thì tư nhân cũng mới phát triển được” - TS Nguyễn Quang Đồng nhấn mạnh.

Thực tế trên đòi hỏi trong thời gian tới Nhà nước cần có hành lang pháp lý rõ ràng để huy động nguồn lực tư nhân đầu tư vào y tế, đảm bảo sự minh bạch, không nên "mập mờ" công - tư.

Thời gian qua, y tế công đã “nhuốm màu” công - tư lẫn lộn; y tế tư thì “nhuốm màu” hợp tác với “công” để cùng nhau “khai thác” cho mục đích lợi nhuận. Từ đó “đẻ” ra nhiều mặt trái của chăm sóc y tế thị trường hiện nay. Đã coi dịch vụ y tế theo hướng thị trường phải xác định 3 chủ thể: Y tế công -Y tế tư -Y tế ngoài Nhà nước phi lợi nhuận (hay còn gọi y tế cộng đồng).

Mỗi chủ thể có chức năng và định hướng hành động đặc thù, bổ sung cho nhau. Trong những giải pháp đưa ra cho các cơ sở y tế công yếu kém, hãy biết ngoảnh mặt với “cổ phần hóa, tư nhân hóa, hay hợp tác công - tư cùng khai thác thị trường người bệnh”.

TS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Phát triển cộng đồng

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/xa-hoi-hoa-y-te-doi-hoi-som-xoa-bo-su-map-mo.html