Xã hội hóa giáo dục và những vấn đề đặt ra

Trong điều kiện kinh tế địa phương còn gặp nhiều khó khăn, chất lượng giáo dục giữa các trường, các vùng trong tỉnh còn chênh lệch, ngân sách chi cho giáo dục còn khiêm tốn... thì việc xã hội hóa giáo dục (XHHGD), huy động nguồn lực từ nhân dân được xem là giải pháp tích cực giúp ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thực hiện tốt sứ mệnh 'trồng người'. Tuy nhiên, nếu chủ trương này không được tổ chức và quản lý bài bản, thấu đáo sẽ nảy sinh nhiều bất cập...

Hoạt động ngoài giờ lên lớp của cô, trò Trường Mầm non NoBel (TP Thanh Hóa).

Kết quả ghi nhận

Để thực hiện hiệu quả công tác XHHGD, thời gian qua, ngành GD&ĐT luôn chú trọng tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành về quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện tại các cơ sở giáo dục; vận động XHHGD bằng những biện pháp sáng tạo thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó chú trọng hoạt động tìm kiếm, thu hút nguồn đầu tư, đối tác đầu tư, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển giáo dục. UBND tỉnh cũng như các đơn vị có liên quan đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục, tiêu biểu như, năm 2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4294/2011/QĐ-UBND, quy định một số chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh; năm 2017, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 82/2017/NQ-HĐND về việc ban hành “Chính sách XHHGD mầm non tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030”... Và, hiệu quả từ hoạt động XHHGD trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng đã được khẳng định với việc hệ thống trường, lớp ngày càng được đầu tư xây dựng khang trang, sạch, đẹp từ nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và nhân dân, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh (HS) đến trường học tập, rèn luyện.

Đặc biệt, từ chủ trương XHHGD, hệ thống các trường tư thục ngày càng phát triển mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu của phục huynh HS. Theo thống kê của Sở GD&ĐT, hiện toàn tỉnh có 39 trường tư thục, thu hút khoảng 20.000 HS theo học, trong đó có 29 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường tiểu học và THCS, 1 trường THCS và THPT, 2 trường tiểu học, THCS và THPT và 6 trường THPT. Tính riêng TP Thanh hóa có 15 trường mầm non, 8 trường phổ thông. Đơn cử như, Trường Mầm non Búp Sen Xanh, Mầm non Vườn Mặt Trời, Mầm non NoBel, Mầm non Thanh Xuân Nam, Trường Tiểu học, THCS và THPT Đông Bắc Ga... Những trường này được các tổ chức, cá nhân đầu tư hàng chục tỷ đồng với hệ thống cơ sở vật chất, phòng, lớp học hiện đại, đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập, giảng dạy và sự phát triển giáo dục.

Mặc dù mới được thành lập và đi vào hoạt động hơn 2 tháng, nhưng hiện tại, Trường Mầm non NoBel (Khu đô thị mới Đông Sơn, phường An Hoạch, TP Thanh Hóa) đã thu hút trên 250 HS tham gia học tập. Đây là con số không hề nhỏ với một trường mầm non tư thục mới đi vào hoạt động. Được biết, Trường Mầm non NoBel do gia đình anh Nguyễn Hữu Ninh (Tổng Công ty Đầu tư Hà Thanh) đầu tư hơn 40 tỷ đồng. Hiện tại, ngoài cơ sở tại TP Thanh Hóa, Trường Mầm non NoBel còn 3 cơ sở đóng chân trên địa bàn các huyện Như Thanh, Yên Định và Thọ Xuân có quy mô từ 500-650 HS theo học. Tại Trường Mầm non Búp Sen Xanh, với mục tiêu xây dựng mô hình đào tạo phát triển kỹ năng toàn diện cho HS, nhà trường đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giáo viên bảo đảm các tiêu chí, tạo môi trường giáo dục thuận lợi để HS không chỉ được tiếp thu tốt nhất những kiến thức theo chuẩn của Bộ GD&ĐT mà còn được giáo dục về kỹ năng sống, phát triển năng khiếu, tư duy, sức khỏe... Cùng với đó, trường thực hiện liên kết với giáo viên người nước ngoài để tăng cường khả năng ngoại ngữ là tiếng Anh cho các em. Đây là những nền tảng quan trọng để các em phát triển sau này. Ông Lê Văn Quyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư phát triển GD&ĐT Thanh Hóa, đơn vị đầu tư xây dựng Trường Mầm non Búp Sen Xanh, chia sẻ: Với cơ sở hạ tầng hiện đại, đa chức năng, đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp, chất lượng giáo dục của nhà trường từng bước được khẳng định, số HS đăng ký theo học tại trường ngày càng tăng. Năm học 2014-2015 toàn trường có 300 HS, đến năm học 2019 – 2020 tăng lên gần 500 em.

