Xã hội hóa Đề án 818: Tín hiệu tích cực

Nhờ triển khai tốt công tác xã hội hóa, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng dần. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy người dân đã bỏ dần thói quen sử dụng miễn phí để chủ động tìm kiếm các hàng hóa dịch vụ phù hợp với nhu cầu…

Hỗ trợ người dân lựa chọn sản phẩm tốt

Sinh 2 con gái và muốn kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) để nuôi dạy các con cho tốt, nhiều năm trước, chị Lê Thị Mỹ (xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang) quyết định sử dụng thuốc tránh thai. Hơn 1 năm qua, được cán bộ dân số trên địa bàn giới thiệu các phương tiện tránh thai (PTTT) hiện đại, chị Mỹ chuyển sang dùng loại này, thấy phù hợp với cơ thể và ít tác dụng phụ. Những sản phẩm này còn có giá cả hợp lý, vì vậy chị rất sẵn lòng bỏ tiền mua để sử dụng. Chị còn giới thiệu cho bạn bè có nhu cầu mua sản phẩm để sử dụng, bảo vệ sức khỏe sinh sản cho bản thân. Những PTTT và các sản phẩm này đều thuộc Đề án 818 của Bộ Y tế, có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt, được phân phối thông qua kênh bán hàng xã hội hóa của đề án.

Theo chị Lê Thị Thúy Phượng - cán bộ chuyên trách dân số xã Vĩnh Thái, thời gian đầu triển khai xã hội hóa PTTT, hàng hóa sức khỏe sinh sản, nhiều người còn e ngại vì không biết sản phẩm chất lượng thế nào, giá thành hơi cao. Tuy nhiên, địa phương đã phối hợp với tổ dân phố, Trạm Y tế, Hội Phụ nữ tổ chức tuyên truyền đến tận hộ gia đình, giới thiệu từng sản phẩm cụ thể về nguồn gốc, thành phần, công dụng và được Bộ Y tế cho phép đưa vào Đề án 818. Vì vậy, nhiều người đã dùng thử và thấy hiệu quả nên truyền cho nhau, từ đó các sản phẩm được người dân biết và sử dụng nhiều hơn. Sau một thời gian triển khai, thói quen sử dụng miễn phí các dịch vụ dân số - KHHGĐ của người dân đã dần thay đổi. Người dân chấp nhận trả tiền để được lựa chọn những sản phẩm phù hợp với nhu cầu.

Tích cực thay đổi nhận thức

Đề án “Xã hội hóa cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ - sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015 - 2020” được Bộ Y tế ban hành từ năm 2015. Đề án nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy cũng như trong phương thức tổ chức thực hiện cung cấp PTTT, hàng hóa và dịch vụ sức khỏe sinh sản - KHHGĐ.

Đề án 818 được Bộ Y tế phê duyệt tháng 3-2015, đến tháng 12-2015, UBND tỉnh có quyết định ban hành kế hoạch thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh. Bà Trần Thị Kim Oanh - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết, khi triển khai đề án, chi cục xác định việc tuyên truyền thay đổi nhận thức, hành vi của người dân rất quan trọng. Bởi thực tế, một phần người dân đã quen được cấp dịch vụ KHHGĐ miễn phí từ nguồn tài trợ của Nhà nước, một phần chưa coi trọng việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, lựa chọn PTTT có chất lượng. Thời gian qua, các địa phương đã chú trọng tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức từ “bao cấp, miễn phí” sang “mua, bán”, phù hợp với khả năng chi trả và điều kiện của người dân trên địa bàn.

Được biết, trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay đang tiếp nhận và cung ứng các PTTT mới đảm bảo chất lượng; có trung tâm tư vấn và cung ứng dịch vụ cấp tỉnh để điều phối và cung cấp PTTT, hàng hóa và các dịch vụ KHHGĐ - sức khỏe sinh sản; 6/6 huyện, thị xã, thành phố với 41 xã, phường, thị trấn có cơ sở y tế thực hiện xã hội hóa cung cấp PTTT, KHHGĐ - sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, để làm tốt hơn nữa công tác xã hội hóa cung ứng PTTT, hàng hóa dịch vụ KHHGĐ - sức khỏe sinh sản, trong thời gian tới, ngành Dân số tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung các chính sách phù hợp nhằm khuyến khích xã hội hóa và phát triển thị trường. Đồng thời, ngành sẽ đẩy mạnh truyền thông, quảng cáo các sản phẩm trên nhiều kênh thông tin, đảm bảo nguồn cung ứng; mở rộng tiếp thị xã hội các sản phẩm tránh thai; đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông tiếp thị xã hội… Từ đó, tạo sự đồng tình, ủng hộ của người dân trong thực hiện Đề án 818.

Thanh Trúc

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/yte-suckhoe/202011/xa-hoi-hoa-de-an-818-tin-hieu-tich-cuc-8194185/