Xã hội hóa trung tâm đăng kiểm: Nảy sinh nhiều mặt trái

Sự nở rộ của các trung tâm đăng kiểm trong thời gian qua được ví như 'nấm mọc sau mưa'. Tuy nhiên, việc xuất hiện ồ ạt trung tâm đăng kiểm đang bộc lộ nhiều bất cập trong công tác quản lý.

Xã hội hóa công tác đăng kiểm đang bộc lộ nhiều bất cập. Ảnh: Đoàn Dũng

Xã hội hóa công tác đăng kiểm đang bộc lộ nhiều bất cập. Ảnh: Đoàn Dũng

Nấm mọc sau mưa...

Trước năm 2019, hầu hết các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đều là đơn vị sự nghiệp Nhà nước, chỉ một số đơn vị được thí điểm đầu tư, hoạt động theo mô hình xã hội hóa. Tuy nhiên, từ năm 2019 trở về sau, với việc quy định về phát triển trung tâm đăng kiểm theo quy hoạch vùng, địa phương được gỡ bỏ, các DN bắt đầu ồ ạt đầu tư vào lĩnh vực này. Từ đó, số lượng trung tâm đăng kiểm mới gia tăng nhanh chóng, đặc biệt với các trung tâm đăng kiểm do DN và cá nhân đầu tư. Chỉ tính riêng năm 2019, đã có tới 32 trung tâm mới ra đời và hàng chục đơn vị khác đăng ký thành lập. Con số này tương đương với số trạm đăng kiểm của 3 – 4 năm cộng lại vào thời điểm trước năm 2019.Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến ngày 25/9/2020, cả nước có tổng cộng 227 trung tâm, chi nhánh đăng kiểm với 429 dây chuyền kiểm định. Trong đó, chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có 23 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới được cấp giấy chứng nhận và đi vào hoạt động. Như vậy, trong 9 tháng năm 2020, trung bình mỗi tháng có thêm 2,5 trung tâm đăng kiểm mới ra đời, đưa vào hoạt động. Ngoài con số trên, hiện còn có 42 đơn vị đã đăng ký với Cục Đăng kiểm Việt Nam về việc đầu tư xây dựng trung tâm đăng kiểm mới, đã được cấp mã số đơn vị đăng kiểm và đang trong thời gian xây dựng, hoàn thiện thủ tục đầu tư. Hiện, Hà Nội là địa phương có nhiều trung tâm đăng kiểm nhất cả nước với 27 đơn vị. Tiếp theo là TP Hồ Chí Minh với 17 đơn vị. Không thể phủ nhận việc xã hội hóa công tác đăng kiểm đã giúp cho lĩnh vực này có sự phát triển đột phá trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong quá trình sự phát triển ấy, xã hội hóa đăng kiểm đã và đang bộc lộ không ít bất cập. Đáng lo ngại nhất là sự xuất hiện của những trung tâm đăng kiểm kém chất lượng, thậm chí là tiêu cực. Đơn cử, vào tháng 4/2019, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới đối với Trung tâm đăng kiểm 98-03D (cụm Công nghiệp Phi Mô - Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, Bắc Giang) sau khi phát hiện đăng kiểm viên của trung tâm này liên tục bị đình chỉ và cấp khống giấy chứng nhận. Văn bản này nêu rõ Trung tâm đăng kiểm 98 - 03D có hơn 5 lượt đăng kiểm viên bị đình chỉ trong 12 tháng liên tục. Nghiêm trọng hơn, trung tâm đăng kiểm này đã cấp khống giấy chứng nhận đăng kiểm cho 5 xe ô tô biển số tỉnh Lào Cai trong tháng 3/2019 dù không kiểm định xe thực tế. Đặc biệt, trong năm 2019, Bộ GTVT đã tiến hành thanh tra đối với công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại 12 tỉnh, TP trên cả nước. Kết quả cho thấy, có tới 30/34 trung tâm đăng kiểm có sai phạm. Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam phải tạm đình chỉ hoạt động 12 đăng kiểm viên và tạm dừng 2 trung tâm đăng kiểm do có 2 lượt đăng kiểm viên bị tạm đình chỉ trong thời gian 12 tháng liên tục.Đâu là giải pháp bền vững?Trước những bất cập nảy sinh cùng với quá trình xã hội hóa công tác đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã buộc phải đưa ra những giải pháp cấp bách nhằm kiểm soát chất lượng kiểm định phương tiện tại các trung tâm đăng kiểm. Giải pháp đáng chú ý là Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện giám sát trực tuyến qua phần mềm quản lý đăng kiểm, hình ảnh trực tuyến và lưu trữ tại đơn vị đăng kiểm, kết hợp phúc tra đột xuất kết quả đăng kiểm. Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đang thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số, tự động hóa trong hoạt động đăng kiểm xe cơ giới và quản lý trung tâm đăng kiểm. Việc ứng dụng công nghệ số được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng để số hóa, định danh từng phương tiện, tăng tự động hóa trong kiểm định và giám sát kiểm định, dùng công nghệ chống gian lận, vi phạm chất lượng đăng kiểm.Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định, xã hội hóa công tác đăng kiểm là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, để chủ trương này phát huy hiệu quả như kỳ vọng ban đầu và khắc phục được những bất cập, tồn tại phát sinh, đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm phải thật sự có trách nhiệm, nghiêm minh và cương quyết trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. “Xã hội hóa đăng kiểm là rất tốt, tôi rất ủng hộ chủ trương này. Vấn đề quan trọng nhất là phải xử lý hậu kiểm và mạnh tay với những trung tâm đăng kiểm làm ăn gian dối” – ông Nguyễn Văn Thanh nói. Phân tích sâu hơn, vị chuyên gia này cho rằng, những tiêu cực trong công tác đăng kiểm xảy ra và tồn tại trong thời gian qua, phần lớn trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước. Họ đã làm không nghiêm, không hết trách nhiệm. “Những tiêu cực xảy ra trong các trung tâm đăng kiểm thời gian qua thì người kiến thức rất bình thường cũng có thể phát hiện ra ngay. Tại sao những chiếc xe cũ nát, không đảm bảo chất lượng cứ dồn về trung tâm đăng kiểm A hoặc B nào đó? Phải đặt ra nghi vấn khi có hiện tượng bất thường xảy ra và ngay lập tức cơ quan chức năng phải vào cuộc kiểm tra. Khi kiểm tra mà không đủ tiêu chuẩn thì phải đóng cửa” – ông Nguyễn Văn Thanh phân tích; đồng thời cho rằng, chỉ cần Cục Đăng kiểm Việt Nam làm mạnh tay đối với những trung tâm đăng kiểm làm ăn gian dối, tiêu cực, tự khắc công tác đăng kiểm sẽ trở lại trật tự. Một trong những bước đột phá mà xã hội hóa đăng kiểm mang lại chính là tạo ra cơ chế cạnh tranh công bằng và xóa bỏ cơ chế xin – cho trong công tác đăng kiểm. Ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, để công tác đăng kiểm phát triển lành mạnh theo quy luật thị trường, đòi hỏi phải nêu cao vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu để phát hiện nhiều trạm đăng kiểm sai phạm, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất trong lĩnh vực đăng kiểm. Ở góc độ khác, ông Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, giải pháp hiệu quả và bền vững để nâng cao chất lượng trong công tác đăng kiểm chính là phải tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ làm công tác đăng kiểm. Khi ý thức đạo đức nghề nghiệp được nâng cao, các trường hợp cố tình sai phạm sẽ ít xảy ra.

Công tác đăng kiểm chính thức được xã hội hóa kể từ khi có sự ra đời của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới thay thế Nghị định số 63/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016. Từ đầu năm 2019 (thời điểm Nghị định 139/2018/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực), lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới đã được bỏ quy hoạch số lượng cũng như không hạn chế việc di chuyển địa điểm trung tâm đăng kiểm xe cơ giới.

Quá trình xã hội hóa trung tâm đăng kiểm có thể xảy ra tình trạng, chạy theo mục tiêu lợi ích hơn là mục tiêu đảm bảo an toàn kỹ thuật cho các phương tiện tham gia giao thông trên đường và cả sự thiếu hiểu biết của chủ đầu tư. Người ta có tiền để đầu tư nhưng có thể không hiểu những quy định chặt chẽ của quy trình thực hiện đăng kiểm nên dễ bị các nhân viên dưới quyền “lách luật” hoặc cố tình làm sai. Giảng viên trường Đại học GTVT.TS Đỗ Khắc Sơn

Quý Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/xa-hoi-hoa-trung-tam-dang-kiem-nay-sinh-nhieu-mat-trai-399321.html