WTO: Các cuộc đàm phán về cấm trợ cấp cho ngành ngư nghiệp đứng trước hạn chót

Các cuộc đàm phán tại WTO về việc cấm khoản trợ cấp cho ngành ngư nghiệp trị giá hàng tỷ USD đang đi đến thời điểm quyết định, khi hạn chót cho một thỏa thuận đang đến gần.

Trụ sở WTO ở Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh: Reuters

Trụ sở WTO ở Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh: Reuters

Bất đồng vẫn tồn tại, đặc biệt là về tác động của lệnh cấm đối với các nước đang phát triển, trong khi việc đánh bắt thủy hải sản quá mức tiếp tục tước đi nguồn tài nguyên cực kỳ quan trọng của các vùng biển – nguồn kiếm sống của hàng triệu người.
Các cuộc đàm phán đã bắt đầu tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 và được thúc đẩy nhờ quyết định thông qua các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc năm 2015. Cuối năm nay là hạn chót để loại bỏ các khoản trợ cấp vốn làm gia tăng tình trạng đánh bắt bất hợp pháp và không được kiểm soát.
Các cuộc đàm phán cũng xem xét cấm một số loại trợ cấp gây ra tình trạng đánh bắt quá mức, đồng thời đưa ra mức “đối xử” đặc biệt cho các nước đang phát triển và kém phát triển nhất trên thế giới. Các quốc gia thành viên WTO cho đến nay vẫn chưa đạt được thỏa thuận nhưng buộc phải hành động trước thời hạn sắp tới.

Quá trình đàm phán đã bị chậm lại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Một số quốc gia, bao gồm Ấn Độ, Sri Lanka, Indonesia và Namibia đang nghi ngờ về việc đạt được một thỏa thuận vào hạn chót.
Theo chuyên gia Ussif Rashid Sumaila của Đại học British Columbia, các khoản trợ cấp cho ngành ngư nghiệp toàn cầu đứng ở mức 35,4 tỷ USD vào năm 2018, trong đó 22 tỷ USD dành cho việc xây dựng các đội tàu đánh cá. Trong khi đó, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc đã đưa ra mức báo động ngày càng tăng về tình trạng đánh bắt quá mức.
FAO ước tính 1/3 trữ lượng cá thương mại được đánh bắt ở mức độ không bền vững về mặt sinh học trong năm 2017. Sản lượng đánh bắt thủy hải sản toàn cầu năm 2018 đạt kỷ lục 96,4 triệu tấn - tăng 5,4% so với mức trung bình trong ba năm trước, trong đó bảy nước gồm Trung Quốc, Indonesia, Peru, Ấn Độ, Nga, Mỹ và Việt Nam - chiếm gần một nửa tổng sản lượng khai thác./.

Trà My (Theo AFP)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/wto-cac-cuoc-dam-phan-ve-cam-tro-cap-cho-nganh-ngu-nghiep-dung-truoc-han-chot/178663.html