Xã Hà Lĩnh đẩy mạnh phát triển kinh tế

Với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, xã Hà Lĩnh (Hà Trung) đã tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, trong đó chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân; đồng thời, đẩy mạnh phát triển công nghiệp và xây dựng các ngành nghề nông thôn.

Mô hình trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Hà Lĩnh.

Nhắc đến xã Hà Lĩnh, người ta thường nghĩ ngay đến đặc sản gạo nếp hạt cau Tiên Sơn Hà Lĩnh - loại gạo có vỏ trấu màu hạt cau khô, hạt gạo to mẩy, màu trắng ngà; khi nấu chín dẻo có mùi thơm hấp dẫn. Tuy được coi là đặc sản của địa phương, nhưng trước đây người dân chỉ trồng theo phương pháp truyền thống để phục vụ nhu cầu của gia đình vào các ngày lễ, tết... nên diện tích sản xuất phân tán, nhỏ lẻ; dẫn đến vỏ trấu đổi màu, nguy cơ thoái hóa, mai một giống. Vì vậy, để bảo tồn và duy trì đặc sản quê hương, năm 2010, xã Hà Lĩnh đã thực hiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung thâm canh giống lúa nếp hạt cau với diện tích 120 ha gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Đến nay, vùng nguyên liệu sản xuất nếp hạt cau theo tiêu chuẩn VietGAP đã mở rộng diện tích hơn 200 ha. Toàn bộ quy trình sản xuất được kiểm soát từ các khâu đầu vào, như: giống, làm đất, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...; hiệu quả kinh tế cao gấp 2 đến 3 lần so với giống lúa thường. Sản phẩm lúa nếp hạt cau Tiên Sơn Hà Lĩnh đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt chất lượng 4 sao.

Bên cạnh việc xây dựng vùng sản xuất tập trung thâm canh giống lúa nếp hạt cau; năm qua, UBND xã đã vận động người dân thực hiện tích tụ, tập trung 22 ha đất sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo chuỗi giá trị, áp dụng khoa học - kỹ thuật và chuyển đổi 49,7 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong chăn nuôi, xã luôn tạo điều kiện để người dân tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi do các đơn vị chuyên môn trong huyện tổ chức, triển khai tiêm phòng theo đúng kế hoạch đề ra. Nhờ đó, chăn nuôi trên địa bàn luôn ổn định, ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi với quy mô trang trại, gia trại. Bên cạnh đó, xã Hà Lĩnh cũng hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển mô hình sản xuất cá - lúa với tổng diện tích 350 ha, với các loại con nuôi có giá trị kinh tế cao, như: cá trắm, cá chép, cá chuối,... Để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Lĩnh đã làm tốt các khâu dịch vụ, đáp ứng nhu cầu về sản xuất nông nghiệp cho người dân; nhất là làm “cầu nối” liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp. Song song với đó, để khuyến khích người dân tham gia phát triển sản xuất, UBND xã đã tạo mọi điều kiện về mặt bằng sản xuất, thường xuyên sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, như: điện, đường giao thông,... Bên cạnh việc phát triển kinh tế nông nghiệp, xã Hà Lĩnh luôn tạo điều kiện thuận lợi, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; mở rộng hệ thống dịch vụ, xây dựng trung tâm thương mại phục vụ nhu cầu của người dân. Công tác phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn được quan tâm; các nghề như cơ khí, gò hàn, mộc dân dụng, chế tác đá mỹ nghệ hiện đang mang lại thu nhập ổn định cho người dân và tạo việc làm cho người lao động.

Đại diện lãnh đạo UBND xã Hà Lĩnh, cho biết: Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển kinh tế, đến nay, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 48,6 triệu đồng/năm. Thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích người dân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh; khuyến khích các hộ dân không có nhu cầu sử dụng đất chuyển nhượng hoặc cho thuê để tạo thành các ô thửa lớn, có điều kiện ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Mở rộng diện tích lúa nếp hạt cau thêm 100 ha. Khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, định hướng đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính của địa phương.

Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/xa-ha-linh-day-manh-phat-trien-kinh-te/132697.htm