WTO bổ nhiệm Tổng giám đốc mới

Theo đúng kế hoạch, ngày 15/2, tại Geneva, Đại hội đồng WTO đã tổ chức phiên họp đặc biệt qua hình thức trực tuyến để xem xét bổ nhiệm Tổng giám đốc mới của tổ chức này. Bà Ngozi Okonjo-Iweala, một nhà kinh tế học người Nigeria và cựu Bộ trưởng Tài chính, đã sẵn sàng trở thành người phụ nữ đầu tiên và người châu Phi đầu tiên lãnh đạo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Việc bổ nhiệm Tổng giám đốc mới sẽ loại bỏ một trở ngại chính đối với hoạt động của WTO, tổ chức không thể phát huy được vai trò lãnh đạo trong thời kỳ chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và biến động kinh tế toàn cầu do đại dịch mang lại. Nhưng ngay cả với việc bà Okonjo-Iweala ở vị trí lãnh đạo và sự hỗ trợ mới của chính quyền Mỹ thời Tổng thống Joe Biden, WTO được thành lập vào năm 1995 để đảm bảo rằng thương mại trôi chảy và tự do nhất có thể, sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn xung quanh tính hiệu quả của nó như trọng tài thương mại của thế giới.

Bà Ngozi Okonjo-Iweala

Bà Ngozi Okonjo-Iweala

Các cuộc đàm phán thương mại, bao gồm nỗ lực hạn chế các khoản trợ cấp có hại dành cho ngành đánh bắt thủy sản, đã kéo dài mà không có giải pháp. Một bộ phận quan trọng của tổ chức giải quyết tranh chấp thương mại, được gọi là cơ quan phúc thẩm, vẫn bị tê liệt sau khi chính quyền Trump chặn việc bổ nhiệm nhân sự mới. Và có những chia rẽ sâu sắc về việc liệu các nước giàu và nghèo có nên được đối xử khác nhau theo các quy tắc thương mại toàn cầu hay không. Ngày càng có nhiều sự đồng thuận rằng WTO đã không xử lý được một số hành vi vi phạm kinh tế của Trung Quốc, mà nhiều người ở Mỹ coi đó là thách thức thương mại lớn nhất thế giới hiện nay. Và có sự không chắc chắn sâu sắc về việc liệu WTO có thể được cải cách lớn để giải quyết những thiếu sót đó hay không.

Wendy Cutler - cựu nhà đàm phán thương mại Mỹ và là Phó Chủ tịch tại Viện Chính sách xã hội châu Á - cho biết, có rất nhiều vấn đề cần phải cải cách. Sự ủng hộ của chính quyền Biden dành cho bà Okonjo-Iweala có thể là “một cách dễ dàng để đạt được thiện chí và khiến mọi thành viên tập trung vào các vấn đề quan trọng thực chất”.

Chính quyền Trump đã dành 4 năm qua chủ yếu chỉ trích hoặc bỏ qua vai trò của WTO, cuối cùng làm suy yếu tổ chức này bằng cách thực hiện các chính sách thương mại đơn phương ngoài ranh giới của tổ chức. Thay vì làm việc với WTO, cựu Tổng thống Donald J. Trump đã đối mặt với các đối tác thương mại như Trung Quốc và Liên minh châu Âu, triển khai các mức thuế cao mà các chính phủ đó cho là trái với các quy tắc của WTO.

Tổng thống Joe Biden có thể sẽ có một cách tiếp cận rất khác. Ông đã chỉ trích chính quyền Trump vì đã xa lánh các đồng minh và làm suy yếu hệ thống đa phương, đồng thời được cho là sẽ khiến Mỹ trở thành một bên tham gia tích cực hơn trong các nhóm quốc tế bao gồm WTO. Điều đó bao gồm việc ủng hộ ban lãnh đạo mới của tổ chức. Vào ngày 5/2, chính quyền Biden tuyên bố ủng hộ bà Okonjo-Iweala, đảo ngược những nỗ lực của chính quyền Trump nhằm ngăn chặn việc ứng cử của bà.

Cựu Tổng giám đốc WTO Roberto Azevêdo, thông báo vào tháng 5 năm ngoái về việc rời nhiệm sở sớm một năm và từ chức vào cuối tháng 8/2020. Trong khi đại đa số thành viên của WTO ủng hộ bà Okonjo-Iweala thay thế ông Azevêdo, thì các quan chức chính quyền Trump, đặc biệt là cựu đại diện thương mại Robert E. Lighthizer, đã ủng hộ ứng cử viên Yoo Myung-hee là Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc.

Vào ngày 5/2, bà Yoo đã rút khỏi cuộc đua. Và Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ tuyên bố sẵn sàng tham gia vào giai đoạn tiếp theo của quy trình WTO để đạt được quyết định đồng thuận về Tân Tổng giám đốc, nhằm tìm ra các con đường phía trước giúp đạt được cải cách thủ tục và thực chất cần thiết của WTO.

