Xã hội hóa giáo dục - tháo gỡ 'điểm nghẽn': Tín hiệu tích cực

Môi trường học tập mở, năng động, hướng đến hội nhập khu vực, quốc tế cho học sinh là điều nhiều trường học tại TPHCM và phụ huynh hướng tới. Để đạt được điều đó, ngoài sự chăm lo của chính quyền thành phố, nỗ lực, sáng tạo của toàn ngành, công tác xã hội hóa (XHH) GD đóng một vai trò quan trọng.

Học sinh Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) tham gia nhiều hoạt động bổ ích trong Ngày hội Xuân yêu thương 2019. Ảnh: T.G

Học sinh Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) tham gia nhiều hoạt động bổ ích trong Ngày hội Xuân yêu thương 2019. Ảnh: T.G

Phụ huynh đồng hành cùng nhà trường

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), theo cô Tống Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường, ngoài những công trình phục vụ dạy học, nhà trường còn vận động phụ huynh tham gia hỗ trợ, chung tay cùng giáo dục, chăm lo cho HS ở nhiều phương diện khác nhau.

Cô Mai Hương lấy ví dụ, trường có phụ huynh là bác sĩ răng hàm mặt nên đứng ra tổ chức một buổi khám răng miễn phí cho HS; có người là bác sĩ tâm lý, bác sĩ nhi đồng cũng phối hợp để tổ chức những chuyên đề về Phòng tránh xâm hại tình dục…

Có người là nhà thơ, nhà văn, hỗ trợ các con trong sinh hoạt CLB ươm mầm văn học hay có phụ huynh là luật sư đã tổ chức tư vấn luật cho cán bộ, giáo viên và phụ huynh nhà trường; Có hai phụ huynh là TS Vật lý cùng nhà trường thành lập CLB Em yêu khoa học miễn phí để học sinh tham gia…

Không chỉ phụ huynh, công tác XHH GD còn huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, tổ chức. Tại Trường TH Trưng Trắc (quận 11), bếp ăn của nhà trường được tài trợ, đầu tư với hơn 1,3 tỷ đồng từ công ty Ajinomoto Việt Nam. Đây là mô hình bếp ăn một chiều tương tự như các nước tiên tiến trên thế giới nên mỗi khâu đều được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thậm chí khi nhà trường mua sắm trang thiết bị, sửa chữa… có nhiều phụ huynh sẵn sàng tham gia khâu giám sát. Nhiều phụ huynh có chuyên môn về lĩnh vực nào đó được giáo viên mời đến tham gia tiết học cùng HS… Tất cả đều được nhà trường trân trọng. Phụ huynh cũng tin tưởng vào các hoạt động GD của nhà trường nên luôn sẵn sàng, chủ động trong việc hỗ trợ.

Với cương vị là một phụ huynh, anh Thái Mỹ Phương Triều, từng làm ban đại diện cha mẹ HS của Trường TH Trưng Trắc (quận 11) nhiều năm liền cho hay: “Chúng tôi luôn tâm niệm, mình làm vì con em mình nên chủ động cùng nhau kêu gọi một số cha mẹ, thậm chí những người là cựu phụ huynh HS của trường cùng đóng góp hỗ trợ trường như cải tạo nhà vệ sinh hằng năm, tặng quà cho HS khó khăn, cùng một số hoạt động ngoại khóa khác. Quan điểm chúng tôi là trên tinh thần tự nguyện, phụ huynh nào có khả năng thì hỗ trợ, tài trợ chứ không cào bằng”.

Xã hội hóa giúp nhà trường có nguồn kinh phí để thực hiện nhiều hoạt động hữu ích

Nhiều giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa GD

Năm 2017, TPHCM thông qua đề án XHH ngành GD-ĐT giai đoạn 2017 - 2020; tầm nhìn đến năm 2030 với nhiều giải pháp, lộ trình thực hiện, bước đầu có nhiều hiệu quả tích cực.

Theo đó, TP xây dựng mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế (gọi tắt trường tiên tiến) và triển khai nhân rộng ở các quận, huyện với khoảng 60 trường. Với mô hình này, nhà trường đưa ra mức thu phù hợp khoảng 1,5 triệu đồng (chưa kể các khoản thu hộ, chi hộ thỏa thuận như phí phục vụ bán trú, tiếng Anh tích hợp...) để làm nguồn lực cho triển khai nhiều hoạt động GD.

“Mô hình này giúp nhà trường có nguồn kinh phí để thực hiện nhiều hoạt động hữu ích, từ giáo dục kỹ năng sống, tổ chức thành công các chuyên đề về giáo dục văn hóa truyền thống dân tộc, đạo đức…, tổ chức các buổi ngoại khóa theo chuyên đề được đầu tư bài bản.

Nhiều sự kiện của trường tổ chức có quy mô, chiều sâu, tạo cho học sinh những trải nghiệm thú vị, bổ ích… Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, sự đòi hỏi của xã hội và thời đại hội nhập”, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 - một trong những trường THPT thực hiện mô hình trường tiên tiến chia sẻ.

Bên cạnh đó, TPHCM đã thực hiện hiệu quả đẩy mạnh XHH trong dạy học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. Theo đó, HS trường công lập sẽ tự chọn một trong các chương trình tiếng Anh gồm: Đề án Ngoại ngữ của Bộ GD&ĐT, chương trình tiếng Anh tăng cường (học tiếng Anh từ lớp 1 với thời lượng 8 tiết/tuần và chương trình “Dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” (gọi tắt tiếng Anh tích hợp - học 8 tiết/tuần các môn Toán, Khoa học và Tiếng Anh do 100% giáo viên bản ngữ giảng dạy).

Ngoài ra, TPHCM bước đầu triển khai thành công hoạt động cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh (toàn thành phố có 82.000 trẻ tham gia làm quen tiếng Anh trong 559 trường mầm non) giúp trẻ thuận lợi trong những năm bắt đầu phát triển kỹ năng ngôn ngữ.

Cùng với đó, TP đã tạo điều kiện các trung tâm ngoại ngữ phát triển để phụ huynh có nhiều lựa chọn và đầu tư cho con học tiếng Anh. Hiện nay, rất nhiều trung tâm ngoại ngữ vào trường học tham gia giảng dạy, phần nào giải quyết nhu cầu giáo viên bản ngữ của thành phố.

Một trong những điểm nổi bật công tác XHH GD, chính là sự phát triển nhanh của các trường ngoài công lập. Theo đó, học sinh với những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau sẽ có sự lựa chọn cơ hội học tập, chăm sóc và rèn luyện. Sự phát triển của các trường ngoài công lập góp phần giảm tải cho các trường công tại TPHCM khi số học sinh hằng năm tăng nhanh.

Ngoài việc góp phần mở rộng quy mô và điều kiện học tập cho con em nhân dân, các trường ngoài công lập còn có những thế mạnh như tự quyết định mức học phí, thù lao giáo viên thỏa đáng, có điều kiện thúc đẩy nâng cao chất lượng chuyên môn và chọn lựa giáo viên giỏi cho nhà trường.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/xa-hoi-hoa-giao-duc-thao-go-diem-nghen-tin-hieu-tich-cuc-4027242-b.html