Xã hội hóa chăm sóc sức khỏe người cao tuổi - bước đi hợp xu hướng

Hiện tại, người cao tuổi (NCT) nghèo sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa ít có khả năng tiếp cận được tới dịch vụ chăm sóc cần thiết. Vì vậy cũng tạo thách thức lớn trong chăm sóc sức khỏe cho NCT.

Đại diện Tổng cục Dân số cũng đưa ra các nhóm giải pháp về chăm sóc sức khỏe NCT trong thời gian tới, như phát triển mạnh mẽ hệ thống chuyên ngành lão khoa trong các cơ sở y tế. Khuyến khích phát triển các cơ sở chăm sóc NCT; cơ sở cung cấp các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, văn hóa, giải trí của NCT. Sắp xếp lại hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội công lập theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, tạo lập môi trường thân thiện, hòa nhập giữa các nhóm đối tượng và với xã hội.

Theo số liệu của Tổng Cục Dân số-kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tại Việt Nam, 65,7% NCT sống ở nông thôn là nông dân, làm nông nghiệp, thu nhập thấp và bấp bênh. Trong số này, có tới 73% không có lương hưu, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, sống phụ thuộc vào con cái. Số NCT được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội rất thấp nên nhiều người sức khỏe kém vẫn phải tự lao động kiếm sống hàng ngày; tỷ lệ người nghèo ở NCT là 23,5%.

 Hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT trên thế giới đều dựa vào các dịch vụ tư nhân, để giảm gánh nặng cho Nhà nước và xã hội. Ảnh: N. Đăng

Hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT trên thế giới đều dựa vào các dịch vụ tư nhân, để giảm gánh nặng cho Nhà nước và xã hội. Ảnh: N. Đăng

Theo TS Lê Xuân Cừ (ĐH Lao động và Xã hội Hà Nội), dù có tuổi thọ trung bình khá cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của NCT Việt Nam lại khá thấp (chỉ khoảng 64 tuổi). Đặc biệt, có 67,2% NCT có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu, nhiều người mắc bệnh nan y; khoảng 95% NCT bị bệnh mãn tính nhưng chỉ 60% trong số đó có thẻ bảo hiểm y tế.

Theo Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền, việc bố trí kinh phí hoạt động cho các cấp hội người cao tuổi, khám chữa bệnh định kỳ đã được quy định trong Luật Người cao tuổi nhưng nhiều địa phương quên hẳn việc này; không dành không gian, quỹ đất cho các hoạt động văn hóa, thể thao của người cao tuổi...

Việc tiếp cận các dịch vụ y tế và xã hội của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn cũng tạo thách thức lớn trong chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, một bộ phận lớn người cao tuổi vẫn phải tự mưu sinh kiếm sống; nhiều người già chưa được tư vấn chăm sóc sức khỏe, chưa được người thân quan tâm; vẫn còn người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa, đang rất cần sự quan tâm giúp đỡ từ Nhà nước, gia đình và cộng đồng.

Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, GĐ Trung tâm chăm sóc NCT Bách Niên Thiên Đức cho biết, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT trên thế giới đều dựa vào các dịch vụ tư nhân, để giảm gánh nặng cho Nhà nước và xã hội. Theo ông Ngọc, Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm hoạt động và tổ chức các cơ sở chăm sóc NCT của các nước tiên tiến. Hiện NCT đang sống trong các cơ sở chăm sóc phải tự chi trả kinh phí do không có bảo hiểm xã hội là một trong những khó khăn không nhỏ, ông Ngọc cho rằng Nhà nước cần có cơ chế thu hút các tổ chức, cá nhân trong xã hội chung tay xây dựng các trung tâm chăm sóc NCT có chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng phòng Chính sách bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, thực hiện Luật NCT, Chương trình hành động quốc gia về NCT giai đoạn 2012-2020, Bộ LĐ-TB&XH đã hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện chế độ chính sách kịp thời đối với NCT; hướng dẫn các cấp, các ngành có liên quan tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến NCT, triển khai Luật NCT và chương trình hành động quốc gia về NCT, lồng ghép bằng nhiều hình thức phong phú, tác động tích cực đến nhận thức của cộng đồng về chăm sóc, phụng dưỡng cũng như phát huy tốt vai trò NCT.

Số lượng NCT hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng khoảng 1.634.367 người, khoảng 10.000 NCT đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để chăm sóc tốt cho NCT, Nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức và gia đình về trách nhiệm kính trọng, giúp đỡ, chăm sóc và phát huy vai trò NCT; sắp xếp lại hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội công lập theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, tạo lập môi trường thân thiện, hòa nhập giữa các nhóm đối tượng và với xã hội.

Đồng thời ưu tiên đầu tư nguồn lực Nhà nước và huy động nguồn lực xã hội phát triển các cơ sở cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản bảo đảm các nhóm dân số đặc thù như trẻ em, người khuyết tật, người bị di chứng chiến tranh, đồng bào dân tộc ít người, người di cư.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/xa-hoi-hoa-cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi-buoc-di-hop-xu-huong-164712.html