Xã hội hóa công tác cai nghiện: Còn nhiều khó khăn

Tình trạng 90% người nghiện ma túy tái nghiện sau cai cho thấy hiệu quả công tác cai nghiện ma túy hiện chưa cao mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực. Hiện tại, cả nước có gần 230.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó người sử dụng ma túy tổng hợp chiếm 70-75%. Người sử dụng ma túy tổng hợp thường bị loạn thần, dẫn đến những hành vi tiêu cực thậm chí nguy hiểm cho cộng đồng.

Do vậy, yêu cầu đặt ra với các phương pháp điều trị, cai nghiện ma túy trong tình hình mới là giúp đỡ người nghiện ổn định tinh thần, hình thành ý chí, đồng thời nhân rộng mô hình hỗ trợ cai nghiện tự nguyện dựa vào gia đình, cộng đồng. Thực tế, không ít các trung tâm cai nghiện xã hội hóa này đã chứng minh được hiệu quả, nhưng để nhân rộng vẫn đang gặp không ít khó khăn.

Đánh giá về con số 90% người nghiện ma túy tái nghiện sau cai, TS Nguyễn Hoài Hương, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI) cho rằng không có gì bất thường. Theo lý giải của TS Nguyễn Hoài Hương thì việc tái nghiện không đơn thuần chỉ dựa vào cơ chế gây nghiện hay đặc điểm, điều kiện của người nghiện mà phụ thuộc rất nhiều vào việc cộng đồng tại nơi người nghiện sinh sống có hỗ trợ, giúp đỡ họ hay không. Sự kỳ thị của cộng đồng cũng là tác nhân dẫn đến việc người nghiện tái nghiện.

Hiện, SCDI đang triển khai mô hình thí điểm “Tăng cường hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi với người tham gia cai nghiện” ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Mô hình này có sự phối hợp chặt chẽ giữa công an với điều phối viên, nhân viên tư vấn và hỗ trợ hồi phục. Mục tiêu của mô hình nhằm tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật, y tế, xã hội, cộng đồng trong hỗ trợ tiếp cận và tuân thủ các dịch vụ y tế, xã hội, pháp lý phù hợp với người sử dụng ma túy tại cộng đồng.

“Việc thực hiện mô hình này giúp đạt được hiệu quả điều trị nghiện cao nhất, giảm tỷ lệ tái nghiện và vi phạm pháp luật; giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ở người nghiện ma túy”, TS Hương cho biết.

Ông Lê Trung Tuấn, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) chia sẻ, việc cai nghiện ma túy thành công phần lớn phụ thuộc vào ý chí, sự quyết tâm của học viên. Gia đình đóng góp một phần không nhỏ vào sự thành công của học viên. Vì vậy, trong suốt quá trình trị liệu, luôn có những hoạt động chia sẻ giữa chuyên gia trị liệu và thân nhân của học viên nhằm gắn kết lại mối quan hệ trong gia đình đã trở nên lỏng lẻo bởi ma túy.

Xã hội hóa cai nghiện sẽ giúp người nghiện có nhiều sự lựa chọn hơn. Ảnh minh họa.

Xã hội hóa cai nghiện sẽ giúp người nghiện có nhiều sự lựa chọn hơn. Ảnh minh họa.

“Với sự phát triển mạnh mẽ và đa dạng của các loại ma túy mới gây ra những tổn thương nghiêm trọng về tâm thần cho người sử dụng. Viện PSD đã liên kết với Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương để chuyển gửi những trường hợp có rối loạn tâm thần sang điều trị. Sau khi học viên điều trị ổn định tại bệnh viện sẽ được chuyển về để tiếp tục tham gia trị liệu chống tái nghiện ma túy”, ông Tuấn cho biết.

Tại dự thảo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Bộ Công an cho biết, hiện nay có 23 cơ sở cai nghiện tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập được cấp phép nhưng 7 cơ sở đã ngừng hoạt động. Có 2 cơ sở quy mô tiếp nhận dưới 60 lượt người/năm và 13 cơ sở trên 100 lượt người/năm. Tính bình quân hàng năm các cơ sở này đã tiếp nhận khoảng hơn 4.000 lượt người.

Hiện nay, phần lớn các cơ sở cai nghiện đã chuyển đổi theo Đề án 2596 về đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 nên chất lượng dịch vụ có phần được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế vì chất lượng nguồn nhân lực chưa được cải thiện, tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp tăng rất nhanh trong khi đa số cán bộ chưa có kinh nghiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu về quản lý, điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp, chất hướng thần. Biện pháp cai nghiện này hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện của bên cung cấp dịch vụ và bên mua dịch vụ. Nhà nước tạo hành lang pháp lý và thực hiện các hỗ trợ khi cần thiết.

Tuy nhiên, hiện nay người cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện do các tổ chức cá nhân thành lập không được bất cứ hỗ trợ nào từ ngân sách như ở các cơ sở cai nghiện công lập và ngoài công lập và đến nay chưa có cơ sở cai nghiện ngoài công lập nào được hỗ trợ, trong khi đây là lĩnh vực đầu tư mang tính xã hội, lợi nhuận không hấp dẫn nhà đầu tư. Vì vậy, mô hình này chưa phát huy được hiệu quả cao.

Chính vì vậy, Bộ Công an đã đề xuất bổ sung các nội dung nhằm tăng cường một bước công tác cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc. Trong đó, đối với cơ quan nhà nước, cần có quy định cụ thể về chế độ, chính sách trong công tác cai nghiện, đặc biệt là chính sách khuyến khích các tổ chức cai nghiện dân lập và cần một cơ chế quản lý chặt chẽ các cơ sở cai nghiện dân lập cho phù hợp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nghiện.

Từ đó sẽ giúp người nghiện có nhiều lựa chọn hơn, chế độ chính sách tốt hơn trong việc cai nghiện để trở thành người có ích cho xã hội, tái hòa nhập lại cuộc sống xã hội.

P.Hoạt - Ng.Hương

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/xa-hoi-hoa-cong-tac-cai-nghien-con-nhieu-kho-khan-553857/