Xã hội hóa âm nhạc: Loạn gameshow (Kỳ 3)

Khi các chương trình truyền hình được xã hội hóa để dàn dựng, phát sóng, thì đi kèm theo nó là những lợi ích của các nhà tài trợ. Âm nhạc là môn nghệ thuật được coi là đắt người xem nhất hiện nay, những gameshow âm nhạc chiếm được lượng người xem cao hơn rất nhiều so với những môn nghệ thuật khác. Chính điều này đã khiến cho nhiều nguồn lực tập trung vào những chương trình âm nhạc để thu hút người xem.

Huy động được nhiều nguồn lực…

Có thể nói, việc xã hội hóa các chương trình âm nhạc đã có những mặt tích cực như huy động được nguồn lực sáng tạo, nguồn lực vật chất từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia vào quá trình sản xuất các chương trình nhằm giảm bớt áp lực cho các đài về nhân lực, phương tiện kỹ thuật, tài chính với mục đích cuối cùng là cung cấp những chương trình ngày càng đa dạng, phong phú và hấp dẫn phục vụ khán giả, góp phần làm phong phú đời sống âm nhạc, đáp ứng nhu cầu giải trí thưởng thức ngày càng cao của khán giả.

Không thể phủ nhận nhờ có những chương trình âm nhạc đa dạng mà khán giả có thể được nghe lại những ca khúc vượt thời gian với cách hòa âm mới. Ví dụ như chương trình “Giai điệu tự hào” của đài VTV nhận được sự quan tâm của cả người lớn tuổi lẫn giới trẻ. Mang ý nghĩa là nhịp cầu nối giữa các thế hệ, chương trình đã góp phần lan tỏa tình cảm thiêng liêng với quê hương đất nước, niềm tự hào của dân tộc qua các tác phẩm âm nhạc kinh điển. Hay chương trình “Bài hát hay nhất” nhằm phát hiện và bồi dưỡng những nhạc sỹ trẻ…

Gameshow âm nhạc “đè bẹp” các chương trình nghệ thuật khác trên sóng truyền hình. ảnh: BTC

Gameshow âm nhạc “đè bẹp” các chương trình nghệ thuật khác trên sóng truyền hình. ảnh: BTC

Còn đối với thị trường âm nhạc, các chương trình đã góp phần cung cấp những gương mặt cho nghệ thuật biểu diễn. Nhiều ngôi sao được phát hiện và trở thành những tài năng âm nhạc từ những gameshow. Trong vài năm trở lại đây, đã xuất hiện một thế hệ nghệ sỹ trẻ tài năng và đa năng vừa sáng tác vừa biểu diễn, góp phần định hình và khẳng định một nền nhạc trẻ Việt vừa có khả năng thu hút khán giả, vừa có khả năng hội nhập và bắt kịp với khu vực và thế giới.

Cùng với các chương trình gameshow, các chương trình về âm nhạc góp phần không nhỏ trong việc tạo nguồn thu, duy trì tăng trưởng cho các đài truyền hình, để từ đó có kinh phí và cơ sở vật chất để đầu tư cho những chương trình lớn thực hiện nhiệm vụ chính trị với nội dung hấp dẫn, quy mô hoành tráng, hiệu quả tuyên truyền cao hơn. …nhưng tầm thường hóa thẩm mỹ âm nhạc

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân cho rằng, cơ quan nhà nước cần có những biện pháp chặt chẽ trong khâu quản lý âm nhạc từ sáng tác, biểu diễn, quảng bá, tuyên truyền, chú ý tới việc thực thi bản quyền tác giả; cần khuyến khích đầu tư có trọng điểm vào việc sáng tác và phổ biến tác phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật trên các phương tiện truyền thông đại chúng; cần có những chương trình hướng dẫn phổ cập âm nhạc đến đông đảo quần chúng dưới mọi hình thức; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước thực hiện xã hội hóa các hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Đối với các cơ quan truyền thông đại chúng, cần nêu cao ý thức trách nhiệm nghề nghiệp, tránh tình trạng vì quan niệm xã hội hóa mà quảng cáo cho những sản phẩm âm nhạc kém chất lượng trên các phương tiện thông tin đại chúng như tivi, radio, internet…

Hiện nay, ước tính có gần 100 gameshow giải trí đang thao túng trên các sóng truyền hình phát sóng cả ngày lẫn đêm khiến cho khán giả bị cuốn vào “cơn lốc” gameshow. Các gameshow ca nhạc gồm Sao Mai điểm hẹn, Giọng hát Việt, Thần tượng âm nhạc, Solo cùng Bolero, Thần tượng Bolero, Hãy nghe lời hát, Hát vui vui hát, Gương mặt thân quen, Ngôi sao phương nam, Người hóa thân số 1, Ca sỹ giấu mặt, Biến hóa hoàn hào, Ai tỏa sáng, Kỳ phùng địch thủ, Tuyệt chiêu siêu diễn. Không chỉ người lớn mà trẻ em cũng bị cuốn vào cơn lốc này như Giọng hát Việt nhí, Gương mặt thân quen nhí, Thần tượng âm nhạc nhí…

Nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long cho biết, theo bảng giá công khai của Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam, mức giá đối với quảng cáo 30 giây trên VTV3 đối với gameshow Hòa âm ánh sáng là 300 triệu đồng, Thần tượng âm nhạc Việt Nam là 260 triệu đồng, Thần tượng Bolero là 250 triệu đồng… Nếu cứ tính theo mức giá quy định, mỗi tập phát sóng doanh thu từ quảng cáo lên đến hàng chục tỷ đồng.

Đó cũng là lý do phim truyền hình bắt đầu vơi dần đi một nửa trên sóng truyền hình. Ngoại trừ Đài truyền hình Việt Nam còn giữ vững thương hiệu và không bị cơn sóng gameshow nhấn chìm, còn lại hầu hết các Đài truyền hình cả nước đều bị ảnh hưởng. TFS đã ngưng làm phim từ tháng 5/2015, và mặc dù HTV có nhiều phim đã làm xong nhưng do không có quảng cáo nên phải nằm chờ trong kho. Các công ty lớn trước nay vẫn là chủ lực sản xuất phim truyền hình như Sóng vàng, MT Picture, Sao thế giới… đã giảm số đầu phim xuống ½. Bởi hiện nay phim Việt không còn được chú ý như trước, lượng quảng cáo không đổ về phim nữa, mà chỉ đổ về gameshow.

“Giữa gameshow và các môn nghệ thuật khác không phải là một cuộc chiến nữa mà nó chiếm vị trí độc tôn trên truyền hình. Thời sân khấu vàng son, khán giả rất chịu khó đến rạp để được thưởng thức nghệ thuật còn hiện nay gameshow biến khán giả xem theo cách giải trí. Giờ khán giả tới sân khấu xem là phải vui, phải hài, nếu không đáp ứng được những yếu tố đó, họ sẽ không tới. Với sự ảnh hưởng khủng khiếp như thế thì gameshow thực sự rất đáng báo động”, ông Ngô Ngọc Ngũ Long nhận xét.

Theo nhà phê bình Nguyễn Ngọc Ngũ Long, muốn nâng cao thị hiếu nghe nhạc của công chúng, đầu tiên là phải đào tạo lực lượng khán giả cho âm nhạc hàn lâm, âm nhạc dân tộc. Âm nhạc dân tộc còn là cơ sở để giáo dục lòng yêu nước, tình thần dân tộc. Còn theo PGS.TS, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, mặc dù thấy được vai trò, tính thiết thực của mô hình xã hội hóa, nhưng riêng đối với văn học nghệ thuật, quá trình xã hội hóa không hề đơn giản, nhất là trong hoạt động sáng tác và biểu diễn âm nhạc.

Theo nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, những năm gần đây, kinh tế thị trường đã tác động mạnh đến hoạt động biểu diễn nghệ thuật từ khâu sáng tác, dàn dựng đến biểu diễn, phương thức quản lý cho đến chế độ chính sách đối với các đơn vị biểu diễn. Dưới tác động của quy luật kinh tế thị trường, ngành nghệ thuật biểu diễn đã vấp phải những khó khăn thách thức và không tránh khỏi những thiếu sót, lệch lạc.

Quy luật giá trị đã phát huy tính năng động trong hoạt động biểu diễn thì lợi nhuận tối đa và tính chất thương mại hóa nghệ thuật trở thành mục tiêu kiếm sống, làm giầu cho một số nghệ sỹ và đơn vị nghệ thuật. Họ tổ chức những chương trình nghệ thuật chạy theo mục đích thương mại tầm thường nhằm phục vụ số khán giả nhiều tiền nhưng kém về thị hiếu. Kết quả là sinh ra những tác phẩm chiều lòng khán giả như những “Bổn cũ” độc hại của dòng nhạc trước 1975 tại các đô thị miền Nam, và gần đây là dòng nhạc Bolero.. Điều nghịch lý là những loại chương trình này lại được một bộ phận công chúng đón nhận và sẵn sàng bỏ tiền nhiều để mua vé giá cao. Hiện tượng này khiến môi trường văn hóa bị rối loạn và thước đo về giá trị nghệ thuật bị “lệch chuẩn”.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/xa-hoi-hoa-am-nhac-loan-gameshow-ky-3-85922.html