Xã hội hóa xây 'nhà vệ sinh thân thiện' trong trường học

Trong điều kiện nguồn lực ngân sách dành phần lớn cho xây dựng trường lớp, nhiều trường học tại TPHCM đã chủ động huy động xã hội hóa để nâng chất lượng nhà vệ sinh cho học sinh khi sinh hoạt ở trường.

Học sinh Trường Tiểu học Trần Danh Lâm, Quận 8 (TPHCM) rửa tay sau khi đi vệ sinh. Ảnh: TG

Học sinh Trường Tiểu học Trần Danh Lâm, Quận 8 (TPHCM) rửa tay sau khi đi vệ sinh. Ảnh: TG

Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Bình Thạnh (TPHCM) được xây dựng cách đây hơn 16 năm. Nhà vệ sinh của học sinh đều đã cũ, thường xuyên bị nghẹt ống thoát; nước ở tầng trên thấm xuống tầng dưới. Hệ thống thông gió trong từng khu vệ sinh không tốt, ít cửa sổ, dễ có mùi hôi, thiếu ánh sáng tự nhiên. Gạch ốp tường trong các phòng vệ sinh cũng bị bong tróc, cũ kỹ…

Trong điều kiện nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước cấp chỉ đủ chi lương, phụ cấp và các khoản chi thường xuyên của nhà trường, năm học 2018 - 2019 trường huy động nguồn tài trợ sửa chữa nhà vệ sinh cho học sinh. Thầy Nguyễn Đạt Đức - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An cho biết: Ban giám hiệu phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh thống nhất chủ trương và huy động nguồn kinh phí xã hội hóa giáo dục được 275 triệu đồng, mua sắm các thiết bị vệ sinh. Nhờ xã hội hóa, khu nhà vệ sinh của học sinh trường trở nên khang trang, sạch đẹp.

Tương tự, Trường Tiểu học Trần Danh Lâm, Quận 8 (TPHCM) cũng phải tính đến bài toán xã hội hóa để làm mới công trình vệ sinh. Thầy Nguyễn Hữu Hùng Huy - Hiệu trường nhà trường chia sẻ: Ban đầu, nhà trường lên kế hoạch sửa cuốn chiếu từng phần, lắp vòi nước cho nhà vệ sinh nữ nhưng thấy rất bất tiện. Do đó, nhà trường chủ động lên phương án làm mới nhà vệ sinh một lần cho khang trang. Nhưng làm mới lại gặp khó khăn về kinh phí mà huy động nguồn xã hội hóa thì số tiền quá lớn, vì thế nhà trường đã mạnh dạn đề xuất UBND quận cấp kinh phí. Bên cạnh đó, các khoản chi phí bảo trì, nhà trường vận động nguồn xã hội hóa từ cha mẹ học sinh. Kinh phí từ ngân sách hơn 800 triệu đồng cho xây dựng mới nhà vệ sinh hiện đại tại 3 dãy nhà, cùng với sự hỗ trợ của phụ huynh trong công tác bảo trì, đến nay nhà vệ sinh của học sinh khá thân thiện với hệ thống tự động, trang bị cả máy lạnh, quạt, cây xanh.

“Việc huy động nguồn đóng góp để cải thiện chất lượng nhà vệ sinh nhà trường phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, công khai, đúng mục đích. Quản lý thu, chi phải đúng nguyên tắc tài chính”, thầy Nguyễn Đạt Đức chia sẻ kinh nghiệm.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/xa-hoi-hoa-xay-nha-ve-sinh-than-thien-trong-truong-hoc-JHj51AhMg.html