Xã Hà Tiến phát triển kinh tế trang trại

Những năm gần đây, kinh tế trang trại ở xã Hà Tiến (Hà Trung) đã có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Nhờ đó, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao, đưa thu nhập bình quân đầu người lên 46 triệu đồng/năm.

Trang trại tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Ngọc Nghiệm, thôn Bái Sơn, xã Hà Tiến (Hà Trung).

Xác định phát triển sản xuất là yếu tố quyết định đến kinh tế và đời sống Nhân dân, xã Hà Tiến đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi 149,68 ha đất sản xuất nông nghiệp vùng trũng thấp để đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp. Chuyển đổi 31,1 ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, xã cũng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tạo điều kiện giúp đỡ các hộ về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cách phòng trừ dịch bệnh... Hỗ trợ người dân trong ứng dụng các tiến bộ về khoa học - kỹ thuật vào phát triển kinh tế trang trại, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; đưa các con giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ tham gia chuỗi liên kết, ổn định đầu ra cho sản phẩm. Từ đó, đã giúp thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại và mang lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, nhiều trang trại đã áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đa dạng con nuôi thủy sản,... mang lại hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường. Điển hình là trang trại tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Ngọc Nghiệm, thôn Bái Sơn. Trên diện tích hơn 1 ha, ông Nghiệm xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, với tổng đàn gần 30 con và cải tạo, san lấp mặt bằng để trồng cây ăn quả. Ông Nghiệm cho biết: “Sau khi nghiên cứu kỹ địa hình, thổ nhưỡng, tham quan học hỏi nhiều mô hình trang trại tổng hợp, gia đình bắt tay vào xây dựng chuồng trại chăn nuôi; khu vực chuồng trại được thiết kế khoa học và hợp lý, sử dụng đệm lót sinh học, ấm vào mùa đông, thoáng vào mùa hè; toàn bộ nước thải được dẫn thẳng xuống hầm biogas, không gây ô nhiễm môi trường. Con giống được nhập từ các trang trại uy tín, có nguồn gốc xuất xứ, có kiểm dịch của thú y địa phương và khi nhập về trang trại tôi cũng thực hiện trình báo với chính quyền địa phương”. Được biết, doanh thu trung bình hàng năm từ mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông đạt gần 1 tỷ đồng. Không chỉ vươn lên làm giàu, ông còn chia sẻ kinh nghiệm cho người dân ở địa phương về chăn nuôi, trồng trọt.

Hiện nay, trên địa bàn xã có 72 mô hình trang trại, thu nhập mỗi trang trại đạt từ 150 triệu đồng/năm trở lên. Trong đó, nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, như: Trang trại cá lúa kết hợp chăn nuôi bò, trồng cây ăn quả, nuôi dê, ba ba, trồng cây dược liệu cà gai leo... Đại diện lãnh đạo UBND xã Hà Tiến cho biết: Bên cạnh những cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, địa phương cũng đã có chính sách khuyến khích riêng, tạo thuận lợi và thúc đẩy việc phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn.

Có thể nói, việc phát triển kinh tế trang trại đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại và mang lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm chi phí đầu tư. Để kinh tế trang trại phát triển bền vững, xã Hà Tiến sẽ tập trung rà soát đất nông nghiệp và chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Tăng cường công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế trang trại, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ trang trại được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/xa-ha-tien-phat-trien-kinh-te-trang-trai/135709.htm