World Cup xa hay gần?

Năm 2001, trong một ngày giáp Tết Âm lịch, tân HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam khi đó là Siva Dido nói với một phóng viên: 'Tôi mơ cùng Đội tuyển Việt Nam tham dự VCK World Cup'. Ông nói như thế khi đứng trước câu hỏi: 'Trước thềm năm mới, ông mơ ước gì'?

Báo Indo: Đội tuyển Việt Nam đáng sợ nhất Đông Nam Á

1. Xin được nhấn mạnh là "mơ ước gì?", chứ không phải "mục tiêu gì?". Mơ ước khác mục tiêu ở chỗ, mơ ước có thể chạm vào những chỗ phi hiện thực, thậm chí có thể là siêu thực, nhưng mục tiêu thì nhất định phải liên quan đến hiện thực. Thế nên xét về mặt nguyên tắc ông Dido "mơ World Cup" cũng chẳng có gì là sai.

Tuy nhiên có thể là sau đó U.23 Việt Nam của Dido thất bại ở vòng bảng môn bóng đá nam SEA Games, và có thể cũng vì ông Dido nói nhiều quá mà làm được ít quá, nên lại có người lôi "giấc mơ World Cup" của ông ra giễu cợt. Nhưng nếu bình tĩnh nhớ lại hẳn sẽ thấy ông Dido không phải là người đầu tiên mơ cùng Đội tuyển Việt Nam vào World Cup. Trước đó, chính Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng mơ rằng, chúng ta sẽ tham dự VCK World Cup năm 2018.

Và sau này, khi lứa cầu thủ U.19 Hoàng Anh Gia Lai JMG trình làng, chơi một thứ bóng đá có thể gọi là "sướng con mắt" thì một lãnh đạo khác của VFF cũng lại nhìn vào đó để mơ World Cup. Khi có người hoạnh họe "mơ gì mà mơ lạ thế?", vị lãnh đạo VFF trả lời: Thế mới gọi là mơ! Rồi nhấn nhá thêm: Đã sống là phải mơ. Nói cho cùng, chúng ta mơ nhiều lắm, nhưng càng mơ càng thấy cái đích trong giấc mơ nó xa vời lắm.

Nhìn ra xung quanh Đông Nam Á sẽ thấy hàng loạt các nền bóng đá láng giềng của chúng ta như Thái Lan, Singapore cũng từng mơ y như mình. Mà không chỉ mơ, người Singapore còn thiết lập những dự án phát triển đặc biệt với những ông thầy Đan Mạch để thực hiện mục tiêu tham dự World Cup.

Xin nhấn mạnh, đấy là mục tiêu, chứ không phải là mơ. Nhưng kết quả là bóng đá trẻ Singapore vẫn bết bát, và những ông thầy Đan Mạch trong dự án đặc biệt này đã phải nhanh chóng ra đi. Kể từ đó đến nay, không thấy Singapore nói gì đến chuyện World Cup nữa.

Với Thái Lan - nền bóng đá anh cả Đông Nam Á trong nhiều năm thì đã có những lúc họ tin rằng mình gần World Cup lắm rồi. Đó là khi Đội tuyển Thái Lan dưới thời HLV Kiatisak đá tưng bừng ở vòng loại thứ 2 của World Cup 2018, khu vực châu Á, trong đó có trận thắng Việt Nam 3-0 ngay tại Mỹ Đình. Hồi ấy, lãnh đạo liên đoàn bóng đá Thái đưa Đội tuyển đi tập huấn đặc biệt, và đặt mục tiêu phải làm được một "cái gì đó" ở vòng loại thứ 3, vòng loại cuối cùng, với những đội bóng thuộc vào hàng đỉnh châu Á. Nhưng rốt cuộc ở vòng loại cuối cùng này, người Thái thất bại rất nhanh.

Thoạt tiên nguyên nhân thất bại được đổ hết lên đầu thuyền trưởng Kiatisak. Thế nên một lãnh đạo Liên đoàn mới không ngại đăng đàn: đã đến lúc Thái Lan cần một HLV tầm cỡ World Cup, để giúp Đội tuyển đủ sức cạnh tranh World Cup. Chia tay Kiatisak, cân lên đặt xuống hàng chục bộ hồ sơ, cuối cùng người Thái đặt niềm tin vào HLV Rajevac - người đã từng lọt vào đến tứ kết World Cup cùng Đội tuyển Ghana. Có Rajevac, người Thái tin rằng đường đến World Cup sẽ gần hơn rất nhiều.

Điều họ không bao giờ nghĩ đến đó là: Có Rajevac, Thái Lan thậm chí còn thất bại ở bán kết AFF Cup 2018 - một giải đấu trong cái ao nhà mình, và sau đó thì thua te tua ở giải vô địch châu Á. Chia tay Rajevac, Thái Lan tạm dùng thầy nội, và bây giờ thì quay sang phương án thầy Nhật Nishino. Tuy nhiên không thấy họ đặt mục tiêu Worl Cup cho thầy Nhật nữa, ít nhất là tại vòng loại World Cup 2022 mà Thái Lan đang tham dự.

2. Liệt kê lại hàng loạt những chuyện cũ, của cả Việt Nam lẫn những người láng giềng Đông Nam Á là để trở lại với một câu hỏi cho hiện tại: Bây giờ giấc mơ World Cup của chúng ta đi đến đâu rồi? Xin được trả lời ngay là có 2 chỉ dấu khiến nhiều người Việt Nam bây giờ lại nghĩ nhiều về World Cup.

