Xã hội hóa giáo dục: Đâu là giới hạn?

Việc huy động các nguồn lực xã hội một cách tự nguyện để đầu tư nâng cao điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết. Nhưng ranh giới mong manh giữa xã hội hóa giáo dục và lạm thu đang khiến không ít trường e ngại thực hiện trong khi một số nơi lại vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ phía phụ huynh và dư luận xã hội.

Cuộc họp phụ huynh đầu năm luôn dành một phần lớn thời gian thảo luận về các hoạt động thu chi của lớp. Ảnh minh họa: Hàn Minh.

Cuộc họp phụ huynh đầu năm luôn dành một phần lớn thời gian thảo luận về các hoạt động thu chi của lớp. Ảnh minh họa: Hàn Minh.

Những khoản thu “lạ” nhưng không hiếm

Câu chuyện cô giáo ở một trường tiểu học của TPHCM xin phụ huynh trang bị laptop không thành đang xôn xao dư luận những ngày qua. Cụ thể, cô H. cho biết mình mới bị mất laptop. Do năm nay lớp có ti vi, cần phải có laptop mới kết nối, soạn bài, lên bài giảng được nên cô đề xuất mua máy tính với số tiền là 11 triệu, cô bỏ 5 triệu, phụ huynh góp 6 triệu và “laptop này là của cô”. Cô giáo giải thích: “Tôi nghĩ đó là xã hội hóa giáo dục, Nhà nước và nhân dân cùng làm. Sau này, tôi nghĩ lại và được chỉ đạo của ban giám hiệu, tôi thấy việc mình xin là không đúng nên không nhận nữa”.

Không thể “không quản được thì cấm”
Đến hẹn lại lên, năm học mới BĐDCMHS các lớp sẽ thông tin và xin ý kiến các khoản thu chi trong năm học. Nhưng cũng có trường không thu quỹ lớp, giảm gánh nặng cho phụ huynh. Phụ huynh Trường tiểu học Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương chỉ đóng duy nhất khoản tiền 99.000 đồng/học sinh để vệ sinh trong 1 năm học. Ông Nguyễn Văn Công, hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Phú cho biết ngoài khoản tiền vệ sinh thu đúng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền, nhà trường không thu thêm bất kỳ phí gì của phụ huynh đầu năm. Nhà trường chỉ vận động phụ huynh mua bảo hiểm y tế cho học sinh để đảm bảo quyền lợi cho các em khi có đau ốm. Đối với các thiết bị như điện, quạt bị hư sẽ dùng kinh phí cấp trên cấp hàng năm khoảng 90 triệu đồng để sửa chữa, thay mới… Nếu cần sửa chữa lớn hơn như lát gạch, sơn tường... thì sẽ báo cáo cấp trên để có phương án, không vận động phụ huynh đóng góp.
Việc các trường thu hoặc không thu quỹ phụ huynh phụ thuộc vào từng trường nhưng phải thực hiện đúng theo thông tư của Bộ GDĐT. Nhiều ý kiến cả đồng tình và phản đối với đề xuất này nhưng xét đến cùng, không thể áp dụng việc “không quản được thì cấm” mà phải tìm cách để quản lý, đảm bảo BĐDCMHS hoạt động hiệu quả và phát huy đúng vai trò chức năng của mình.
Trong đó, chính phụ huynh phải tìm hiểu thật kỹ những khoản thu góp đầu năm học, khoản nào bắt buộc, khoản nào xã hội hóa. Đặc biệt, khi họp phụ huynh, nếu thấy những khoản thu không hợp lý, phụ huynh cần thẳng thắn phản ánh với những cá nhân, tổ chức có trách nhiệm, xem khoản thu đó ra sao.
Việc lạm dụng hoặc hiểu sai chính sách xã hội hóa giáo dục có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường, tạo ra những điều phản cảm.

Đáng chú ý, cô giáo H. còn nói: “Tôi thấy trong trường các cô ai cũng vận động làm trang thiết bị trong lớp, để dạy dỗ. Nếu vận động mà sai là cả nước đều sai. Trường nào cũng vận động, ai cũng vận động hết trơn, nhưng tôi bị thưa là vì tôi không nhận…”.

