Xã hội hóa công tác chứng nhận, thử nghiệm vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm

Dịch vụ khoa học -công nghệ, nhất là công tác thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa nói chung và lĩnh vực vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nói riêng còn nhiều bất cập, đòi hỏi những giải pháp cụ thể để "cởi trói" cho thị trường hoạt động thử nghiệm.

Hiệu quả từ mô hình mới

Từ nhiều năm nay, yêu cầu về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm luôn là đòi hỏi bức thiết của người tiêu dùng, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, với các rào cản kỹ thuật trong thương mại đòi hỏi Việt Nam phải mở cửa cho các hoạt động đánh giá một sản phẩm xuất khẩu nói chung, vật tư nông nghiệp, thực phẩm nói riêng, phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn. Nhưng khó khăn là, năm 2007, cả nước mới có Quacert là trung tâm đánh giá phù hợp tiêu chuẩn của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và một số phòng thử nghiệm của Nhà nước.

Trong bối cảnh đó, Công ty cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert ra đời, là mô hình tổ chức chứng nhận được thành lập đầu tiên tại Việt Nam hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, với các hoạt động chính là đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; đánh giá chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn, hợp quy; thử nghiệm chất lượng hàng hóa, đánh giá chứng nhận Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP)…

Chủ tịch HĐQT Công ty Vinacert Nguyễn Hữu Dũng cho biết: Để đủ điều kiện hoạt động chứng nhận theo chuẩn mực quốc tế, VinaCert đã hợp tác với tổ chức ABS-QE của Hoa Kỳ trong đào tạo, hướng dẫn đánh giá hiện trường suốt trong ba năm (từ 2007 đến 2010), trong đó có các hoạt động đánh giá theo các tiêu chuẩn ISO 909, 14000, HASAP, ISO2000… Sau đó, VinaCert được Hiệp hội Công nhận Phòng thử nghiệm Hoa Kỳ (A2LA) - thành viên của Hiệp hội Công nhận Phòng thí nghiệm quốc tế ILAC, công nhận là đủ năng lực theo Tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025:2005. VinaCert còn được Tổ chức công nhận Quốc tế JAS-ANZ (Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân) - thành viên sáng lập Diễn đàn Công nhận quốc tế (IAF) công nhận đủ năng lực theo tiêu chuẩn quốc tế: ISO/IEC 17021-1:2015; ISO/IEC 17065:2012; ISO/TS 22003:2013 cho hoạt động chứng nhận. Vì vậy, số lượng sản phẩm được VinaCert chứng nhận hợp quy cũng tăng nhanh theo thời gian. Thông qua hoạt động đánh giá chứng nhận hợp quy đối với khách hàng là các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi trên cả nước, VinaCert đã phát hiện, kiến nghị nhiều vấn đề thiết thực cho công tác quản lý chất lượng sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

Xã hội hóa hoạt động thử nghiệm, chứng nhận

Khi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết có hiệu lực, việc kiểm soát hàng hóa thông qua hàng rào kỹ thuật sẽ càng được chú trọng hơn, bởi nhu cầu thử nghiệm, kiểm định chất lượng hàng hóa ngày càng lớn. Tuy nhiên, để "cởi trói" cho thị trường hoạt động thử nghiệm vốn còn non trẻ, cần thêm những giải pháp huy động nguồn vốn từ xã hội.

Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thử nghiệm sẽ đem lại lợi ích nhiều hơn cho chính các phòng chứng nhận thử nghiệm, bởi vừa thêm nguồn thu, vừa đưa hoạt động này trở về đúng nghĩa cung cấp dịch vụ, từ đó các phòng thử nghiệm tự hạch toán đầy đủ trên cơ sở cạnh tranh chất lượng dịch vụ một cách công bằng; như vậy lĩnh vực thử nghiệm của Việt Nam mới có cơ hội phát triển lành mạnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Xuân Dương, muốn xã hội hóa thành công, các cơ quan quản lý nhà nước phải bảo đảm công bằng cho các phòng thử nghiệm. Việc lựa chọn các phòng thử nghiệm phục vụ hoạt động quản lý nhà nước phải dựa trên cơ sở năng lực thực tế chứ không dựa trên hình thức sở hữu. Cần quy hoạch số lượng phòng thử nghiệm tham gia mỗi lĩnh vực quản lý phù hợp nhằm tạo động lực cạnh tranh, môi trường cho phát triển. Hơn nữa, các phòng thử nghiệm cần quan tâm hơn đến chế độ đãi ngộ cho thử nghiệm viên, nếu không thì sẽ rất khó có được những thử nghiệm viên chuyên nghiệp, có tâm, gắn bó lâu dài với nghề. Trong khi đó, điều quan trọng cần thay đổi đối với các phòng thử nghiệm là phải chuyển từ tư duy phục vụ sang dịch vụ. Thay vì trông chờ sự bao cấp của Nhà nước, các phòng thử nghiệm phải lấy khách hàng là trung tâm. Hơn nữa, các phòng thử nghiệm cần liên kết, trao đổi thông tin chặt chẽ, hoàn thiện quy trình giám sát, cải tiến liên tục các hệ thống quản lý chất lượng đúng với chuẩn mực quốc tế.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/33519702-xa-hoi-hoa-cong-tac-chung-nhan-thu-nghiem-vat-tu-nong-nghiep-an-toan-thuc-pham.html