Xã Cam Hòa: Khoai sáp bị dịch bệnh

3 năm qua, cây khoai sáp liên tục bị dịch bệnh khiến nông dân Cam Hòa (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) thất thu, diện tích giảm mạnh. Ngành chức năng khuyến cáo người dân nên luân canh lúa trên các khu vực trồng khoai sáp để cắt đứt nguồn lây.

Dịch bệnh hoành hành

Ông Bùi Sương là 1 trong 2 nông dân đầu tiên đưa giống khoai sáp từ huyện Diên Khánh về trồng và cũng từ đó diện tích khoai sáp nhanh chóng lan rộng ra các khu vực khác. “Nông dân lúc đó trồng bằng cách cắt củ ra giâm, không như bây giờ trồng bằng cây con. Với giá bình quân 14.000 - 15.000 đồng/kg, cao điểm 20.000 - 22.000 đồng/kg, năng suất 15 - 16 tấn/ha, nông dân có thể thu lãi 200 - 250 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa”, ông Sương nói.

 Không có nhiều diện tích khoai sáp chưa nhiễm bệnh.

Không có nhiều diện tích khoai sáp chưa nhiễm bệnh.

3 năm qua, sâu bệnh hoành hành khiến diện tích khoai sáp thu hẹp. Thời hoàng kim những năm 2011 - 2015, diện tích khoai sáp lấn át cây lúa, mở rộng tới 100 - 120ha. Tuy chưa có con số thống kê đầy đủ nhưng diện tích khoai sáp hiện nay ước chỉ còn khoảng 30ha. Không trồng được khoai sáp, nông dân quay về với cây lúa. Các cánh đồng giờ đây xanh màu xanh của lúa, nhất là tại các thôn Lập Định 1, 2, 3. Theo ông Sương, khi trồng, cây khoai sáp không bị bệnh ngay mà đến tháng thứ 3, 4, khi khoai đã hình thành củ mới đổ bệnh. Lúc này, nông dân đã mất khá nhiều tiền để đầu tư. Tình hình dịch bệnh lan rộng, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật đã lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân và có hướng khuyến cáo nông dân. Tuy nhiên, hiện nay, ruộng khoai sáp do chi cục trực tiếp thử nghiệm cũng đã bị nhiễm bệnh. Điều này cho thấy, yếu tố lây lan đã đi sâu vào đất, nước, rất khó chữa.

Được biết, khi khoai sáp “lên ngôi”, Tổ hợp tác trồng khoai sáp Cam Hòa có hướng giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm. Năm 2016, tổ phát triển thành hợp tác xã với hy vọng bao tiêu sản phẩm cho nông dân, tránh thương lái ép giá. Tuy nhiên, từ ngày thành lập đến nay, Hợp tác xã khoai sáp Cam Hòa chưa tiêu thụ sản phẩm được lần nào.

Cần có biện pháp chặn đứng nguồn lây

Xã Cam Hòa và huyện Cam Lâm xác định khoai sáp là cây thế mạnh của địa phương, cây trồng chủ lực để nông dân làm giàu. Khoai sáp cũng nằm trong danh mục phát triển mỗi xã một sản phẩm của tỉnh. Tuy nhiên, giờ đây dường như lợi thế đó không còn. Ông Phan Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Cam Hòa cho biết, việc phát triển cây khoai sáp là hướng đi đúng của Cam Hòa, vì đây là cây thế mạnh. Tuy nhiên, 3 năm qua, cây khoai sáp bị dịch bệnh làm thu hẹp diện tích. Điều địa phương quan tâm là làm sao khôi phục lại vùng trồng khoai sáp, có biện pháp hướng dẫn nông dân trồng đúng quy trình, thâm canh hợp lý, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh.

Bà Trịnh Thị Thùy Linh - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật cho hay, cây khoai sáp không thuộc quy hoạch cây trồng của tỉnh hay huyện mà hoàn toàn do nông dân tự phát từ các khu vực trồng lúa chuyển đổi. Cách đây 5 - 7 năm, việc chuyển đổi lúa sang khoai sáp tỏ ra rất hiệu quả, nhưng vài năm trở lại đây, cây khoai sáp điêu đứng do chế độ thâm canh quá cao, sử dụng nước quá nhiều dẫn tới dịch bệnh lan rộng. Năm 2018, chi cục đã lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện bệnh thối củ do nấm. Với tình hình đó, chi cục đã khuyến cáo người dân nên luân canh cây trồng giữa khoai và lúa. Hiện nay, khu vực này là vùng chuyên canh cây lúa, chưa có quy hoạch cho cây khoai sáp nên cũng không thể định hướng phát triển thành vùng chuyên canh khoai. Biện pháp hiện nay là cần tăng cường luân canh giữa lúa và khoai hay cây khác để cắt đứt nguồn lây bệnh trong đất trồng.

P.LÂM

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/201902/xa-cam-hoa-khoai-sap-bi-dich-benh-8106782/