Chưa bàn đến việc cô H. giải thích như vậy có thể chấp nhận được không, có vi phạm đạo đức nghề giáo không nhưng có một việc cô nói đúng. Đó là không phải chỉ riêng mình cô H. vận động mua laptop mà trên thực tế ở nơi này, nơi kia, việc thầy cô, nhà trường đề xuất phụ huynh sắm máy tính, máy in, tivi, máy chiếu, loa, micro… không phải là hiếm. Có những trường hợp là phụ huynh chủ động đề xuất nhưng cũng không ít nơi là do giáo viên “gợi ý” ban đại diện cha mẹ học sinh đề xuất.

Ngay chính ở lớp cô H. làm chủ nhiệm ở năm học trước đã mua loa trị giá 2,7 triệu đồng, máy in 3,45 triệu đồng… để phục vụ cho việc học. Lớp sau đó đã xin lại để dùng ở năm học này nhưng cô H. đã thoát group lớp, chặn liên lạc của phụ huynh. Điều đáng nói, dù không bàn giao cho lớp khóa trước nhưng cô lại tiếp tục vận động học sinh khóa sau mua… loa mới! Câu hỏi là, chiếc loa kia đã đi đâu?

Đây cũng là câu hỏi phổ biến nhiều phụ huynh các lớp đầu cấp đặt ra bởi khi ra trường hầu hết các lớp khóa trước đều để lại điều hòa, ti vi,… nhưng học sinh mới vào trường lại không được thụ hưởng mà phải sắm mới hoàn toàn. Với một số trường dù không phải lắp mới, phụ huynh lại nhận được những khoản phí phải nộp liên quan đến các thiết bị này rất bất hợp lý. Đơn cử, năm học 2024 - 2025, Trường Tiểu học Đức Giang (Hoài Đức, Hà Nội) thu tiền phí chuyển điều hòa từ cơ sở cũ sang cơ sở mới (cách nhau 2km), mỗi học sinh đóng 131.000 đồng. Phụ huynh tính toán, trung bình mỗi lớp khoảng 40 học sinh, nhân lên đã hơn 5 triệu đồng chỉ để di chuyển 2 điều hòa sang chỗ mới, rất bất hợp lý. Đối với học sinh lớp 1 mới vào trường, mỗi em còn đóng thêm khoản 100.000 đồng quỹ bảo dưỡng điều hòa. Một lớp sẽ thu được khoảng 4 triệu đồng chỉ dùng riêng cho việc bảo dưỡng điều hòa, theo phụ huynh cũng là bất hợp lý.

Một trường liên cấp ở Đồng Nai vừa thông báo khoản thu "bảo trì tivi" mỗi học sinh 100.000 đồng dù ti vi vẫn đang trong thời gian bảo hành.

Một số trường tại TPHCM thay vì để phụ huynh mua máy điều hòa mới sử dụng lâu dài trong nhiều năm học lại thông báo sẽ tổ chức thuê và lắp máy lạnh cho các phòng học, chi phí 95.000 đồng/học sinh/tháng. Một lớp có khoảng 40 học sinh, mỗi tháng sẽ tốn 3,8 triệu đồng. Học sinh học 9 tháng, như vậy, mỗi năm chi hết 34,2 triệu đồng tiền thuê và sử dụng máy lạnh. Năm học sau lại tiếp tục đóng như vậy sẽ rất tốn kém và bất hợp lý so với việc mua mới.

Học sinh Trường THPT Việt Nam – Ba Lan (Hà Nội). Ảnh: Tú Anh.

Học sinh Trường THPT Việt Nam – Ba Lan (Hà Nội). Ảnh: Tú Anh.

Hiểu đúng về xã hội hóa

Chọn trường học cho con, phụ huynh nào cũng mong muốn con được học trong môi trường tốt nhất với giáo viên giỏi, cơ sở vật chất đầy đủ. Ở các thành phố lớn và các khu vực có điều kiện kinh tế phát triển, phần lớn phụ huynh đều sẵn sàng đóng góp để mua sắm các trang thiết bị cho lớp học như điều hòa, máy chiếu, ti vi… nhưng vì sao, năm học nào cũng có những lùm xùm xung quanh việc trang bị các thiết bị này?

