World Cup 2022: 200 tỷ USD và 'trung tâm nô lệ' thời hiện đại

Qatar có đủ tiền để đảm bảo các cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc đăng cai World Cup 2022. Nhưng sự phù hợp về văn hóa và chính sách lao động tại đây luôn bị đặt dấu hỏi lớn.

Chỉ trong vòng một thế hệ, Qatar đã chuyển mình từ đất nước của những làng chài nghèo đói trở thành quốc gia có chỉ số GDP đầu người cao nhất hành tinh. Sự kết hợp của doanh thu nhiên liệu khí đốt, lao động nước ngoài và sự tự trị của một tiểu vương quốc đã giúp Qatar thay đổi nhanh chóng đến như vậy.

Qatar đã chuyển mình từ đất nước của những làng chài nghèo đói trở thành quốc gia có chỉ số GDP đầu người cao nhất hành tinh. Ảnh: Sputnik.

Qatar đã chuyển mình từ đất nước của những làng chài nghèo đói trở thành quốc gia có chỉ số GDP đầu người cao nhất hành tinh. Ảnh: Sputnik.

Việc xây dựng hiện tiến triển rất tốt tại thủ đô Doha nước này khi mỗi ngày lại có thêm 12 tòa nhà mới xuất hiện tại khu đô thị. Những người thợ xây có mặt khắp mọi nơi trong thành phố, làm việc trong những trang phục lao động bất chấp cái nóng 40 độ.

Kỳ World Cup trị giá 200 tỷ USD?

Phần lớn hoạt động xây dựng này nhằm mục đích phục vụ cho kỳ World Cup 2022 sắp đến với 8 sân vận động, hệ thống tàu điện ngầm, đường sá đang trong quá trình hoàn thiện. Một vùng đất mà hôm qua là sa mạc đầy cát thì nay đã là đường phố với hàng cọ 2 bên.

Tháng 5/2016, tạp chí kinh doanh Arabian Business đưa tin các sân vận động phục vụ cho World Cup 2022 sẽ có giá từ 8 tỷ USD đến 10 tỷ USD.

So với các thành phố khác trên thế giới, Doha là một thứ gì đó hoàn toàn mới lạ. Chỉ một ít các kiến trúc lịch sử tiền hiện đại còn tồn tại đến ngày hôm nay trong thành phố. Người Qatar bản địa chỉ chiếm một phần rất nhỏ ở đây, và 90% dân số xuất phát từ người nước ngoài. Việc giành chiến thắng trong cuộc đua đăng cai World Cup 2022 như một “vụ nổ lớn” khi đây là lần đầu tiên giải bóng đá nam danh tiếng này được tổ chức tại Trung Đông.

Các sân vận động có giá từ 8 tỷ USD đến 10 tỷ USD. Ảnh: SC.

Theo Stuff,các quan chức Qatar đang lên kế hoạch để các sân vận động sẽ không bị bỏ phí sau kỳ World Cup. Một số phần tại sân có thể được tháo ra để chuyển đến cho các nước đang phát triển có thể sử dụng. Công nghệ làm mát tiên tiến cũng sẽ được dùng để hạ nhiệt độ trong sân vận động từ 45 độ xuống còn 25 độ.

Bộ trưởng Tài chính Qatar, Ali Shareef Al-Emadi chia sẻ vào năm 2017 rằng quốc gia này chi gần 500 triệu USD mỗi tuần cho việc xây dựng các cơ sở hạ tầng quan trọng để phục vụ World Cup 2022.

“Chúng tôi chi gần 500 triệu USD mỗi tuần cho các dự án vốn. Và điều này sẽ tiếp tục trong 3, 4 năm tới để hoàn thành mục tiêu giúp đất nước sẵn sàng cho năm 2022”, Emadi nói.

Hơn 200 tỷ USD dự kiến được chi để chuẩn bị cho kỳ World Cup này. Emadi cho biết con số này không chỉ dành cho sân vận động mà còn là cảng biển, đường sắt, đường cao tốc, sân bay mới, và các bệnh viện.

"Trung tâm nô lệ" thời hiện đại

Nhưng kể từ khi đảm nhận vai trò chủ nhà World Cup sắp tới từ gần 10 năm trước, câu hỏi về sự phù hợp của Qatar cho giải đấu này đã được đặt ra. Có nhiều bài báo chỉ ra công nhân xây dựng ngoại quốc ở đây không được trả tiền và còn bị đối xử như nô lệ.

Tại Doha, trong một bảo tàng chính phủ mang tên Bin Jelmood, du khách sẽ có được cái nhìn cụ thể về lịch sử nô lệ trong khu vực. Bảo tàng được thiết lập trong ngôi nhà của một cựu con buôn nô lệ. Giữa ngôi nhà là một khoảng sân từng chứa nhiều nô lệ châu Phi ngồi chờ bị rao bán.

Bảo tàng Bin Jelmood. Ảnh: Atlas Obscura.

Hiện nay, Qatar bị buộc tội là trung tâm của chế độ nô lệ thời hiện đại. Tăng trưởng của Qatar được hỗ trợ bởi lực lượng lao động ngoại quốc, nhiều người trong số đó đến từ các nước nghèo Nam Á. Nếu muốn được coi là đất nước tiên phong của sự phát triển, quốc gia này cần phải chứng minh rằng những người lao động nước ngoài được đối xử nhân đạo.

