World Cup 2022 gây ô nhiễm thế nào - đã đến lúc thể thao phải xanh hơn?

Giải bóng đá World Cup 2022 bị coi là vẫn tạo ra nhiều ô nhiễm môi trường dù nước chủ nhà Qatar đã cam kết về một kỳ World Cup trung hòa carbon đầu tiên.

Các chuyên gia môi trường nghi ngờ khả năng Qatar đạt được mục tiêu trung hòa carbon trong thời gian đăng cai World Cup 2022. Họ đang kêu gọi đưa các tác động về khí hậu trở thành yếu tố trung tâm hàng đầu trong lựa chọn địa điểm tổ chức các sự kiện thể thao toàn cầu trong tương lai.

Các chuyến bay được tổ chức dày đặc trong kỳ World Cup 2022. Ảnh: Qatar Airways.

Các chuyến bay được tổ chức dày đặc trong kỳ World Cup 2022. Ảnh: Qatar Airways.

“Thẻ vàng” cho cam kết của Qatar?

Qatar đưa ra cam kết về trung hòa carbon nói trên khi cách đây 12 năm, họ xin đăng cai World Cup bóng đá FIFA 2022. Mặc dù vậy, các nhóm theo dõi môi trường cho rằng nước đăng cai giải đấu này xứng đáng nhận một “thẻ vàng” về cam kết này khi nhiều loại phát thải đã bị lờ đi.

Chẳng hạn, quốc gia Tây Á này đã chi ít nhất 229 tỷ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm việc xây 7 sân vận động bóng đá mới. Nhưng một báo cáo của tổ chức theo dõi môi trường Carbon Market Watch phát hiện ra rằng Qatar đã giảm tác động về carbon từ 6 sân vận động (xây phục vụ World Cup) đi 8 lần, từ 1,6 triệu tấn CO2 xuống còn 0,2 triệu tấn.

Qatar cũng đối mặt với các chỉ trích về số lượng lớn chuyến bay được tiến hành trong khuôn khổ giải đấu. Hãng hàng không quốc gia Qatar Airways đã tổ chức các chuyến bay con thoi tới và ra khỏi thủ đô Doha vào các ngày có trận đấu, trong đó có ít nhất 60 chuyến bay hàng ngày tới và rời khỏi Dubai.

Theo một báo cáo gần đây của FIFA, di chuyển bằng đường không chiếm gần 52% tổng phát thải từ sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh này.

Để đạt được cam kết trung hòa carbon, Qatar công bố một chuỗi sáng kiến, bao gồm sử dụng điều hòa không khí chạy bằng năng lượng mặt trời tại các sân vận động, sử dụng lại các container làm vật liệu xây dựng và mua tín dụng carbon để bù đắp cho phát thải.

Các nhà tổ chức giải đấu bóng đá tại Qatar nói rằng họ sẽ mua các tín dụng bù trừ từ các dự án ở chính nước họ và khu vực xung quanh thông qua một tiêu chuẩn thị trường carbon mới - Hội đồng Carbon Toàn cầu (GCC).

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng không có các khoản bù trừ carbon đáng tin cậy trên thị trường để đáp ứng nhu cầu và nhiều quốc gia, công ty đang dựa nhiều vào các bù trừ bị nghi ngờ về giá trị thay vì giảm lượng phát thải trong các hoạt động của chính họ.

Theo báo cáo của Carbon Market Watch, GCC hướng tới cấp ít nhất 1,8 triệu tín dụng carbon bù trừ cho World Cup, nhưng tính đến tháng 5/2022, mới chỉ có 130.000 tín dụng như thế được bán.

Julien Jreissati - một giám đốc chương trình tại tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) cho hay: “Kế hoạch bù trừ không có tác dụng, đó chỉ là trò gian lận mà thôi. Vấn đề ở đây là tuyên bố của họ về trung hòa carbon chỉ dựa trên bù trừ carbon”.

Khi World Cup 2022 sắp kết thúc, với trận chung kết giữa Pháp và Argentina vào ngày 18/12, các nhà môi trường học cho rằng Qatar cần phải soi xét kỹ cam kết xanh của mình. Theo họ, các sự kiện thể thao trong tương lai không được nghĩ đến biến đổi khí hậu khi mọi việc khác đã xong xuôi.

Sân vận động ở Qatar được làm từ các container trong nỗ lực giảm phát thải vào môi trường. Ảnh: Thepeninsularqatar.

