Xã hội hóa giáo dục gắn với ứng dụng công nghệ

Những năm gần đây, TP Thuận An (tỉnh Bình Dương) đã có nhiều giải pháp hiệu quả đẩy mạnh xã hội hóa gắn với ứng dụng công nghệ, đổi mới phương pháp giáo dục. Qua đó, địa phương luôn bảo đảm các cơ sở giáo dục khi số lượng học sinh tăng nhanh theo cơ học, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo (GDĐT).

Mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Hương, ngụ phường Lái Thiêu (TP Thuận An), công nhân ở Khu công nghiệp VSIP đều đến gửi con sớm tại Trường Mầm non Phương Mai (phường Lái Thiêu). Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị Hương còn được nhà trường miễn phí 100% khoản thu đóng góp vật chất đầu năm học 2020-2021. Không chỉ chị Hương mà nhiều công nhân khó khăn trên địa bàn phường Lái Thiêu cũng yên tâm gửi con tại nhà trường.

Trường Mầm non Phương Mai do chị Nguyễn Thị Mỹ Phương đầu tư xây dựng năm 2012 với quy mô 13 lớp bán trú, bảo đảm nuôi dạy gần 300 trẻ. Chị Phương cho biết: "Được giảm 50% tiền thuế đất nên tôi mạnh dạn đầu tư xây trường. Do nhiều gia đình công nhân còn khó khăn nên được nhà trường tặng quà trong dịp lễ tết, bố trí việc đón sớm, trả muộn trẻ phù hợp giờ làm việc của cha mẹ trẻ, không thu thêm phụ phí. Năm học 2020-2021, nhà trường miễn giảm toàn bộ tiền đóng góp vật chất đầu năm cho 29 học sinh, mua bảo hiểm cho 100% cán bộ, giáo viên và các chế độ theo quy định nên các giáo viên đều yên tâm công tác.

 Cô giáo Trường Mầm non Phương Mai, phường Lái Thiêu, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương hướng dẫn các bé làm đồ chơi.

Cô giáo Trường Mầm non Phương Mai, phường Lái Thiêu, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương hướng dẫn các bé làm đồ chơi.

TP Thuận An có tốc độ công nghiệp, đô thị hóa nhanh, thu hút rất đông người lao động cả nước đến làm việc. Hầu hết gia đình công nhân có nhu cầu gửi trẻ cao. Trong năm học 2020-2021, địa phương tăng thêm 7.500 em so với năm học trước. Thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách như miễn giảm tiền thuế đất, thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp, ưu đãi tiền thuê đất công xây dựng trường; hỗ trợ nghiệp vụ, pháp lý; ưu đãi lương, phụ cấp thâm niên, tăng giờ, chế độ nhà trọ, nhà xa cho giáo viên... Địa phương tích cực vận động các doanh nghiệp phối hợp với người có chuyên môn, kinh nghiệm giáo dục để đầu tư xây dựng. Thuận An quan tâm tạo quỹ đất, quy hoạch mạng lưới giáo dục cụ thể, tăng cường kiểm tra bảo đảm quy chuẩn trường lớp, kịp thời biểu dương, nhân rộng điển hình. Từ năm 2016 đến nay, Thuận An đã có 31 trường học được xây dựng từ xã hội hóa với mức đầu tư hơn 516 tỷ đồng. Cùng với đầu tư của địa phương, hiện thành phố có 108 trường học, hơn 1.132 nhóm, lớp mầm non, mẫu giáo, bảo đảm 100% trẻ trong độ tuổi đi học được đến trường. Từ năm 2016 đến nay, thành phố còn vận động các doanh nghiệp tặng quà, học bổng học sinh nghèo hiếu học với tổng trị giá hơn 173 tỷ đồng.

Những năm qua, TP Thuận An tập trung đổi mới nâng cao chất lượng dạy học theo hướng phát triển trí tuệ, thể chất, tạo môi trường bồi dưỡng, phát triển năng khiếu, sở trường của học sinh, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Địa phương đã triển khai nhiều đề án, kế hoạch, phong trào cụ thể, như “Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025”; “Đổi mới thực chất, hiệu quả nâng cao”; “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo”... Xác định vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên, các nhà trường đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, giáo viên nắm được nội dung, phương pháp, kỹ năng ứng dụng sử dụng công nghệ, ngoại ngữ vào giáo dục gắn với tổ chức tốt hoạt động ngoại khóa. Hiện nay Thuận An có 99,3% giáo viên đạt chuẩn, 69% trường đạt chuẩn quốc gia. Hằng năm, tỷ lệ hoàn thành chương trình bậc tiểu học đạt 99-100%, tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 95-99%.

Bài và ảnh: DUY HIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/xa-hoi-hoa-giao-duc-gan-voi-ung-dung-cong-nghe-640137