Bà Okonjo-Iweala, 66 tuổi, là một nhà kinh tế học phát triển, người đã dành 25 năm làm việc tại Ngân hàng Thế giới, bao gồm cả vị trí giám đốc điều hành, và đã phục vụ hai nhiệm kỳ với tư cách là bộ trưởng tài chính Nigeria cũng như bộ trưởng ngoại giao của nước này. Là một công dân Mỹ lấy bằng tiến sĩ tại Học viện Công nghệ Massachusetts, bà phục vụ trong hội đồng quản trị của Twitter và Standard Chartered và là cố vấn cho Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á. Cho đến gần đây, bà phục vụ trong hội đồng quản trị của GAVI, một tổ chức quốc tế phân phối vắc xin cho các nước nghèo.

Bà Okonjo-Iweala đã nói rằng, những ưu tiên hàng đầu của bà sẽ là đảm bảo dòng chảy tự do cho quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Bà đã tuyên bố sẽ thúc đẩy các hiệp định thương mại mới về thủy sản và thương mại điện tử, đồng thời kêu gọi tìm kiếm “giải pháp cho sự bế tắc trong việc giải quyết tranh chấp”. Cô cũng cho biết sẽ ưu tiên cập nhật các quy tắc thương mại, khuyến khích các thành viên minh bạch và thông báo cho nhau về những thay đổi trong chính sách đồng thời củng cố bộ máy hành chính của tổ chức.

Sau sự bổ nhiệm của bà Okonjo-Iweala, một trong những vấn đề cấp bách nhất đối với WTO rất có thể sẽ là sự tê liệt của hệ thống giải quyết các tranh chấp thương mại. Cơ quan phúc thẩm, một bộ phận của tổ chức xem xét kháng cáo của các quốc gia đối với các quyết định về tranh chấp thương mại, đã bị đóng cửa trong hơn một năm, sau khi chính quyền Trump chặn bổ nhiệm mới.

Chính quyền Trump lập luận rằng cơ quan phúc thẩm đã vượt quá thẩm quyền mà cơ quan này được tạo ra, cuối cùng tham gia vào một loại hoạt động tư pháp cắt xén luật thương mại của Mỹ, gây hại cho người lao động Mỹ và xâm phạm chủ quyền của Mỹ. Trong khi một số đảng viên Đảng Dân chủ của chính quyền Biden chia sẻ những lo ngại nhất định về những thiếu sót của tổ chức, bao gồm cả việc liệu cơ quan phúc thẩm có hạn chế bất công chính sách thương mại của Mỹ hay không. Và nhiều quan chức trong chính quyền Biden thừa nhận WTO chỉ có quyền hạn hạn chế trong việc thúc đẩy Trung Quốc thực hiện cải cách kinh tế.

Ứng cử viên của chính quyền Biden cho vị trí đại diện thương mại Mỹ là bà Katherine Tai, rất quen thuộc với cả những điểm mạnh và điểm thiếu sót của cơ quan thương mại toàn cầu, đã kiện tụng thành công các vụ kiện chống lại các hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc tại WTO dưới thời Obama, khi bà làm cố vấn chung cho văn phòng đại diện thương mại. Bà Tai đã dẫn đầu một vụ kiện pháp lý, được Canada, Nhật Bản và Liên minh châu Âu ủng hộ, đối với lệnh cấm mà Trung Quốc áp đặt đối với việc xuất khẩu nguyên liệu đất hiếm, một nguyên liệu đầu vào chính cho điện tử. Mỹ đã thắng kiện và Trung Quốc đã bỏ hạn ngạch vào năm 2015.

Mới đây, chính quyền Biden cũng thông báo đã bổ nhiệm Mark Wu, giáo sư Trường Luật Harvard, người đã viết về những thiếu sót của Tổ chức Thương mại Thế giới khi nói đến Trung Quốc, làm cố vấn cấp cao cho văn phòng đại diện thương mại. Trong một phân tích có ảnh hưởng vào năm 2016, ông Wu cho rằng WTO đã kiểm soát Trung Quốc một cách hiệu quả trong các lĩnh vực mà nó có các quy định liên quan. Nhưng đối với một số thực tiễn kinh tế nghiêm trọng nhất của Trung Quốc - đặc biệt, vai trò nổi bật của nhà nước trong ngành công nghiệp và các khoản trợ cấp dành cho các doanh nghiệp thì WTO đã không phát huy được vai trò.

WTO đang đối mặt với một thách thức: Liệu tổ chức có thể xây dựng một bộ quy tắc pháp lý có thể dự đoán được và công bằng để giải quyết các hành vi bóp méo thương mại mới hay không? Nếu không, các quốc gia chủ chốt có thể làm gì để WTO giải quyết những vấn đề này mà không làm suy yếu thể chế?

Việt Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/wto-bo-nhiem-tong-giam-doc-moi-152412.html