GCC kém hiệu quả?

Trong báo cáo của mình, tổ chức Carbon Market Watch cho hay họ nghi ngờ tính hiệu quả của GCC trong bù trừ phát thải khí nhà kính do giải đấu World Cup 2022 tạo ra. Họ nói, Doha đánh giá thấp tác động biến đổi khí hậu bằng cách loại bỏ một loạt các phát thải khỏi tính toán của mình.

Gilles Dufrasne - tác giả chính của báo cáo nói trên, cho rằng các tín chỉ carbon do nước chủ nhà mua đều bắt nguồn từ các dự án năng lượng tái tạo đã hoạt động và sinh lời.

Ông Dufrasne phân tích: “Đó là lý do vì sao các tín chỉ đó không có mấy chất lượng vì chúng không tạo thêm sự sụt giảm nào so với những gì đã xảy ra. Do vậy, về cơ bản mà nói, ít có khả năng chúng có tác động bù trừ thực sự các phát thải từ giải đấu World Cup”.

Các nhà tổ chức World Cup ở Qatar đã bác bỏ kết luận của Carbon Market Watch, cho đó chỉ là suy đoán. Họ nói, các phát thải sẽ được tính toán dựa trên các phương pháp “tốt nhất trong thực tế” sau khi giải đấu kết thúc nhằm bảo đảm việc đó dựa trên các hoạt động đang tồn tại.

Nhưng các nhà phân tích khí hậu cho rằng các bù trừ về carbon đang bị sử dụng quá mức để làm cơ sở chính cho các tuyên bố về phát thải ròng bằng 0 cho các sự kiện thể thao.

Karim Elgendy - một học giả của think tank mang tên “Viện Trung Đông”, chia sẻ: “Chúng ta cơ bản phải sử dụng tổng hợp các biện pháp khác nhau, từ cắt giảm nhu cầu, đến năng lượng tái tạo và trong chừng mực nào đó, cả các bù trừ đó. Chúng ta không thể sử dụng riêng lẻ một biện pháp nào”.

Cần các mô hình mới

Các nhà vận động môi trường đã kêu gọi FIFA phát triển các mô hình mới để xác định nơi sẽ tổ chức World Cup trong tương lai.

Giám đốc Jreissat của tổ chức Greenpeace nói: “Thay vì bị coi là máy tạo ra lợi nhuận, các sự kiện này có thể được nhìn nhận như một cơ hội thực sự để tạo ra sự thay đổi tích cực dài lâu, không chỉ về mặt xã hội và kinh tế mà còn cả về mặt phát triển bền vững”.

Dẫu vậy, các nhà môi trường và các nhà phân tích nói rằng điều này sẽ khó thực hiện với World Cup 2026 do sự kiện này sẽ được tổ chức ở cả 3 nước là Mỹ, Canada và Mexico.

Elgendy thuộc Viện Trung Đông nói: “Mọi người sẽ bay khắp nơi. Không có hứa hẹn nào về bất cứ loại giảm carbon nào, chứ chưa nói tới carbon ròng bằng 0”.

FIFA phát động chiến lược khí hậu của mình vào năm 2021. Tổ chức này tuyên bố, họ muốn giảm phát thải tại các sự kiện do họ tổ chức và rằng họ có kế hoạch trở thành một tổ chức trung hòa carbon vào năm 2040.

Trong khi đó, Ủy ban Olymic Quốc tế (IOC) cho hay, tất cả các Thế vận hội phải trở nên “tích cực về khí hậu” kể từ năm 2030 trở đi. Tức là từ năm đó trở đi, các thành phố đăng cai sự kiện thể thao này cần phải loại bỏ nhiều carbon khỏi không khí hơn so với lượng phát thải của các thành phố trong thời gian diễn ra sự kiện thể thao.

Jules Boykoff - một cựu vận động viên, đồng thời là giáo sư chính trị học tại Đại học Pacific ở Oregon (Mỹ) phát biểu: “Chúng ta cần tạo ra sự thay đổi, chúng ta cần xoay trục tới một tương lai xanh hơn. Nếu không bây giờ thì khi nào? Nếu không thông qua các môn thể thao này thì sẽ phải theo cách nào?”./.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: Reuters

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ho-so/world-cup-2022-gay-o-nhiem-the-nao-da-den-luc-the-thao-phai-xanh-hon-post990909.vov