X-37B giúp vũ khí Mỹ hoạt động không lo hết năng lượng

Quân đội Mỹ vừa tiết lộ những thử nghiệm mới của phi thuyền X-37B trong lần cất cánh lần thứ 6 hôm 17/5.

Vụ phóng được thực hiện lúc 9h14 ngày 17/5 (giờ địa phương) tại Trạm Không quân Cape Canaveral, Florida. Phi thuyền X-37B được phóng vào không gian bằng tên lửa Atlas V.

Theo trang Drive, trong lần cất cánh mới, X-37B sẽ tiến hành thử nghiệm hệ thống PRAM nhằm biến đổi năng lượng mặt trời thành năng lượng vi sóng và truyền về Trái Đất. Đây được gọi là năng lượng vệ tinh mặt trời giúp nhiều phương tiện và vũ khí hoạt động.

Mỹ phóng X-37B hôm 17/5.

Mỹ phóng X-37B hôm 17/5.

Để thực hiện chương trình này, một hệ thống pin mặt trời lớn sẽ được thiết lập trên quỹ đạo. Hệ thống có thể thu thập đủ ánh nắng chưa qua "bộ lọc" khí quyển để tạo ra chùm tia vi sóng mạnh.

Sau đó, trạm thu nhận dưới mặt đất sẽ chuyển chùm tia này thành năng lượng hữu ích. Ở độ cao trên quỹ đạo, hệ thống này sẽ không bị gián đoạn với ánh sáng Mặt trời. Chính vì vậy, một hệ thống pin mặt trời lớn trên quỹ đạo có khả năng cung cấp năng lượng 24/7.

Việc dùng chùm tia từ vệ tinh là cách cung cấp năng lượng cho căn cứ quân sự nước ngoài an toàn và hiệu quả hơn nhiều so với các xe tải chở nhiên liệu. Những chiếc xe với bình nhiên liệu lớn dễ cháy có thể bị tấn công rồi tiêu diệt, gây nguy hiểm đến tính mạng của nhiều người.

Trong khi đó, việc sử dụng chùm tia vi sóng truyền vô hình qua khí quyển không thể bị bắn phá như vậy. Chùm tia có thể cung cấp năng lượng cho các những máy bay không người lái quân sự, giúp chúng bay liên tục mà không cần hạ cánh để sạc.

Ngoài ra, những vũ khí cần nguồn năng lượng lớn cũng có thể sử dụng năng lượng từ PRAM trên X-37B chuyển về Trái đất.

Trước khi chính thức thử nghiệm trên X-37B, những thí nghiệm trong buồng chân không trên Trái đất với đèn giả làm Mặt trời đã cung cấp cho các nhà khoa học một số thông tin về hoạt động của thiết bị khi thử nghiệm trong không gian.

Trong chuyến bay thứ 6 này, ngoài việc thử nghiệm với PRAM, X-37B còn thử hệ thống dẫn hướng, điều khiển phi thuyền trong không gian, vật liệu chịu nhiệt và hệ thống điều khiển tự động hóa...

Từ trước đến nay, chương trình thử nghiệm của X-37B luôn thu hút sự quan tâm từ giới nghiên cứu khoa học quân sự vì tính bí ẩn của nó. Mặc dù tiết lộ một số nhiệm vụ trong lần cất cánh mới nhưng Không quân Mỹ không hề tiết vị trí của tàu vũ trụ X-37B trên quỹ đạo Trái đất.

Ngọc Hòa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/cong-nghe/x-37b-giup-vu-khi-my-hoat-dong-khong-lo-het-nang-luong-3403383/