Xa em, chiều Hương Sơn

Đúng dịp kỷ niệm 46 năm ngày Đại thắng 30/4 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tôi nhận được cuốn sách mới của nhà báo Nguyễn Xuân Lương 'Xa em, chiều Hương Sơn' (NXB Văn học, 4/2021). Tôi bất ngờ và thú vị mở sách đọc ngay: Một tập hợp 50 bài thơ của tác giả sinh năm 1936, nay đã bước qua tuổi 85.

Sách Xa em chiều Hương Sơn.

Sách Xa em chiều Hương Sơn.

Nhà báo Nguyễn Xuân Lương, hàm Vụ trưởng, bằng “tình yêu từ hai dòng sông Ngàn”, sau nghỉ chế độ đã có gần 10 năm làm Trưởng Văn phòng đại diện của Báo Bà Rịa - Vũng Tàu tại Hà Nội và khu vực phía Bắc, nhiệt thành, trách nhiệm góp phần xây dựng, phát triển tờ báo của Đảng bộ tỉnh. Logo - biểu tượng của Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đang sử dụng và một số tấm ảnh quý đang được lưu giữ tại phòng truyền thống của báo là do chính nhà báo Nguyễn Xuân Lương thực hiện từ Hà Nội. Ông đã xuất bản 12 tập sách dày dặn, với nhiều thể loại báo chí và văn học, từ các nhà xuất bản uy tín. Và lần này là tập thơ như là những trang nhật ký - cảm xúc trên chặng đường chinh chiến - đời chiến sỹ với nghề báo - nghiệp văn của ông.

Nhà văn tên tuổi Đoàn Minh Tuấn đã viết về ngòi bút tài hoa Nguyễn Xuân Lương: “Văn chương chữ nghĩa của ông giản dị mà hấp dẫn, trong sáng, cuốn hút người đọc hệt như ta “mở cửa thấy núi” thủ pháp của Đường thi - đọc câu đầu, khiến người đọc thích đọc hết cả bài”.

Nguyễn Xuân Lương là người nhiệt thành, tâm huyết, trách nhiệm, sống nghĩa tình. Người sao thì văn (và thơ) cũng thể hiện như vậy. Những bài thơ đầu tiên ông viết vào năm 1953, 1954 - khi rời quê nhà bên dòng sông Ngàn Phố, xã Phúc Đậu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh trên đường ra trận, theo lời kêu gọi đi kháng chiến của Bác Hồ. Và trong chiếc ba lô đi kháng chiến ngày ấy của anh bộ đội Cụ Hồ, ngoài vài bộ quân phục là dăm ba tập sách, cuốn sổ tay ghi chép trong những đêm hành quân không ngủ.

Nguyễn Xuân Lương nhẹ nhõm chia tay người yêu - cô gái Hương Sơn có mái tóc mượt mà thơm hương cau, hương bưởi lòng đầy nhớ nhung mà thanh thản vì nghĩa lớn: Em ơi, Tổ quốc gọi/Tiền tuyến đợi chờ/Lớp lớp lên đường/Để ngày mai đoàn tụ… (Xa em, chiều Hương Sơn, trang 23). Thơ của Nguyễn Xuân Lương thấm đậm tình quê trên đường đi đánh giặc, là quê hương, là mẹ cha - đấng sinh thành… biết mấy tự hào, là sự bình dị của nắng, mây, mưa, gió trên triền núi quê nhà, bến bãi của dòng Ngàn Phố ngàn vạn lần yêu và nhớ: Gió, quà tặng xóm làng, chẳng mất tiền mua/mà quanh năm quấn quýt/Cửa Diệc, Hói Trùa, Bến Bụt/Đẹp như mơ cao vút vi sáo diều (Gió-trang 29).

Với mẹ cha một đời tần tảo sinh thành và nuôi dưỡng cậu bé Nguyễn Xuân Lương khôn lớn trưởng thành: Lọt lòng mẹ ru tôi ầu ơ như thế/Lớn lên rảo bước mọi miền/Mới thấy tình cha nghĩa mẹ ngàn vạn lần hơn thế (Mẹ Cha - một đời tần tảo, trang 17). Trong một lần khác, tuổi đã cao, đầu đã bạc, khi về quê, bên bàn thờ tiên tổ, ông ngậm ngùi thương nhớ: Cuộc đời của cha/Tình thương của mẹ/Ngào ngạt hương đời/Lan tỏa mai sau (Bão - trang 21).

Trong quân ngũ và cả khi đã rời quân ngũ, tình đồng đội, đồng nghiệp, bạn hữu luôn ắp đầy trong trái tim chàng trai bên dòng Ngàn Phố uốn lượn hiền hòa. Tháng 5/1958, khi viếng mộ liệt sĩ không tên trên đồi A1 - chiến trường Điện Biên Phủ, ông đã nghẹn ngào nấc lên thành tiếng nhớ thương đồng đội: Đồng đội ơi, Bảo tàng lịch sử trang trọng đặt tên Anh - mộ vô danh/Có tên hoặc không tên, không tuổi/Nhưng tên anh là bất tử/Bởi anh sống mãi với nước non ngàn/Đồng đội ơi…

Nguyễn Xuân Lương là vậy! Ông đã có nhiều bài thơ với những câu thơ đẹp mượt mà về tình đồng đội như thế. Với ông, đồng đội gắn kết trong một khối, tạo nên sức mạnh bất tử. Hòa bình lập lại, thời kỳ đất nước đổi mới, trái tim ông luôn thổn thức về tình bạn, đồng đội, đồng nghiệp. Đêm giao thừa Tân Sửu - 2021, ông viết bài thơ: Hai chữ “Phúc”: Đôi bạn sinh hai làng khác nhau, nhưng chung chữ PHÚC/ Anh miệt vườn vườn Phúc Trạch, xứ bưởi thơm/bên dòng sông Ngàn Sâu/Bạn Phúc Đậu bát ngát chè xanh/bên dòng Ngàn Phố/Cùng chữ Phúc trước sau tâm đồng ý hợp/Hạnh phúc đong đầy/từ mạch nguồn Ngàn Sâu, Ngàn Phố/Đọng lại muôn đời tình đó đây (Hai chữ Phúc, trang 30). Với bài thơ này, Nguyễn Xuân Lương ngầm chuyển đi một thông điệp văn hóa về hai chữ TÂM PHÚC trong đổi nhân xử thế, trọn tình vẹn nghĩa!

Tuổi 85 xưa nay hiếm, nếu không muốn nói là rất hiếm. Nguyễn Xuân Lương vẫn đam mê học, đam mê đọc, nghĩ và viết như con ong tìm nhụy hoa thơm làm mật cho đời. Với ông nghề báo, nghiệp văn, đã trải nghiệm qua ba cơ quan báo chí lớn: Phát thanh, truyền hình, báo viết. Văn-thơ-báo quyện lại trong con người ông, như một cựu lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam đã nhận xét: “Ba trong một”, “Tuy ba mà một - Tuy một mà ba”. Nguyễn Xuân Lương là nhà quản lý báo chí nhiệt tâm, nhiều kinh nghiệm; nhà báo - nhà văn đam mê cấy cày cánh đồng chữ nghĩa. Và sau tác phẩm do NXB Văn học vừa ấn hành: “Xa em, chiều Hương Sơn”, Nguyễn Xuân Lương là một nhà thơ đích thực - đúng nghĩa của hai từ này.

QUỐC TOÀN

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/202105/xa-em-chieu-huong-son-924911/