Xã Đại Dực: Nhiều hoạt động hướng tới Tuần VH - TT các dân tộc vùng Đông Bắc

Nếu ai đó đến xã Đại Dực (Tiên Yên) vào thời gian này, thì dễ dàng nhận thấy cổng chào nhiều mầu sắc, những con đường rực rỡ hoa... Tại trung tâm xã, đội văn nghệ và đội bóng đá nữ của xã đang tích cực luyện tập để chuẩn bị phục vụ lễ hội.

Trong Tuần Văn hóa – Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ III, năm 2020 (sau đây gọi tắt là Tuần Văn hóa) diễn ra tại huyện Tiên Yên từ ngày 24/10 đến 2/11, một trong các hoạt động của Tuần Văn hóa đó là Lễ hội Mùa vàng vùng cao Đại Dực 2020 gắn với Lễ hội Văn hóa - Thể thao Sán Chỉ với địa điểm được chọn là ruộng bậc thang thôn Khe Ngàn, xã Đại Dực. Ngay từ trung tuần tháng 10, người dân các thôn bản của Đại Dực đã háo hức với nhiều hoạt động chuẩn bị cho lễ hội.

Đường vào xã Đại Dực được mở rộng nâng cấp để đón du khách về Lễ hội.

Đường vào xã Đại Dực được mở rộng nâng cấp để đón du khách về Lễ hội.

Mọi năm, Lễ hội Văn hóa - Thể thao xã Đại Dực thường diễn ra sau Tết Nguyên đán. Năm nay, huyện Tiên Yên đưa Lễ hội Văn hóa –Thể thao Sán Chỉ gắn với Lễ hội mùa vàng vùng cao Đại Dực. Đây là cách làm thay đổi hoàn toàn mới về thời gian và chủ đề lễ hội.

Tại Nhà văn hóa xã Đại Dực được xây dựng ở trung tâm xã từ năm 2006, gắn với Lễ hội Văn hóa dân tộc Sán Chỉ đầu tiên của huyện Tiên Yên được tổ chức ở Đại Dực, các thành viên trong đội văn nghệ xã đã có mặt đầy đủ để hát Soóng cọ. Ngày nay, đã có rất đông người dân xã Đại Dực biết hát Soóng cọ.

Lối hát giao duyên của bà con một thời tưởng dần bị mai một nay đã khôi phục lại tốt hơn nhiều. Từ năm 2011, huyện Tiên Yên đã thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa huyện Tiên Yên giai đoạn 2011-2015”. Huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc…Huyện cũng quan tâm việc thành lập các CLB nghệ thuật dân gian các dân tộc thiểu số và mở các lớp hát Soóng cọ… ở các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Đường vào trung tâm xã Đại Dực, hai bên đường là hoa khoe sắc.

Việc gìn giữ, bảo tồn tiếng hát Soóng Cọ thời kỳ đầu phải kể đến công lao của các già làng ở xã Đại Dực như Nghệ nhân dân gian Lỷ A Sáng, Nghệ nhân dân gian Trần Văn Sẹc. Ông Lỷ A Sáng đã thành lập một tổ văn hóa dân gian ở xã. Các thành viên của tổ văn hóa dân gian này được ông Sáng truyền dạy chữ viết, các điệu múa đặc trưng của dân tộc, nghệ thuật điều hành, thực hành lễ cầu mùa của người Sán Chỉ và hát Soóng cọ. Đội văn hóa của ông đã đi biểu diễn văn nghệ trong các lễ hội văn hóa của xã và sang giao lưu với cả các xã bạn, họ còn tham gia cả trong Lễ hội Carnaval của tỉnh. Cứ ở đâu mời là Đội văn hóa dân gian đều nhiệt tình đến đó biểu diễn, thậm chí ở cả các buổi họp thôn.

Do có thời điểm xã Đại Dực được chia làm 2 xã là Đại Dực và Đại Thành. Phía bên Đại Thành có Nghệ nhân dân gian Trần Văn Sẹc, ông cũng đã có công truyền dạy cho lớp trẻ cách hát các bài hát của dân tộc mình. Ông còn có công sưu tầm các làn điệu Soóng cọ trong đời sống của người dân huyện Tiên Yên và nhiều nơi khác trong và ngoài tỉnh. Ông còn là tác giả của 30 bài hát Soóng cọ truyền tụ trong nhân dân. Ngày nay Đại Dực đã hợp 2 xã làm một, lớp trẻ bây giờ đã nhiều người biết hát và tự truyền dạy cho nhau.

Đại Dực cũng đã ra mắt Đội bóng đá nữ Đại Dực vào tháng 9 vừa qua, với 20 thành viên. Theo chị Hoàng Thị Đạo, cán bộ văn hóa xã Đại Dực thì tuy mới thành lập, nhưng do các chị em đã chơi tự phát từ lâu rồi, do vậy chị em đá bóng đã điêu luyện. Ngày Lễ hội Văn hóa - Thể thao tới đây, chị em sẽ đá giao lưu với Đội bóng đá nữ xã Húc Động (Bình Liêu) và Đội bóng đá nữ xã Hải Sơn (Móng Cái). Từ nhiều ngày nay, chị em đã tập trung luyện tập để lấy tinh thần thi đấu cho tốt.

Ruộng bậc thang thôn Khe Ngàn - nơi diễn ra chủ đề của lễ hội năm nay ở Đại Dực.

Năm nay, ngoài các môn thể thao truyền thống như: Đẩy gậy, kéo co, chơi cầu trinh, bắn nỏ..., Lễ hội Văn hóa - Thể thao Sán Chỉ xã Đại Dực còn có môn thi mới đó là “Chạy việt dã băng qua mùa vàng” được tổ chức tại ruộng bậc thang thôn Khe Ngàn, xã Đại Dực. Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, các con đường nội đồng ở Đại Dực đều đã được bê tông hóa. Đường chạy việt dã dài khoảng 2km băng qua nhiều cánh đồng ruộng bậc thang và thôn làng mang nét rất riêng của Đại Dực ở thôn Khe Ngàn, nơi có 100% đồng bào Sán Chỉ sinh sống. Hai bên đường, những cánh đồng lúa đã chuyển màu vàng, tạo thành những bậc thang màu sắc tươi tắn, ngạt ngào mùa lúa chín.

Cũng tại một điểm ruộng bậc thang ở thôn Khe Ngàn, các thanh niên xã Đại Dực đang hối hả để dựng cho xong 2 chiếc cầu bằng vật liệu gỗ và tre. Để vào ngày lễ hội, du khách có thể lên cầu để ngắm mùa vàng ruộng bậc thang xã Đại Dực và tự chụp cho mình những bức ảnh giữa mênh mông lúa vàng.

Đại Dực mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn từ vài năm nay, giờ đây dấu ấn một thời nghèo khó chỉ còn trong ký ức, thay vào đó là một Đại Dực tràn trề sức sống với nhiều bản sắc văn hóa dân tộc đang được phát huy và hứa hẹn trở thành điểm du lịch hấp dẫn của huyện Tiên Yên.

Công Thành

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202010/xa-dai-duc-nhieu-hoat-dong-huong-toi-tuan-vh-tt-cac-dan-toc-vung-dong-bac-2505467/