Xã hội hóa mua sắm thiết bị y tế: Cần thiết nhưng phải giám sát

Những ngày qua, thông tin Bệnh viện Bạch Mai kết hợp với doanh nghiệp 'thổi giá' robot Rosa đã lộ ra nhiều kẽ hở trong quản lý thiết bị y tế tại bệnh viện để trục lợi người bệnh. Hiện tại, Bộ Y tế đang khẩn trương thực hiện xây dựng cơ chế và hệ thống cơ sở dữ liệu để công khai minh bạch giá đi kèm với cấu hình chức năng và các yếu tố để minh bạch giá trang thiết bị y tế.

Ca mổ sử dụng robot xã hội hóa ở Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: P.V

Ca mổ sử dụng robot xã hội hóa ở Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: P.V

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, qua mỗi lần kiểm toán Bộ Y tế đều yêu cầu các bệnh viện chấn chỉnh các sai phạm. Cụ thể với Bệnh viện Bạch Mai, Bộ yêu cầu chấn chỉnh sau khi kiểm toán đợt cuối năm 2019 đầu năm 2020 chỉ ra những sai phạm. Theo đó, Bộ đề nghị bệnh viện nếu thu quá phải tính toán để thu lại, làm rõ những sai phạm về thu chi.

“Bệnh viện Bạch Mai tự chủ toàn bộ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ nhưng trong báo cáo thường kỳ bệnh viện chỉ báo cáo những vấn đề khác mà không đề cập vấn đề xã hội hóa thiết bị y tế. Cho đến khi kiểm toán vào cuộc mới phát hiện ra những sai phạm mà dư luận đang quan tâm và Bộ Y tế đã yêu cầu chấn chỉnh”.

Kết quả điều tra ban đầu xác định robot Rosa là thiết bị ứng dụng trong phẫu thuật sọ não (có xuất xứ từ Pháp) được hai bên liên kết “thổi giá” cao gấp nhiều lần giá trị thực. Cụ thể, thiết bị này sau khi nhập khẩu về Việt Nam, cộng với chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ có giá ước tính khoảng 10 tỷ đồng nhưng đã bị nâng khống lên thành 39 tỷ đồng. Một ca phẫu thuật sử dụng thiết bị này chỉ hết khoảng 4 triệu đồng nhưng đã bị đội lên thành 23 triệu đồng. Ước tính mỗi tháng có khoảng 20 trường hợp bệnh nhân sử dụng thiết bị này, tính từ khi lắp đặt robot Rosa tại Bệnh viện Bạch Mai. Như vậy đến nay đã có hàng trăm bệnh nhân bị chiếm đoạt với số tiền không nhỏ.

Trả lời báo chí, ông Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện đang phối hợp với cơ quan điều tra, cung cấp hồ sơ liên quan đến các gói thầu với doanh nghiệp để phục vụ điều tra, làm rõ sự việc. Theo ông Hùng, bệnh viện mua thiết bị có đơn vị thứ 3 là công ty chuyên môn có chức năng thẩm định giá nên nếu có sai phạm thì chủ yếu liên quan đến đơn vị cung cấp và trách nhiệm của đơn vị thẩm định giá. “Chúng tôi tiếp nhận các thiết bị y tế dựa trên giấy tờ, hồ sơ và giá thiết bị mà các bên đưa ra để có căn cứ lựa chọn. Bệnh viện không đủ khả năng để xem giá chính xác, nhất là khi thiết bị lần đầu tiên được đầu tư và sử dụng tại Việt Nam. Khi hồ sơ đầy đủ, có lợi nhất theo nguyên tắc lấy từ thấp đến cao, bảo đảm chất lượng thì sẽ được lựa chọn”, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói.

Theo ông Tuấn: “Chủ trương xã hội hóa mua sắm thiết bị y tế rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi khó khăn về kinh tế, nguồn vốn, các đơn vị cần chủ động. Tuy nhiên, các đơn vị triển khai như Bệnh viện Bạch Mai thì chúng tôi cũng không biết, vì bệnh viện không báo cáo do cơ chế được tự chủ hoàn toàn trong mua sắm trang thiết bị, không phải báo cáo và không phải đợi Bộ Y tế thẩm định. Việc được giao quyền tự chủ sẽ giúp các bệnh viện chủ động hơn trong mua sắm thiết bị y tế nhưng có thể sẽ xảy ra tình trạng “thổi giá” thiết bị nếu không có biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ”.

Một đại diện của Bộ Y tế cho hay, thiết bị y tế không phải là mặt hàng được Nhà nước quản lý giá, không phải kê khai giá như đã áp dụng với thuốc nên vừa qua, có hiện tượng thiết bị được mua bán lòng vòng qua các công ty, giá bị đẩy lên cao và vẫn được thẩm định.

Liên quan vấn đề này, ông Tuấn cho biết: “Thực hiện sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Y tế đang khẩn trương xây dựng cơ chế và hệ thống cơ sở dữ liệu để công khai minh bạch giá đi kèm với cấu hình chức năng và các yếu tố để minh bạch giá trang thiết bị để các cơ sở tham khảo và sẽ sớm công khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế trong đầu tháng 9, nhằm giúp các đơn vị khi mua sắm sẽ tham khảo thông tin minh bạch”.

* Nghị quyết 33 của Chính phủ đã cho phép 4 bệnh viện lớn là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K (Hà Nội) và Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn. Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện xã hội hóa các dịch vụ trong bệnh viện, trong đó có các máy cộng hưởng từ, thiết bị xét nghiệm sinh hóa, thiết bị hỗ trợ phẫu thuật...

* Thời điểm này, không chỉ Bệnh viện Bạch Mai, một bệnh viện khác tại Hà Nội cũng đặt thiết bị y tế robot Rosa do doanh nghiệp cung cấp.

Thái Hà

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/xa-hoi-hoa-mua-sam-thiet-bi-y-te-can-thiet-nhung-phai-giam-sat-1716838.tpo