Xã Ba Đình không bị ngập là nhờ bộ đội

Theo chỉ dẫn của anh Sỹ, chúng tôi cơ động đến điểm đê xã Ba Đình. Đi qua những đoạn đường còn ngập nước, đến nơi, chúng tôi chứng kiến hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện, Công an huyện Nga Sơn và dân quân, tự vệ, cùng các lực lượng của xã Ba Đình đang gia cố đoạn đê xung yếu...

Chúng tôi đến Ban CHQS huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) từ sáng sớm, thế mà đơn vị vắng tanh. Đồng chí trực ban tác chiến hướng dẫn tôi đến gặp Trung tá Mai Thế Sỹ, Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm Chính trị trực chỉ huy đơn vị. Qua thông tin của đồng chí Chính trị viên phó, chúng tôi được biết, hơn 90% quân số cơ quan quân sự huyện, bao gồm cả đồng chí Chỉ huy trưởng, Chính trị viên và Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện đã có mặt tại đê xã Ba Đình (huyện Nga Sơn), nơi xung yếu nhất trên tuyến đê sông Hoạt thuộc địa bàn huyện.

Cán bộ, chiến sĩ và DQTV huyện Nga Sơn gia cố tuyến đê sông Hoạt, đoạn qua xã Ba Đình.

Dân quân xã Ba Đình (huyện Nga Sơn) gia cố đê.

Thiếu tá Hoàng Văn Quý

Trung úy Nguyễn Hữu Trọng.

Theo chỉ dẫn của anh Sỹ, chúng tôi cơ động đến điểm đê xã Ba Đình. Đi qua những đoạn đường còn ngập nước, đến nơi, chúng tôi chứng kiến hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện, Công an huyện Nga Sơn và dân quân, tự vệ, cùng các lực lượng của xã Ba Đình đang gia cố đoạn đê xung yếu. Đồng chí Hoàng Thị Huệ, Chủ tịch UBND xã Ba Đình cho biết: "Mấy ngày nay, cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện liên tục có mặt, xử lý sự cố và gia cố đê, đồng thời ứng trực, tuần tra phát hiện, kịp thời xử trí sự cố ở các điểm khác. Còn giữ được đê, cả xã Ba Đình không bị ngập là nhờ bộ đội...nhất là hai tấm gương dũng cảm của Thiếu tá Hoàng Văn Quý và Trung úy Nguyễn Hữu Trọng thuộc Ban CHQS huyện Nga Sơn".

Theo giới thiệu của đồng chí Chủ tịch UBND xã, chúng tôi tìm gặp Thiếu tá Hoàng Văn Quý và Trung úy Nguyễn Hữu Trọng. Không khó lắm, vì các anh cùng đồng đội, dân quân, tự vệ đang gia cố đoạn đê này. Trước khi để chúng tôi trò chuyện, Thượng tá Dương Văn Thân, Chính trị viên Ban CHQS huyện Nga Sơn bảo: "Đồng chí Quý và đồng chí Trọng là hai sĩ quan dũng cảm. Ngày 11-10, giữa lúc nước lũ dâng cao tràn mặt đê, đê lại sụt lún gần 3/4, sắp vỡ, hai đồng chí đã đi đầu cầm búa và cọc tre đến đóng cọc, lập hàng rào giữ thân đê, chống sụt. Hành động của hai đồng chí thúc giục cán bộ, chiến sĩ, dân quân, tự vệ cùng nối nhau lội nước, ra thân đê đóng cọc, đổ đất, rọ đá giữ đê...

Thiếu tá Hoàng Văn Quý là trợ lý Ban Chính trị (Ban CHQS huyện Nga Sơn), trong công việc luôn cần mẫn. Ngay từ những ngày đầu mưa lớn, anh đã ở lại đơn vị trực phòng chống lụt bão, thiên tai. Khi có lệnh ứng cứu đê, anh lên đường ngay. Anh Quý kể: "Khi chúng tôi đến, nước lũ ngày càng dâng cao, cuồn cuộn chảy. Đê lại nứt sụt đến 3/4, nguy bách quá, nhưng ai cũng lo lắng bởi sự an toàn. Tôi nghĩ, bộ đội là phải đi trước vào nơi nguy hiểm. Thế là tôi cùng đồng chí Trọng cầm vồ, cọc tre đi trước, đóng cọc vào thân đê. Sau đó, anh em khác cùng làm theo, nhanh chóng gia cố, giữ được thân đê không bị sụp vỡ!"

Trung úy Nguyễn Hữu Trọng là nhân viên quân khí Ban Hậu cần-Kỹ thuật (Ban CHQS huyện Nga Sơn) cũng là người có mặt trực phòng chống lụt bão, thiên tai từ những ngày đầu. Anh đã thức nhiều đêm canh trực và tham gia lao động vận chuyển vật liệu gia cố đê cùng mọi người. Anh Trọng nói: "Tôi chỉ nghĩ, nếu vỡ đê là bao nhiêu ngôi nhà lại bị lũ cuốn, làng mạc chìm trong nước, đời sống nhân dân khổ cực lắm. Tôi có vất vả, chịu đói rét, mà người dân an toàn là tôi yên tâm rồi!

Bài và ảnh: HƯƠNG HỒNG THU - PHÚ SƠN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/xa-ba-dinh-khong-bi-ngap-la-nho-bo-doi-520871