Xã hội hóa công tác cai nghiện

Theo thống kê, toàn quốc hiện có trên 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng hơn gấp đôi so với năm 2000, trong đó có tới 75% người sử dụng ma túy tổng hợp. Đáng lo ngại là công tác điều trị nghiện ma túy tập trung, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hiệu quả rất thấp khi có tới 90% người tái nghiện sau cai.

Những vướng mắc, bất cập trên xuất phát ngay từ công tác cai nghiện tập trung. Hiện, cả nước có 102 cơ sở cai nghiện ma túy (97 cơ sở cai nghiện công lập và 15 cơ sở cai nghiện ngoài công lập), công suất theo thiết kế đảm bảo cai nghiện cho 50.082 người. Nhưng trên thực tế, cơ sở vật chất và nhân lực tại các cơ sở này chỉ đáp ứng khoảng 20 - 30% số người nghiện ma túy.

Trước áp lực rất lớn của các cơ sở cai nghiện công lập và yêu cầu kiểm soát số người nghiện trong thực tế, những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cai nghiện. Ngoài lực lượng chủ công là các cơ sở cai nghiện công lập thì các cơ sở cai nghiện dân lập từng bước được hình thành, góp sức cùng Nhà nước đẩy lùi và kéo giảm số người nghiện ma túy.

Nhà nước đã cấp phép cho 23 cơ sở cai nghiện tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập. Hằng năm, các cơ sở này tiếp nhận và cai nghiện cho khoảng hơn 4.000 lượt người và đến nay, tổ chức cai nghiện cho trên 43.000 lượt người, góp phần giảm hàng trăm tỷ đồng chi phí lập hồ sơ và đưa vào cai nghiện bắt buộc.

Tuy nhiên, hiện nay, người cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện tự nguyện không được bất cứ hỗ trợ nào từ ngân sách như ở các cơ sở cai nghiện công lập. Vì vậy, mô hình này đang dần “teo tóp”. Đến cuối tháng 5-2020, chỉ còn 16 cơ sở cai nghiện tự nguyện hoạt động với 746 người đang cai nghiện.

Cục Phòng chống tệ nạn xã hội thừa nhận, chính sách xã hội hóa công tác cai nghiện mới chỉ dừng lại ở chủ trương, chưa biến thành cơ hội hoặc tăng nguồn lực cho nhà đầu tư, khiến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp không mặn mà. Do vậy, để nhân rộng mô hình hỗ trợ cai nghiện tự nguyện cần có chính sách đủ mạnh khuyến khích các tổ chức cai nghiện dân lập.

Với quan điểm người sử dụng trái phép chất ma túy hoặc người nghiện ma túy được xem là người bệnh và cần có giải pháp giúp đỡ, thay vì coi là đối tượng tệ nạn xã hội, cần cách ly khỏi cộng đồng như trước kia. Rõ ràng, xã hội hóa công tác cai nghiện là xu thế tất yếu nhằm giảm mục tiêu đẩy lùi, hạn chế người nghiện ma túy và gánh nặng cho ngân sách Nhà nước

Chính vì vậy, dư luận đánh giá cao dự thảo Luật Phòng chống ma túy sửa đổi sắp trình Quốc hội xem xét đã bổ sung các quy định cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện dưới hình thức hợp đồng cung cấp dịch vụ cai nghiện giữa người nghiện với các cơ sở này. Trong đó, việc bổ sung thêm chính sách ưu tiên cho xã hội hóa công tác cai nghiện; mở rộng các hình thức cai nghiện tự nguyện để người nghiện lựa chọn, ngoài các cơ sở cai nghiện tư nhân còn có hình thức cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng.

Nhưng để chủ trương xã hội hóa công tác cai nghiện đi vào đời sống, nhiều chuyên gia pháp luật đề nghị chính sách hỗ trợ phải cụ thể và rõ ràng hơn như vốn vay ưu đãi, miễn giảm thuế, giao đất không thu thuế... Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước cần thực hiện công khai, minh bạch để các tổ chức, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận các nguồn lực một cách bình đẳng, cùng Nhà nước cung cấp ngày càng tốt hơn các dịch vụ can thiệp dự phòng, can thiệp giảm hại, can thiệp phục hồi, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xa-hoi-hoa-cong-tac-cai-nghien-post433733.html