WTO tham vấn cải tổ Ban phúc thẩm Cơ quan giải quyết tranh chấp

Trong hơn 1 năm qua, Mỹ đã ngăn cản việc bổ nhiệm các thẩm phán cho Ban Phúc thẩm thuộc Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, vốn được coi là tòa án cao nhất giải quyết các tranh chấp thương mại.

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevedo phát biểu trong cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 2/4/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevedo phát biểu trong cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 2/4/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo ngày 9/12 thông báo khởi động tiến trình tham vấn về cải tổ Ban Phúc thẩm thuộc Cơ quan giải quyết tranh chấp (DBS) của WTO.

Người đứng đầu WTO cho biết các cuộc tham vấn sẽ diễn ra ở cấp người đứng đầu phái đoàn các nước thành viên.

WTO đang đứng trước thách thức về việc cải tổ hệ thống giải quyết tranh chấp khi chính quyền Mỹ trong hơn 1 năm qua đã ngăn cản việc bổ nhiệm các thẩm phán cho Ban Phúc thẩm của DBS, vốn được coi là tòa án cao nhất giải quyết các tranh chấp thương mại.

Nếu không có thẩm phán mới nào được bổ nhiệm vào trước cuối năm 2019, Ban Phúc thẩm của DBS sẽ không đủ số thành viên cần thiết là 3 thẩm phán để giải quyết các vụ việc do 2 trong số này sẽ mãn nhiệm vào ngày 10/12.

Điều này đồng nghĩa với việc Ban Phúc thẩm không thể giải quyết những tranh cãi mới sau thời hạn trên.

Phát biểu khai mạc Đại hội đồng WTO, cơ quan có quyền quyết định cao nhất WTO, ông Azevedo cho biết ông sẽ tiến hành các cuộc tham vấn cấp cao và chuyên sâu nhằm tìm hướng giải quyết cho việc bổ nhiệm các thẩm phán cho Ban Phúc thẩm thuộc DBS.

Ông nhấn mạnh một hệ thống giải quyết tranh chấp mang tính ràng buộc và công bằng và vận hành tốt là trụ cột của toàn hệ thống WTO.

Ông Azevedo nêu rõ việc Ban Phúc thẩm ngừng hoạt động không đồng nghĩa với việc ngừng giải quyết tranh chấp dựa trên các nguyên tắc tai WTO, bởi các nước thành viên có thể giải quyết những tranh cãi thông qua tham vấn, các ủy ban và một số phương thức khác được nêu trong các thỏa thuận của WTO. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến các vụ kiện bị dậm chân tại chỗ.

Liên minh châu Âu (EU), Canada và Na Uy đã nhất trí về một tiến trình đặc biệt trong việc tiếp nhận giải quyết các tranh cãi thương mại trong khi Ban Phúc thẩm ngừng hoạt động./.

Thanh Hương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/wto-tham-van-cai-to-ban-phuc-tham-co-quan-giai-quyet-tranh-chap/612339.vnp