Xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, cải tạo xây mới hệ thống chợ tại Hà Nội: Lời giải mới cho bài toán cũ

Cải tạo hệ thống chợ truyền thống hiện là yêu cầu cần thiết. Trong khi vốn ngân sách khó khăn thì việc xã hội hóa nguồn vốn đầu tư thông qua việc kêu gọi DN tham gia, lấy DN làm trọng tâm, động lực để cải tạo chợ truyền thống là phù hợp.

Bài 1: Chợ truyền thống xuống cấp nghiêm trọng

Chợ Cửa Nam sau khi được xây mới nhưng vẫn ít tiểu thương vào buôn bán. Ảnh: Thanh Hải

Bài 2: Lấy doanh nghiệp làm trọng tâm

Kêu gọi doanh nghiệp vào cuộc

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về việc cải tạo hệ thống chợ truyền thống, vừa qua Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức Hội nghị liên ngành để xem xét, đánh giá đề xuất Dự án Đầu tư hệ thống chợ và thí điểm đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới một số chợ trên địa bàn Hà Nội của Liên danh 3 DN gồm Công ty CP Tập đoàn AMACCAO, Công ty CP Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam, Công ty CP Đầu tư và phát triển hạ tầng Hoàng Thành.
Đại diện Công ty CP Tập đoàn AMACCAO cho biết: Với mục tiêu đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới hệ thống chợ trên địa bàn Hà Nội một cách tổng thể, đồng bộ, liên doanh 3 DN đầu tư lập 1 dự án bao gồm toàn bộ 115 chợ có nhu cầu đầu tư xây dựng mới giai đoạn 2018 - 2022. Đồng thời, đề xuất xây dựng phương án chuyển đổi đối với 120 chợ đầu tư cải tạo, nâng cấp gắn với chuyển đổi mô hình quản lý.
Các dự án được thực hiện bằng 100% vốn tự huy động của nhà đầu tư với số tiền lên đến 7.200 tỷ đồng. Giải đáp thắc mắc về nguồn tiền huy động này, đại diện Công ty cổ phần Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam nêu rõ: 3 DN đã và đang là đối tác quan trọng của nhiều tập đoàn lớn... trong các lĩnh vực như giao thông, thủy lợi, nhà cao tầng, hạ tầng kỹ thuật…

Hiện tổng nguồn vốn chủ sở hữu của liên danh 3 DN đạt khoảng 5.000 tỷ đồng, bảo đảm đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án. Riêng với dự án Đầu tư hệ thống chợ, các DN không đặt cao mục tiêu lợi nhuận, với mong muốn thông qua dự án sẽ góp phần xây dựng một hệ thống chợ bảo đảm chất lượng cho Thủ đô, đồng thời tăng cường uy tín, thương hiệu cho DN. Theo tính toán của nhà đầu tư, trong 5 năm đầu, nhà đầu tư có thể lỗ, tuy nhiên, tình hình triển khai dự án và hiệu quả của dự án được đánh giá là khả thi.
Thí điểm đầu tư xây dựng mới 7 chợ
Liên quan đến đề xuất cải tạo toàn bộ hệ thống chợ của Hà Nội của Liên danh nhà đầu tư, các cơ quan liên quan đã tiến hành thẩm định và cho rằng, việc cải tạo chợ là cần thiết và cấp bách. Báo cáo thẩm định của Sở Công Thương về Dự án đầu tư hệ thống chợ và thí điểm đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới một số chợ trên địa bàn Hà Nội của liên danh có tổng hợp ý kiến của liên ngành vào cuối tháng 4/2018 đánh giá: “Việc thực hiện dự án là cần thiết và cấp bách cần được triển khai đồng bộ trên toàn địa bàn TP; dự án phù hợp với chủ trương Sở Công Thương và các sở, ngành đã báo cáo UBND TP Hà Nội”.

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho rằng: Dự án phù hợp với các quy định hiện hành và mang tính khả thi cao, đem lại lợi ích chung cho TP, cho tiểu thương và DN. Việc rút ngắn thời gian thi công, đảm bảo vị trí kinh doanh, quyền lợi của tiểu thương là cần thiết và phù hợp, mang tính quyết định hiệu quả của dự án sau cải tạo, xây mới. Vì vậy, cơ quan thẩm định đề nghị UBND TP chấp thuận chủ trương lập Dự án theo đề xuất của Liên danh nhà đầu tư; Giao cho các cơ quan có thẩm quyền và các lĩnh vực liên quan bắt tay thực hiện từng bước dự án đầu tư, xây dựng chợ mới.
Tuy nhiên, để dự án khả thi, đại diện cơ quan thẩm định đề nghị liên danh nhà đầu tư lập một dự án toàn bộ các chợ có nhu cầu đầu tư xây dựng mới giai đoạn 2018 - 2022 (gồm 115 chợ) làm cơ sở để tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành. Đối với các chợ đầu tư cải tạo, nâng cấp gắn với chuyển đổi mô hình quản lý xây dựng từ 4 - 6 phương án (mỗi phương án tương ứng gồm 20 - 30 chợ, tổng số 120 chợ) làm cơ sở để tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Đối với dự án thí điểm đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới một số chợ, liên danh nhà đầu tư cần lập 1 dự án xây dựng mới chợ với tổng số 7 chợ, bao gồm 2 chợ do nhà đầu tư đề xuất gồm: Chợ Kiều Mai (quận Bắc Từ Liêm) và Chợ Dâu (huyện Đông Anh); Bổ sung 5 chợ có nhu cầu cấp bách đầu tư tại huyện Sóc Sơn làm cơ sở để tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Đồng thời, cần lập phương án chuyển đổi mô hình quản lý 7 chợ đang hoạt động theo danh mục nhà đầu tư đề xuất làm cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Nếu được thực hiện, ý tưởng táo bạo này chắc chắn sẽ góp phần mang tới một diện mạo mới cho hệ thống chợ Hà Nội khang trang, sạch đẹp.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/xa-hoi-hoa-nguon-von-dau-tu-cai-tao-xay-moi-he-thong-cho-tai-ha-noi-loi-giai-moi-cho-bai-toan-cu-318042.html