Xã hội đầy bà mẹ ghê gớm hơn phim, không thích xem thì tắt tivi

Tôi thấy ngoài đời có những bà mẹ còn khủng khiếp hơn nhiều, bà Bích bà Hoài trên phim đã là gì.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của bạn đọc

Phải nói rằng bạn Thu Hương đã có bài phân tích rất kỹ lưỡng về hình ảnh các bà mẹ quái đản trong hai phim truyền hình Việt đang phát sóng là Hãy nói lời yêuHương vị tình thân. Tôi đồng tình với bạn là cùng thời điểm xuất hiện khá nhiều bà mẹ có phần không bình thường trên sóng đôi khi khán khán giả ức chế. Tuy nhiên nếu xem phim một cách vô tư, theo dõi phim kỹ càng lại thấy các nhân vật bà mẹ trên phim rất đời.

Nhân vật bà Bích trong 'Hương vị tình thân'.

Đầu tiên là nhân vật bà Bích - mẹ nuôi của Nam trong Hương vị tình thân. Đó là một bà mẹ có nhiều khiếm khuyết, thậm chí thực dụng và xấu tính nhưng phải nói nhân vật được xây dựng rất gần gũi đời thường và thực tế. Đúng là bà Bích sống với Nam từ nhỏ nhưng hiển nhiên, con nuôi thì không bao giờ được yêu quý bằng con ruột, nên chuyện bà Bích phân biệt đối xử với Nam và Diệp là đương nhiên. Đã thế, khi còn sống, chồng bà cưng chiều Nam thậm chí còn hơn con đẻ, bà Bích nảy sinh sự ghen tức đố kỵ là đương nhiên.

Nhân vật này cư xử đúng là nhiều chỗ thái quá thật nhưng cũng có lúc bà ấy thể hiện tình cảm rất chân thành với Nam, dù không dứt ruột đẻ ra, nhất là khi khi về nhà sau khi trốn nợ, thậm chí bà còn định hát ru cho Nam dễ ngủ. Bà Bích sống trong hoàn cảnh khó khăn, thuộc tầng lớp thấp của xã hội nên cách cư xử rõ ràng không thể tế nhị hay tinh tế như người có học. Cách bà thể hiện cảm xúc và tình cảm với các con bỗ bã nhưng không phải không có tình cảm. Tôi thì nghĩ đó là nhân vật rất đời thường, có thể tìm thấy nhan nhản trong cuộc sống.

Nhân vật bà Hoài trong 'Hãy nói lời yêu'.

Còn nhân vật bà Hoài trong Hãy nói lời yêu, đúng như bạn Hương nhận xét, quả là một người phụ nữ đáng sợ, có phần "bệnh hoạn". Tuy nhiên, tôi thì lại thấy mọi hành động của nhân vật này đều có lý do và về cơ bản bà Hoài xù lông lên cũng chỉ vì bảo vệ gia đình mình đang bị đe dọa. Rõ ràng bà Hoài đã sai khi thuê người trả thù tiểu tam, khiến cô bị sảy thai. Tôi thấy hành động này quá thực tế bởi chuyện người vợ trả thù bồ của chồng nhan nhản ngoài xã hội và đăng clip trên mạng gây xôn xao tò mò. Nếu như chồng bà không đi lăng nhăng ở ngoài thì bà Hoài có hành động như vậy không? Không có lửa thì sao có khói.

Đồng ý với bạn Hương là bà Hoài áp đặt con thái quá và đáng lẽ lúc cần an ủi con gái vượt qua cú sốc đầu đời thì bà lại chọn cách thêm dầu vào lửa khiến con đau lòng hơn. Tuy nhiên tôi thấy cách cư xử của bà Hoài với các con đều xuất phát từ sự quan tâm, kỳ vọng thái quá, chỉ có điều tình cảm đặt không đúng chỗ. Chẳng phải bà ấy vẫn quan tâm chăm sóc tới chuyện học hành, ăn uống của các con sao, chỉ là cách thể hiện không được bình thường.

Tôi có chị bạn làm ngân hàng, chị ấy kể mẹ chồng chị ấy áp đặt cách nuôi dạy con khiến nhiều khi chị ấy stress cơ. Ví dụ như mẹ chồng chị ấy ra quy định rằng các cháu của bà chỉ được ăn hoa quả vào buổi sáng, buổi tối chỉ ăn cơm và tuyệt nhiên không được ăn hoa quả hay như cho bất cứ đồ gì vào tủ lạnh đều phải rửa... quả chanh, quả ớt, quả trứng... Bởi vậy tôi mới nói thực tế ngoài đời có những suy nghĩ và áp đặt của những bà mẹ còn ghê gớm hơn nhiều trên phim.

Một bà mẹ khác mà bạn Hương có nhắc đến là bà Sa trong Hương vị tình thân. Tôi cũng phải thừa nhận mẹ này quái thai thật. Nhưng những bà mẹ kiểu này ngoài đời tôi gặp rất nhiều, tất cả cũng chỉ vì muốn con gái mình có cuộc sống sung sướng, lấy được tấm chồng tử tế. Tuy nhiên đã lên phim thì cần phải tạo ra những tình huống gây chú ý, thậm chí khiến người xem tăng xông mà không thể bỏ theo dõi tập nào.

Bà Sa trong 'Hương vị tình thân'.

Quả nhiên biên kịch phim Hương vị tình thân cùng diễn viên đóng vai bà Sa đã thành công khi luôn khiến khán giả bực bội, thậm chí ghét cay ghét đắng nhân vật này mỗi khi xuất hiện và nói chuyện với con gái về chuyện yêu đương. Dĩ nhiên lên phim thì các nhân vật luôn được điển hình hóa, nhưng hãy nên đặt nó trong bối cảnh của bộ phim, đừng lên quy chụp rằng bà Bích, bà Hoài hay bà Sa là đại diện cho tất cả phụ nữ Việt.

Các bạn phản ứng càng cho thấy các bạn xem phim kỹ, chứng tỏ phim cuốn hút. Dĩ nhiên phim thì luôn cần xây dựng nhân vật và tình huống kịch tính để hút người xem nên đừng đòi hỏi nó phải giống 100% như thực tế, đây có phải phim tài liệu hay chương trình thời sự đâu. Phim là để giải trí thôi, không thích xem thì tắt tivi hoặc chuyển kênh, bức xúc làm gì cho mệt.

Bạn đọc Thảo Phương (Hải Phòng)

Nếu bạn có ý kiến, hãy gửi cho chúng tôi vào địa chỉ: banvanhoa@vietnamnet.vn. Ý kiến của bạn có thể không trùng với quan điểm của bài viết đã đăng trên VietNamNet.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/phim/xa-hoi-day-ba-me-ghe-gom-hon-phim-khong-thich-xem-thi-tat-tivi-744481.html