Đội tuyển rất có thể sẽ tiếp tục tạo ra những cú hích về tâm lý và độ hưng phấn về khát vọng cho cả một nền bóng đá. Ảnh: L.G

Đội tuyển rất có thể sẽ tiếp tục tạo ra những cú hích về tâm lý và độ hưng phấn về khát vọng cho cả một nền bóng đá. Ảnh: L.G

Chỉ dấu thứ nhất: Đội tuyển Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của thuyền trưởng Park Hang Seo đang dẫn đầu bảng G, vòng loại thứ 2 của World Cup 2022, khu vực châu Á. Mà dẫn đầu trong một bảng có Thái Lan, có UAE, có Malaysia thì rõ ràng là oách thật. (Riêng đội còn lại trong bảng là Indonesia thì không tính, vì bóng đá Indonesia đang khủng hoảng, và Đội tuyển Quốc gia Indonesia không còn đáng sợ như vài năm trước).

Vẫn biết ở vòng loại thứ 2 này, chúng ta mới chỉ đi được hơn một nửa chặng đường, nhưng rõ ràng thắng UAE, thắng Malaysia, thắng Indonesia, và hai lần hòa với Thái Lan là những kết quả ấn tượng, cho phép người hâm mộ hy vọng vào một nửa chặng đường còn lại. Nếu có thể cải thiện khả năng phản đòn và tiếp tục chắt chiu cơ hội, "cửa" vào vòng loại cuối cùng với chúng ta là có thể. Mà đã vào đến vòng loại cuối cùng thì điều gì cũng có thể xảy ra.

Chỉ dấu thứ hai: HLV Park Hang Seo vừa ký một hợp đồng mới với VFF, và quanh bản hợp đồng này cũng ít nhiều đề cập tới mục tiêu World Cup 2026. Muốn tham dự VCK World Cup 2026, chúng ta phải trở thành 3-4 đội bóng châu Á mạnh nhất (tùy theo lúc đó châu Á được 3 hay 4 suất tham dự World Cup). Có người so sánh: giải vô địch bóng đá châu Á 2019, Việt Nam đã lọt vào đến tứ kết, tức là đã trở thành 8 đội mạnh nhất châu Á rồi, thế nên mục tiêu trở thành 3-4 đội mạnh nhất cho chiến dịch World Cup 2026 là khả dĩ.

Thêm một tín hiệu khả quan nữa là không chỉ VFF, mà một số trung tâm bóng đá trẻ Việt Nam, điển hình như trung tâm PVF cũng đặt ra lộ trình World Cup 2026. Kể từ khi PVF được xây dựng một cách qui mô ở Hưng Yên - trở thành một trong những trung tâm đào tạo bóng đá trẻ hiện đại nhất Đông Nam Á thì mục tiêu này đã được đặt ra. PVF lần lượt thuê các chuyên gia bóng đá Anh, và bây giờ là Pháp sang huấn luyện, kèm cặp cầu thủ để thực hiện bằng được mục tiêu này.

Giám đốc kĩ thuật của PVF hiện nay là HLV người Pháp Philippe Troussier - người có một thời gian dài được mệnh danh là "phù thủy" trắng, người đã từng tham dự VCK World Cup trên tư cách một HLV, và có thể coi là người tiếng tăm nhất của bóng đá thế giới từng làm việc ở Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn báo chí ông Philippe Troussier nói rất thành thật rằng trước khi đến đây ông không biết nhiều về bóng đá Việt Nam, nhưng ông bị thuyết phục bởi mục tiêu World Cup của PVF. Đó là một mục tiêu với những bước chuẩn bị bài bản, chi tiết và đặc biệt là luôn được sự "tiền hô hậu ủng" của một nền tảng tài chính dồi dào.

3. Xem ra cần thầy thì đã có thầy, cần tiền thì đã có tiền, cần kế hoạch thì đã có mục tiêu, kế hoạch, nhìn ở cả góc độ quản lý nền bóng đá của VFF lẫn góc độ đầu tư, tham vọng của các trung tâm bóng đá trẻ, dễ có cảm giác rằng chúng ta đang nghiêm túc nghĩ về World Cup hơn bao giờ hết. Nghĩ về nó không phải trong hình ảnh của một giấc mơ, mà là nghĩ một cách nghiêm túc, và đang có những sự chuẩn bị nghiêm túc - điều chưa từng có trong quá khứ.

Trên hành trình này, chỉ có một yếu tố mà chúng ta không thể đo lường một cách chắc chắn, đó là những biến động và khả năng tiến bộ của đối phương? Ta tiến so với chính ta thì rõ rồi, nhưng ta tiến thì đối phương cũng tiến, và trong bóng đá thì "tính" về đối phương luôn là một con "tính" quyết định đến một nửa của sự thành bại. Những phép tính này không chỉ được thực hiện ở tương lai, khi chúng ta chính thức giáp mặt đối phương trong cuộc cạnh tranh World Cup, mà phải được tiến hành từ bây giờ với khả năng dự báo và tích lũy dữ liệu, một công việc rõ ràng là không đơn giản với đặc thù nền bóng đá Việt Nam lúc này.

Dẫu sao thì vẫn cứ vui với những bước phát triển nhìn thấy được. Và mong là Đội tuyển Việt Nam dưới thời Park Hang Seo sẽ tiếp tục bùng nổ ở những trận đấu tiếp theo trong khuôn khổ lượt về vòng loại thứ 2 World Cup 2022, khu vực châu Á. Bởi sự bùng nổ của Đội tuyển rất có thể sẽ tiếp tục tạo ra những cú hích về tâm lý và độ hưng phấn về khát vọng cho cả một nền bóng đá - điều mà bắt buộc chúng ta phải nuôi dưỡng trong hành trình thực hiện những mục tiêu đời người.

Diệp Xưa

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/world-cup-xa-hay-gan-573247/