WTO và WHO thúc đẩy mở rộng sản xuất và công bằng trong tiếp cận vaccine Covid-19

Theo thông cáo báo chí của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tại Geneva ngày 21/7, WTO và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tổ chức Đối thoại cấp cao về 'Mở rộng sản xuất vaccine Covid-19 nhằm thúc đẩy tiếp cận công bằng'.

Đối thoại cấp cao về 'Mở rộng sản xuất vaccine Covid-19 nhằm thúc đẩy tiếp cận công bằng' nhằm tăng cường sản xuất vaccine và thu hẹp khoảng cách chênh lệch lớn về tỷ lệ tiêm chủng giữa các nước giàu và nghèo.(Nguồn: Business Today)

Đối thoại cấp cao về 'Mở rộng sản xuất vaccine Covid-19 nhằm thúc đẩy tiếp cận công bằng' nhằm tăng cường sản xuất vaccine và thu hẹp khoảng cách chênh lệch lớn về tỷ lệ tiêm chủng giữa các nước giàu và nghèo.(Nguồn: Business Today)

Đối thoại có sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách cấp cao, người đứng đầu các thể chế đa phương, các nhà sản xuất vaccine, các tổ chức quốc tế tài trợ cho phát triển, các sáng kiến y tế toàn cầu và các nhà hoạt động vì sức khỏe cộng đồng.

Phiên Đối thoại này được tổ chức xác định những trở ngại và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường sản xuất vaccine và thu hẹp khoảng cách chênh lệch lớn về tỷ lệ tiêm chủng giữa các nước giàu và nghèo.

Phát biểu khai mạc Đối thoại, Tổng Giám đốc của 3 tổ chức WHO, WTO và WIPO đều nhấn mạnh thực trạng mất cân bằng nghiêm trọng trong việc phân phối vaccine trên toàn cầu và cho rằng công bằng vaccine không chỉ là sứ mệnh đạo đức và dịch tễ mà còn là nền tảng để chúng ta phục hồi tốt hơn.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, WHO cam kết tăng cường xây dựng năng lực và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia về các vấn đề liên quan đến y tế, sở hữu trí tuệ và thương mại trong ứng phó Covid-19.

Mục tiêu toàn cầu của WHO là tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số của mọi quốc gia vào tháng 9, ít nhất 40% vào cuối năm và 70% vào giữa năm sau - những cột mốc quan trọng để giúp chấm dứt đại dịch. Để đạt được những mục tiêu đó, cần 11 tỷ liều vaccine. Khẩn cấp chia sẻ vaccine là rất quan trọng để lấp đầy khoảng cách cung cấp hiện tại của chúng ta.

Về các giải pháp để tăng cường sản xuất và chia sẻ vaccine cho các nước thu nhập thấp, Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh cần phải loại bỏ các rào cản đối với việc mở rộng quy mô sản xuất, bao gồm thông qua chuyển giao công nghệ, giải phóng chuỗi cung ứng và miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ.

Đại diện cho WIPO, Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang cho biết WHO, WIPO và WTO tổ chức một loạt hội thảo nâng cao năng lực để tăng cường luồng thông tin về các diễn biến và ứng phó liên quan đến đại dịch hiện nay. Hội thảo sắp tới dự kiến vào ngày 27/9, sẽ tập trung vào chuyển giao công nghệ và cấp phép.

Đồng thời, WIPO cũng đã công bố gói hỗ trợ liên quan đến Covid-19 cho các Thành viên vào tuần trước, bao gồm 5 lĩnh vực mà WIPO có thể cung cấp hỗ trợ chuyên môn, bao gồm Hỗ trợ về Chính sách và Lập pháp cũng như Hỗ trợ Đổi mới và Chuyển giao Công nghệ. Ngoài ra, WIPO đã lập ra mạng lưới Trung tâm Hỗ trợ Công nghệ và Đổi mới hoặc TISC toàn cầu nhằm giúp chống lại đại dịch.

Tổng Giám đốc WTO bà Ngozi Okonjo-Iweala nhấn mạnh, thị trường sản xuất vẫn tập trung cao độ với khoảng 75% vaccine năm nay đến từ 5 thành viên WTO gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Đức, Hoa Kỳ và Pháp; trong khi có rất ít sự minh bạch đối với các hợp đồng vaccine hoặc thị trường đầu vào, mặc dù thị trường COVAX mới sẽ giúp khớp nhu cầu đầu vào với nguồn cung.

Tổng Giám đốc WTO cũng nhấn mạnh rằng sự không bình đẳng về tiếp cận vaccine là lý do chính cho sự phục hồi hình chữ K của nền kinh tế toàn cầu, trong đó các nền kinh tế phát triển và một số nền kinh tế khác đang vượt lên phía trước, trong khi phần còn lại tụt hậu trong bối cảnh nghèo đói, thất nghiệp gia tăng.

