Xã hội hóa xây dựng nhà vệ sinh công cộng: Cần tăng cường giám sát

Xã hội hóa xây dựng nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn Hà Nội là chủ trương đúng đắn, vừa đem lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, vừa đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai đã bộc lộ nhiều bất cập: Đơn vị thực hiện xã hội hóa không thực hiện đúng cam kết, thiếu trách nhiệm trong khắc phục tồn tại; nhiều công trình nhanh xuống cấp. Để không lặp lại tình trạng này, các cấp, ngành cần tăng cường giám sát việc triển khai.

Nhà vệ sinh công cộng tại khu vực cổng Bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) đã xuống cấp.

Vừa thiếu, vừa nhanh xuống cấp

Được sự đồng ý của UBND thành phố Hà Nội tại Quyết định số 2856/QĐ-UBND ngày 18-5-2017 về chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng..., Công ty cổ phần Thương mại và truyền thông Vinasing (Công ty Vinasing) cam kết lắp đặt 500 nhà vệ sinh trên địa bàn thành phố, thời hạn thực hiện trong quý III-2017. Đổi lại, công ty này được tuyên truyền bảo vệ môi trường, an toàn giao thông và quảng cáo tại 28 cầu vượt đi bộ trên địa bàn.

Tuy nhiên, đến giữa tháng 6-2019, công ty mới lắp đặt được 87/500 nhà vệ sinh, chỉ đạt 17,4% so với cam kết, trong khi chất lượng nhà vệ sinh không bảo đảm. Tại một số nhà vệ sinh công cộng ở ngã tư Nguyễn Cơ Thạch - Hàm Nghi, trước cửa Bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm)... toàn bộ phần thép mặt ngoài bị bong tróc, hoen gỉ. Bên trong, hệ thống thiết bị xập xệ, đèn chiếu sáng không hoạt động,…

Bà Đàm Thị Hồng, nhân viên Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội, Chi nhánh Cầu Diễn (URENCO 7), phụ trách quét dọn nhà vệ sinh tại Bến xe Mỹ Đình, cho biết: Do hệ thống thoát nước trong nhà vệ sinh thường xuyên bị tắc, thiết bị xuống cấp nhanh nên xảy ra tình trạng nước thải tràn khắp mặt sàn.

Tương tự, nhà vệ sinh công cộng gần chung cư Constrexim ở đường Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy) cũng luôn trong tình trạng ống thoát nước tắc triền miên, khóa cửa không thể sử dụng. Chị Trần Thu Trang, phố Dương Đình Nghệ cho hay, rất ít người sử dụng nhà vệ sinh này bởi mỗi lần bước vào, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Giám đốc URENCO 7 Nguyễn Hoàng Anh thông tin, cuối năm 2017 đơn vị tiếp nhận 84 nhà vệ sinh công cộng tại 11 quận nội thành từ Công ty Vinasing. Tuy nhiên, 5/84 nhà vệ sinh bị trùng vị trí lắp đặt nên hiện URENCO 7 chỉ quản lý 79 nhà vệ sinh. Sau một thời gian sử dụng, đến nay nhiều nhà vệ sinh đã xuống cấp.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Công ty Vinasing không thực hiện đầy đủ thủ tục bàn giao theo quy định, không bàn giao hồ sơ thiết kế điện, nước… gây khó khăn cho công tác vận hành. Khi bàn giao, các công trình còn nhiều lỗi kỹ thuật, như: Không bơm được nước, thiết bị vệ sinh bị rò rỉ, cửa bị kẹt; một số nhà vệ sinh không có điện, nước… "Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị chủ đầu tư khắc phục những lỗi trên nhưng đơn vị này không thực hiện nghiêm”, ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết thêm.

Cần giám sát chặt chẽ

Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong quá trình triển khai dự án xã hội hóa lắp đặt 500 nhà vệ sinh trên địa bàn, Sở Xây dựng thường xuyên đôn đốc Công ty Vinasing đẩy nhanh tiến độ lắp đặt. Tuy nhiên, chủ đầu tư triển khai quá chậm so với cam kết; sự phối hợp giữa công ty với chính quyền các địa phương không chặt chẽ...

Được biết, sau khi hoàn thành việc lắp đặt 87/500 nhà vệ sinh, Công ty Vinasing đã bàn giao cho Công ty URENCO, huyện Gia Lâm và Sóc Sơn quản lý, vận hành. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng, hiện có 10 nhà vệ sinh bị gỉ sét, sơn bong tróc; 21 nhà bị dột, rò rỉ bể nước; không ít nhà vệ sinh bị hỏng vòi nước, nền nhà lún...

“Sau nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở nhưng chủ đầu tư không có biện pháp khắc phục, ngày 17-7-2019, Sở Xây dựng đã có Văn bản số 6179/SXD-HT kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Công ty Vinasing khẩn trương báo cáo tiến độ, số lượng nhà vệ sinh đã lắp đặt và tiến độ bàn giao dự án. Đồng thời, Sở tiếp tục nhắc nhở Công ty Vinasing thực hiện đúng cam kết”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Do Công ty Vinasing không hoàn thành đúng tiến độ xây dựng 500 nhà vệ sinh theo cam kết, UBND thành phố đã yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội không cho phép công ty này khai thác quảng cáo, tuyên truyền tại các cầu vượt đi bộ. Nhằm khắc phục tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn, thành phố tiếp tục kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa trên cơ sở nghiên cứu, thẩm định mô hình, sản phẩm nhà vệ sinh phù hợp.

Chủ trương xã hội hóa xây dựng nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn Hà Nội cần tiếp tục được thực hiện. Tuy nhiên, quá trình triển khai, các cấp, ngành liên quan cần giám sát chặt chẽ, có hình thức xử lý kịp thời khi chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết, tránh đi theo "vết xe đổ" của Công ty Vinasing.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/969359/xa-hoi-hoa-xay-dung-nha-ve-sinh-cong-cong-can-tang-cuong-giam-sat