Những vấn đề đặt ra

Thực tế cho thấy, chủ trương XHHGD có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, bởi nó khai thác và phát huy được tiềm năng của toàn xã hội cho sự phát triển giáo dục. Đặc biệt, sự ra đời của các cơ sở giáo dục tư thục từ chủ trương XHHGD vừa đáp ứng yêu cầu học tập của HS, vừa giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra khi thực hiện chủ trương XHHGD. Tại các trường công lập, theo tìm hiểu được biết, để có được kết quả XHHGD nhiều trường đã lập kế hoạch sửa chữa, nâng cấp trường, lớp, mua sắm thiết bị, dự toán kinh phí trình UBND xã, phường sở tại cho phép thực hiện. Điều đáng nói, việc vận động XHHGD không có chỉ tiêu cụ thể, mỗi trường khi lập kế hoạch, dự toán nâng cấp, sửa chữa đều đưa ra số tiền cần huy động. Và, đương nhiên, số tiền mà các trường đưa ra đều được “bổ đầu” từng HS, phụ huynh. Đó là sự mâu thuẫn giữa chủ trương và cách làm. Việc vận động kiểu áp đặt ở nhiều trường học đã khiến cho cụm từ XHHGD mất đi tính nhân văn và đối với nhiều phụ huynh, nó thực sự đã trở thành “gánh nặng” đầu mỗi năm học. Thậm chí có những trường “khoán” mức vận động XHHGD cho các thầy, cô giáo, gây nên những dư luận trái chiều.

Đối với những trường ngoài công lập, nhiều mặt trái cũng đã phát sinh khi tư nhân tham gia vào phát triển giáo dục. Dư luận đã nhiều lần lên tiếng về những vụ bạo hành trẻ em xảy ra ở một số cơ sở giáo dục tư nhân cả trong và ngoài tỉnh những năm gần đây. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đạo đức nhà giáo, ảnh hưởng đến tâm lý, niềm tin của phụ huynh với ngành GD&ĐT. Rồi những địa chỉ gửi trẻ tư nhân không phép được mọc lên tại nhiều khu dân cư, song công tác kiểm tra, giám sát của ngành chức năng với những địa chỉ này còn hạn chế. Lại có đơn vị trường không được pháp luật công nhận là “trường quốc tế” nhưng vẫn định danh là “trường quốc tế” như Trường Mầm non quốc tế Sakura, đóng chân trên địa bàn phường Đông Hải (TP Thanh Hóa). Thực tế, từ “quốc tế” của Trường Mầm non Sakura chỉ được gắn vào tên trường với nghĩa danh từ như một tên riêng, chứ không có nghĩa của một tính từ nhằm thể hiện đẳng cấp thực sự của trường. Điều này đã được đại diện lãnh đạo Trường Mầm non quốc tế Sakura thừa nhận. Ngoài ra, tại các trường tư thục trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các trường mầm non có số lượng HS theo học nhiều đều sử dụng loại hình xe ô tô đưa đón HS, trường ít thì 1 xe, trường nhiều có tới 4 xe. Mặc dù, được đánh giá là loại hình dịch vụ tiện ích, nhưng trước sự việc HS lớp 1 tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón xảy ra tại Trường Gateway (Hà Nội) và cháu bé 3 tuổi bỏ quên nhiều giờ đồng hồ trên xe đưa đón tại Trường Mầm non Đồ Rê Mí (Bắc Ninh) mới đây, khiến dư luận và phụ huynh HS không khỏi băn khoăn, lo lắng về loại hình dịch vụ này. Ngành GD&ĐT cũng đã chỉ đạo siết chặt quản lý loại hình này với nhiều quy định chi tiết, cụ thể. Song, nhiều người cho rằng, thực hiện theo quy định là cần thiết, nhưng điều quan trọng nhất để bảo đảm an toàn cho trẻ vẫn phải là tính chuyên nghiệp, ý thức, trách nhiệm của người phụ trách, của lái xe trong suốt hành trình đến trường và về nhà của các em HS. Bà Mạc Thị Ngọc, Phó Phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa, cho biết: “Nhận thấy những tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với loại hình dịch vụ xe đưa đón HS, trong thời gian vừa qua, ngành GD&ĐT thành phố đã tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát đối với các nhà trường có sử dụng dịch vụ này. Hiện, mỗi trường có một cách quản lý riêng, nhưng đều thực hiện tốt quy trình, hướng dẫn của ngành và chưa để xảy ra sai sót. Tuy nhiên, không thể chủ quan trước mọi tình huống, các nhà trường, đặc biệt là mỗi lái xe, giáo viên đưa, đón trẻ khi làm nhiệm vụ cần thể hiện được tinh thần trách nhiệm cao”.

XHHGD là chủ trương đúng đắn, góp phần huy động các nguồn lực trong xã hội phục vụ phát triển sự nghiệp GD&ĐT. Tuy nhiên, trước những vấn đề đặt ra khi thực hiện chủ trương này, ngành chức năng, chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân cần thẳng thắn nhìn lại những tồn tại, hạn chế, đồng thời, nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong thực hiện. Tại các trường công lập, khi thực hiện XHHGD cần bảo đảm tính công khai, dân chủ, tự nguyện của mỗi cá nhân. Tại các trường tư thục, khi trao quyền phải đi liền với giám sát. Có như vậy, XHHGD mới thực sự phát huy hiệu quả và thể hiện tính ưu việt của một chủ trương.

Bài và ảnh: Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/xa-hoi-hoa-giao-duc-va-nhung-van-de-dat-ra/108213.htm