Như giải thích của cô giáo H. với báo chí về việc mua laptop là do cô chưa hiểu rõ thông tư, cô nghĩ việc này là bình thường, đúng chủ trương xã hội hóa giáo dục. Vậy thực chất, xã hội hóa giáo dục đang được quy định như thế nào?

Hiện Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân nêu rõ: cơ sở giáo dục được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung sau: Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục; hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục.

Không vận động tài trợ để chi trả: thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục.

Việc tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.

Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2021 ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh quy định về kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS) lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho BĐDCMHS lớp.

Một số khoản không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học gồm các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện, các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của BĐDCMHS gồm bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Như vậy Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT nêu rõ BĐDCMHS không được phép thu tiền trực tiếp để phục vụ cho hoạt động trực tiếp của ban. Chẳng hạn, thăm hỏi, chi phí để tổ chức hội họp như trà, nước, bánh, trái...

Ngoài hai Thông tư này, tỉnh thành nào cũng có những quy định rất cụ thể về công tác chống lạm thu, hướng dẫn những khoản thu đầu năm... Dù vậy, hàng loạt các trường cố tình thu sai hoặc có nơi vì chưa hiểu đúng và làm đúng pháp luật về xã hội hóa trong giáo dục, dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp, tình trạng lợi dụng hội phụ huynh học sinh, tình trạng áp đặt, cào bằng để thu tiền gây bức xúc dư luận.

Công khai minh bạch mọi khoản thu - chi

Cũng thời điểm này năm ngoái, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã tổ chức xin ý kiến góp ý dự thảo thông tư quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó, dự thảo thông tư có nêu các cơ sở giáo dục từ mầm non cho đến phổ thông công khai trên cổng thông tin điện tử của đơn vị các khoản thu và mức thu đối với người học (bao gồm học phí, lệ phí, tất cả các khoản thu và mức thu ngoài học phí, lệ phí) trong năm học và dự kiến cho từng năm học tiếp theo của cấp học... Thông tin công khai phải bảo đảm đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy, cập nhật, dễ hiểu, dễ tiếp cận, kịp thời, nhất quán với thông tin cập nhật trong cơ sở dữ liệu ngành.

Dự thảo cũng nêu rõ việc thực hiện quy định công khai này nhằm minh bạch các cam kết về chất lượng, điều kiện bảo đảm chất lượng; thu, chi tài chính tại các cơ sở giáo dục và các thông tin khác có liên quan của cơ sở giáo dục để cán bộ, giảng viên, giáo viên, người lao động, người học, gia đình và xã hội biết và tham gia giám sát các hoạt động của các cơ sở giáo dục.

Đây cũng là mong muốn của tất cả mọi người dân khi cho con đi học. Nhiều phụ huynh sẵn sàng ủng hộ, tài trợ cho nhà trường, lớp học nhưng phải trên nguyên tắc công khai các khoản thu này được dùng vào việc gì, số tiền thu vào – chi ra là bao nhiêu và phải bàn bạc, thống nhất với phụ huynh trước khi thực hiện thay vì nhiều trường hợp cứ chi xong rồi mới báo với phụ huynh để nộp tiền. Việc đặt phụ huynh “vào sự đã rồi” xảy ra rất phổ biến như cô giáo lớp 1 tại một trường tiểu học ở quận 7, TPHCM vừa qua. Cô gửi đến phụ huynh danh sách liệt kê hàng loạt hạng mục cần sắm sửa gồm máy lạnh, loa, micro, amply, rèm, ổ điện, nẹp - keo - dây, tivi, khung, cáp HDMI, sửa điện máy lạnh, rửa quạt, sơn tường nứt, kệ thư viện lớp, kệ dép, decal tên, tiền công và dây đồng cho máy lạnh.... Tổng số tiền gần 80 triệu đồng, cô yêu cầu mỗi phụ huynh đóng 2 triệu đồng. Khi nhà trường nắm thông tin thì.. sự đã rồi, tiền đã đóng, nhiều khoản đã chi.

