Xã hội hóa sách giáo khoa

Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã lựa chọn xong sách giáo khoa (SGK) lớp 1 trong 46 đầu sách thuộc 5 bộ SGK được Bộ Giáo dục - Đào tạo phê duyệt để áp dụng cho năm học 2020-2021. Bộ GD-ĐT khẳng định, cả 46 đầu sách đều được hội đồng quốc gia thẩm định về mặt chuyên môn, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới và chuẩn đầu ra đối với từng môn học.

Bộ sách giáo khoa lớp 1 Cánh Diều. Ảnh: TTXVN

Bộ sách giáo khoa lớp 1 Cánh Diều. Ảnh: TTXVN

Như vậy, từ năm học tới, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện một chương trình, nhiều SGK, tức là cho phép nhiều nhà xuất bản cùng tham gia biên soạn, làm SGK.

Điều đáng nói rằng, chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK chỉ được chấp nhận sau nhiều tranh luận, phản biện gay gắt từ các nhà quản lý, nhà khoa học và giáo viên, học sinh, nhất là sau khi Bộ Giáo dục- Đào tạo không có khả năng hoàn thành biên soạn một bộ sách chuẩn theo Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông của Quốc hội.

Việc các đơn vị xuất bản tự bỏ kinh phí huy động được đông đảo chuyên gia có uy tín tham gia biên soạn thành công các bộ SGK lớp 1 đã khẳng định tính đúng đắn của chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK và được dư luận hoan nghênh.

Rõ ràng, chủ trương trên đã giúp tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước gần 400 tỷ đồng, nếu Bộ Giáo dục - Đào tạo tự biên soạn một bộ SGK, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa các nhóm tác giả, các nhà xuất bản dồn nhiều tâm huyết hơn để nâng cao chất lượng bộ sách của mình.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, vãn còn ý kiến băn khoăn, chưa thực sự yên tâm khi Bộ Giáo dục - Đào tạo rút khỏi việc biên soạn SGK và SGK được xã hội hóa hoàn toàn do các nhà xuất bản biên soạn. Hoặc, có hay không câu chuyện Bộ Giáo dục - Đào tạo phải du di thẩm định để đủ SGK cho năm học mới?...

Giải trình thắc mắc trên, lãnh đạo Bộ Giáo dục- Đào tạo khẳng định, bộ không tiếp tục tổ chức biên soạn sách sẽ thuận lợi hơn cho việc xã hội hóa biên soạn SGK. Mặt khác, việc loại bỏ độc quyền trong biên soạn, in ấn SGK sẽ thúc đẩy, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có tâm huyết, có nhiều sáng kiến viết SGK, để tạo ra các bộ SGK chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế.

Theo đánh giá của các chuyên gia thẩm định, 46 đầu sách lớp 1 còn vượt lên yêu cầu chuyên môn cho chương trình giáo dục phổ thông mới, vì mỗi bộ SGK có cách tiếp cận khác nhau tùy vùng miền, có sử dụng một số phương ngữ. Nhờ đó, các tỉnh, thành phố dựa trên yếu tố địa phương, người học, để chọn SGK, tạo thuận tiện cho quá trình tổ chức dạy học.

Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã nhất trí cho thực hiện biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa. Nếu mỗi môn học đã hoàn thành ít nhất một bộ SGK được thẩm định, phê duyệt thì không triển khai biên soạn SGK sử dụng ngân sách Nhà nước của môn học đó.

Tới đây, việc xã hội hóa SGK sẽ được thực hiện triệt để từ lớp 2 đến lớp 12. Thế nên, với vai trò quản lý Nhà nước, Bộ Giáo dục - Đào tạo cần sớm hoàn thiện quy trình, chính sách biên soạn, thẩm định SGK phổ thông để bảo đảm chất lượng sách và sự minh bạch, không tiêu cực trong việc lựa chọn SGK.

Mặt khác, bộ cần giải trình rõ vì sao giá SGK lớp 1 mới mà các nhà xuất bản đang kê khai cao hơn khoảng 3 lần bộ sách hiện tại. Bởi SGK là một loại hàng hóa đặc biệt nên cần được quản lý, định giá sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập của người dân.

Thiết nghĩ, để tất cả học sinh đều có cơ hội tiếp cận được bộ SGK tốt nhất, nhất là học sinh nghèo, Bộ Giáo dục - Đào tạo cần sớm có biện pháp quản lý, kiểm soát và điều chỉnh giá SGK phù hợp với điều kiện của đại đa số gia đình học sinh.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xa-hoi-hoa-sach-giao-khoa-post430384.html