Nghiên cứu của WTO cũng cho thấy rằng trong số khoảng 50 hạn chế xuất khẩu của các thành viên WTO liên quan đến Covid-19 vẫn còn hiệu lực, khoảng 27 hạn chế có thể ảnh hưởng đến một số thành phần vaccine và vật liệu sản xuất. Các thành viên WTO cũng đã chuyển sang đàm phán lời văn dựa trên đề xuất miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ của Hiệp định TRIPS mặc dù tiến triển còn khá chậm do quan điểm khác nhau của các nước. WTO đang phối hợp với các tổ chức quốc tế khác (Tổ chức Hải quan thế giới - WCO, cùng với WIPO và WHO), cũng như các thể chế tài chính quốc tế (IMF, WB, OECD) để giải quyết các vấn đề liên quan đến hạn chế xuất khẩu, cắt giảm thuế quan, tạo thuận lợi thương mại và tăng cường sản xuất và phân phối vaccine, bên cạnh các vấn đề sở hữu trí tuệ.

Tại Phiên đối thoại, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm về những điểm nghẽn của chuỗi cung ứng cụ thể mà họ đang gặp phải, từ các hạn chế xuất khẩu và tình trạng thiếu nguyên liệu thô đến các quy trình quản lý khó khăn và trao đổi ý kiến về cách giải quyết những vấn đề này.

Các cuộc thảo luận cũng đề cập đến một loạt các vấn đề cần sự hợp tác quốc tế lớn hơn. Ví dụ, nhiều đại biểu lưu ý rằng sự thiếu đồng bộ trong việc công nhận các vaccine được WHO phê duyệt ở cấp độ quốc gia có thể khiến nhiều người được tiêm chủng không thể đến những nơi mà vaccine của họ không được công nhận. Về vấn đề này, họ kêu gọi các quốc gia chấp nhận tất cả các loại vaccine đã được WHO phê duyệt.

Trong khi đó, ngày 20/7, tại cuộc họp của Hội đồng Hiệp định các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), các Thành viên WTO đã nhất trí tiếp tục xem xét đề xuất tạm thời miễn trừ một số nghĩa vụ Hiệp định TRIPS trong bối cảnh Covid-19 và các đề xuất liên quan khác.

Kể từ khi Ấn Độ và Nam Phi nêu đề xuất miễn trừ TRIPS vào tháng 10/2020, các Thành viên đã thảo luận về đề xuất này tại các cuộc họp Hội đồng TRIPS chính thức và không chính thức, trao đổi quan điểm, chất vấn, yêu cầu làm rõ và cung cấp câu trả lời và thông tin. Đến nay, các Thành viên đã nhất trí đàm phán lời văn dựa trên đề xuất sửa đổi của các nước đồng bảo trợ miễn trừ TRIPS và đề xuất của EU kêu gọi giảm các hạn chế xuất khẩu, hỗ trợ mở rộng sản xuất vaccine và tạo điều kiện sử dụng các điều khoản cấp phép bắt buộc hiện hành trong Hiệp định TRIPS, đặc biệt bằng cách làm rõ rằng yêu cầu đàm phán với chủ sở hữu quyền của bằng sáng chế vaccine không áp dụng trong các tình huống khẩn cấp như đại dịch.

Việc hai đề xuất nêu trên cùng được thảo luận trong Hội đồng TRIPS phản ánh rằng các lập trường vẫn còn khác biệt. Trong khi các Phái đoàn vẫn cam kết với mục tiêu chung là cung cấp khả năng tiếp cận kịp thời và an toàn đối với vaccine và thuốc điều trị chất lượng cao, an toàn, hiệu quả và giá cả phải chăng cho tất cả mọi người, bất đồng vẫn tồn tại về vấn đề cơ bản là cách thức thích hợp và hiệu quả nhất để giải quyết tình trạng thiếu hụt và tiếp cận không bình đẳng đối với vaccine và các sản phẩm khác liên quan đến Covid-19.

Tại Phiên họp, các Phái đoàn đã thảo luận về nội hàm cụ thể của các thuật ngữ trong dự thảo như “phạm vi”, "thời hạn", "thực hiện" và "bảo vệ thông tin không được tiết lộ". Các nước đồng tài trợ đề xuất miễn trừ TRIPS đã giải thích về phạm vi đề xuất của yêu cầu miễn trừ sửa đổi bằng cách minh họa phạm vi sản phẩm và quy trình, cũng như các phần của Hiệp định TRIPS được cho là có liên quan để ứng phó với Covid-19.

Về thời hạn, các cuộc thảo luận góp phần làm rõ thời gian dự kiến của việc áp dụng miễn trừ (ít nhất ba năm).

Về quá trình thực hiện, các cuộc thảo luận tập trung vào tính minh bạch và các điều khoản để hạn chế tác động lâu dài của việc tiết lộ dữ liệu bí mật trong thời gian miễn trừ. Các thành viên cũng đề cập đến những bước cần thực hiện trong nước.

Do không thể hoàn thành việc xem xét yêu cầu miễn trừ sửa đổi, Hội đồng TRIPS sẽ tiếp tục thảo luận, thông qua tham vấn nhóm nhỏ và các cuộc họp không chính thức, tiếp đó báo cáo lại cho Đại hội đồng trong phiên họp sau.

(theo Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/wto-va-who-thuc-day-mo-rong-san-xuat-va-cong-bang-trong-tiep-can-vaccine-covid-19-152362.html