Trước đó, một lớp học thu mỗi học sinh 10 triệu đồng dự kiến dùng cho cả 5 năm học nhưng chỉ hơn một tháng sau khi đóng quỹ đã chi gần hết vào các hạng mục sửa chữa, mua sắm trang thiết bị…

Thực tế ghi nhận rất nhiều khoản dự chi được nhà trường, giáo viên, BĐDCMHS thông báo tới phụ huynh trong lớp và nhận được các ý kiến phản hồi, trong đó có những ý kiến không đồng tình và từ đó chấn chỉnh việc thu quỹ. Như vậy, nếu không đưa ra dự kiến thu chi để tất cả các thành viên trong lớp đều được biết và có ý kiến trước khi quyết định thực hiện thì sẽ xảy ra những trường hợp không đồng thuận nhưng vẫn phải đóng tiền, gây bức xúc trong phụ huynh. Điều này đi ngược với nguyên tắc vận động tài trợ theo quy định của Bộ GDĐT đó là tự nguyện, không cào bằng mức đóng góp của tất cả mọi học sinh… Đặc biệt, thực tế cho thấy có những trường thông qua BĐDCMHS để thu các khoản thu không đúng quy định. Điều này không chỉ có trách nhiệm của BĐDCMHS mà còn là trách nhiệm của hiệu trưởng. Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để có biện pháp chấn chỉnh ngay với các hành vi không đúng và kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm để làm gương.

Không chỉ Bộ GDĐT, các địa phương cũng đề ra các giải pháp để chống lạm thu trong trường học. Sở GDĐT TPHCM yêu cầu các trường phải nộp kế hoạch vận động tài trợ để Phòng hoặc Sở phê duyệt. Sau khi được duyệt kế hoạch, nhà trường mới tổ chức vận động và trên tinh thần tự nguyện, không áp đặt.

Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu việc thu chi liên quan đến các hoạt động trải nghiệm hoặc khoản thu mang tính xã hội hóa, nhà trường phải có đề án, được thông qua tập thể sư phạm nhà trường và cấp có thẩm quyền quyết định mới thực hiện.

Đặc biệt, hiệu trưởng hoặc lãnh đạo cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm trước đơn vị quản lý, thậm chí sẽ bị chuyển cơ quan điều tra để xử lý nếu phát hiện sai phạm hoặc để xảy ra “lạm thu” trong trường học.

Trưởng Phòng GDĐT huyện Thanh Trì (Hà Nội) Phạm Văn Ngát cho hay, đầu năm học thường xảy ra hiện tượng phụ huynh bàn tán về các khoản thu, chi. Tuy nhiên, có những trường hợp nhà trường mới có chủ trương, chưa thu nộp bất kỳ khoản nào, phụ huynh trong quá trình bàn bạc, chưa thống nhất với nhau nhưng đã đăng thông tin lên mạng xã hội. Trước sự việc này, Công an huyện Thanh Trì đã vào cuộc kiểm tra, xác minh và yêu cầu phụ huynh gỡ bỏ.

Ông Ngát khẳng định, nếu có bất kỳ thông tin gì từ phía phụ huynh học sinh hay trên mạng xã hội về thu, chi đầu năm, Phòng GDĐT huyện đều vào cuộc xác minh. Nếu thông tin đúng sẽ thực hiện theo quy trình, nếu sai phải xem nguồn cơn bắt nguồn từ đâu và sẵn sàng mời công an vào cuộc, tránh ảnh hưởng đến uy tín của các trường.

Đảm bảo chi ngân sách cho giáo dục

Thống kê của Bộ GDĐT, về thiết bị dạy học, tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng nhu cầu dạy học hiện còn thấp, trung bình cả nước chỉ đáp ứng 50,63%. Cụ thể, cấp mầm non đáp ứng 54,52%; cấp tiểu học đáp ứng khoảng 51,31%; cấp THCS đáp ứng khoảng 50,68%; cấp THPT đáp ứng khoảng 49,51%.

Nhìn từ thực tế, không phải lớp học, trường học nào cũng được đầu tư trang thiết bị dạy học đầy đủ, hiện đại như ti vi, máy chiếu, bảng tương tác và các trang thiết bị khác... Ngân sách nhà nước đầu tư có hạn, phải có sự chung sức từ các nguồn xã hội hóa là điều đã được lường trước, song từ đây cũng đặt ra những thách thức khác khi xã hội hóa có khi bị biến tướng thành cá nhân hóa, thành lạm thu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn tỉnh Hải Dương) phân tích, với các cơ sở giáo dục công lập, Nhà nước phân bổ kinh phí theo quy định nhưng mức đầu tư còn thấp, nên phải xã hội hóa một số khoản. Một mặt xuất phát từ nhu cầu của nhà trường, mặt khác từ nhu cầu của chính phụ huynh học sinh. Ví dụ, lớp học chỉ có quạt điện, ngân sách không chi trả lắp điều hòa, muốn có, phụ huynh phải trang bị. Hay hệ thống âm thanh, muốn hiện đại, tốt hơn thì có thể xã hội hóa, rồi nước uống và nhiều thứ khác.

Qua khảo sát tại một số trường học ở Hải Dương, số tiền ngân sách chi cho các nhà trường ngoài lương cán bộ, giáo viên dao động từ 90 - 150 triệu đồng. Số tiền này chi cho một năm học với rất nhiều hoạt động là rất ít ỏi, nên buộc phải xã hội hóa. Vì vậy, theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, về thể chế, cơ quan quản lý nhà nước phải rà soát lại việc giao kinh phí cho các trường, nếu được thì nên cải thiện.

“Đi tiếp xúc cử tri, tôi thấy cử tri ý kiến rất nhiều vì định mức giao cho các trường rất thấp, vô cùng loay hoay, rất khó khăn. Do vậy, buộc phải xã hội hóa và ranh giới lạm thu là rất mong manh” – Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ.

Bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng chỉ ra thực trạng của nhiều trường xuống cấp khá lâu nhưng để xin kinh phí đầu tư sửa chữa mất thời gian dài, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của nhà trường. Vì vậy, Nhà nước cần tiếp tục bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước quy định trong Kết luận 91-KL/TW năm 2024 để các nhà trường gỡ khó bài toán sửa chữa, đầu tư trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018, góp phần hạn chế lạm thu khi kêu gọi xã hội hóa, tài trợ cơ sở giáo dục. Bởi chỉ khi cung cấp đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất cho giáo viên mới tạo điều kiện để các thầy cô giảng dạy một cách hiệu quả nhất. Trong trường hợp giáo viên gặp khó khăn về thiết bị hoặc cơ sở vật chất không đồng bộ, nhà trường cần kiến nghị cơ quan quản lý có cơ chế hỗ trợ nhanh chóng.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội: Không dồn trách nhiệm xã hội hóa lên vai phụ huynh

ông Lâm

Xã hội hóa giáo dục nhằm giúp tăng thêm nguồn lực xã hội cho hệ thống giáo dục để tập trung giải quyết những khó khăn mà Nhà nước chưa đủ điều kiện đáp ứng. Nhưng xã hội hóa trong giáo dục không có nghĩa là chuyển hết trách nhiệm tài chính lên phụ huynh, mà là tìm kiếm sự phối hợp hợp lý giữa các bên liên quan để cải thiện điều kiện học tập và dạy học.

Khi BĐDCMHS hay giáo viên huy động mua sắm trang thiết bị mới cho lớp học, mỗi gia đình được kêu gọi đóng góp tự nguyện nhưng trong môi trường giáo dục, nếu điều này không được thực hiện đúng mực và khéo léo có thể gây ra những hệ lụy với con trẻ như có sự phân biệt đối xử trong quá trình học tập, chia rẽ, so bì. Không ít phụ huynh có thể cảm thấy bị ép buộc phải đóng góp để tránh ảnh hưởng đến con cái hoặc ảnh hưởng mối quan hệ với giáo viên. Vì vậy, mỗi nhà trường cần có quy định rõ ràng về việc tiếp nhận sự hỗ trợ từ phụ huynh, đảm bảo rằng mọi sự đóng góp đều là tự nguyện trong khuôn khổ luật pháp và không gây áp lực.

Ngoài ra, nhà trường có thể tổ chức các hoạt động gây quỹ thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào đóng góp của phụ huynh như bán hàng gây quỹ, tổ chức sự kiện cộng đồng, vận động tài trợ từ các doanh nghiệp trên địa bàn, cựu học sinh... Cách làm này vừa giúp tăng nguồn thu mà không gây áp lực tài chính lên phụ huynh, học sinh và xã hội cũng tích cực hưởng ứng.

THU HƯƠNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/xa-hoi-hoa-giao-duc-dau-la-gioi-han-10291748.html