Qatar phủ nhận cáo buộc cho rằng họ bóc lột, lạm dụng công nhân và khẳng định họ đã thực hiện nhiều cải cách lao động. Qatar tuyên bố quốc gia đã có những bước tiến lớn trong sự phát triển của con người kể từ khi đất nước bãi bỏ chế độ nô lệ vào năm 1952.

Tháng 6/2019, nhật báo Arab News đăng tải một phim tài liệu được thực hiện bởi đài truyền hình Đức WDR tiết lộ một sự thật kinh khủng rằng ít nhất 1400 công nhân nhập cư từ Nepal đã chết khi đang xây dựng các sân vận động cho kỳ World Cup 2022 tại Qatar.

Theo số liệu của chính phủ Nepal, các vụ tai nạn nơi công trường và điều kiện sống tồi tàn ở Qatar đã cướp đi khoảng 110 sinh mạng lao động Nepal mỗi năm.

Đã có rất nhiều lao động nhập cư thiệt mạng. Ảnh: Getty.

Gia đình những người thiệt mạng chia sẻ với WDR rằng họ không nhận được khoản bồi thường nào từ Doha cho những thương vong này.

Phim tài liệu điều tra của WDR, mang tên “Cạm bẫy ở Qatar” đã phơi bày hoàn cảnh khó khăn của những người công nhân bị buộc phải sống trong các trại đông đúc và không được đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con người.

Bất chấp những nỗ lực của chính phủ Nepal nhằm ngăn cản công dân của họ đến Qatar làm việc, nhiều người vẫn rời đi với hy vọng kiếm được nguồn thu nhập lớn hơn.

“Chúng tôi bị bắt đi. Thực đơn mỗi ngày chỉ có nước và bánh mì. Không có tiền, chúng tôi không thể làm được bất kỳ điều gì khác. Tháng này qua tháng khác, tình hình ngày một tồi tệ hơn. Tôi không chắc mình có thể trụ được bao lâu nữa. Tôi chỉ muốn về nhà. Chúng tôi thậm chí còn không thể liên lạc với gia đình mình ở Nepal”, Dil Prasad, một thợ xây, chia sẻ.

Dinesh Regimi, một nhà báo đến từ thủ đô Kathmandu của Nepal đã làm việc 3 năm tại Qatar, cho biết các điều kiện sống của công nhân nhập cư từ Nepal đã không được cải thiện từ khi Doha giành quyền đăng cai World Cup 2022 gần một thập kỷ trước.

“Khi tôi ở Qatar vài năm trước, những người lao động Nepal di cư đến đất nước khắc nghiệt này và mang theo rất nhiều hy vọng. Nhưng họ đã không nhận được mức lương cơ bản, và điều kiện sống thì cực kỳ tồi tệ. Luôn có một hàng dài những người lao động nhập cư tại đại sứ quán Nepal ở Doha tìm kiếm sự cứu trợ và can thiệp”, Regimi nói với Arab News.

“Những di cư gặp nhiều khó khăn khi trở về nhà. Một số chết trong khi làm việc, một số chết trong lúc ngủ. Môi trường sống tồi tàn đã cướp đi nhiều sinh mạng. Chính phủ Qatar sẽ không tiến hành khám nghiệm tử thi với các nạn nhân đó. Tôi cho rằng số người chết phải lên đến 150 người mỗi năm”, Regimi nói thêm.

Những người lao động Nepal di cư đến Qatar với hy vọng kiếm được thu nhập cao hơn. Ảnh: AFP.

Năm 2017, Regimi tới Nepal để gặp những gia đình mất người thân khi làm việc ở Qatar và phát hiện được những câu chuyện thương tâm.

Kishore Tamang đến Qatar vào năm 2015 với hy vọng có thể kiếm đủ tiền trả nợ cho gia đình. Nhưng chỉ trong vòng một năm, anh đã thiệt mạng sau khi ngã xuống từ bức tường của một sân vận động đang được xây cho World Cup. Gia đình anh đã không nhận được một xu bồi thường nào.

Chuyện tương tự xảy đến với Jagat Nepali. Anh qua đời chỉ sau 6 tháng tại Qatar bởi cái nóng khủng khiếp và điều kiện tồi tàn nơi các trại lao động nhập cư.

“Chúng tôi nhận thức được tình hình tại Qatar và những khó khăn mà công nhân Nepal phải đối mặt ở đó. Chúng tôi đang cố gắng để ngăn mọi người đến những nơi như vậy”, một quan chức chính phủ từ Sở Di trú Nepal nói với Arab News.

Sự khác biệt văn hóa là thách thức lớn

Những người không tán thành việc tổ chức World Cup cũng đã cáo buộc Qatar mua chuộc giải đấu và đất nước này không có văn hóa bóng đá mạnh mẽ.

Theo thống kê, bóng đá hiện là môn thể thao phổ biến nhất tại Qatar. Nhưng trong quá khứ, săn bắt bằng chim ưng hay đua lạc đà mới là những môn được yêu thích nhất.

Người chơi tại một cuộc thi chim ưng ở Qatar. Ảnh: Reuters.

Tại đây, chim ưng được chăm bẵm như những chú ngựa đua, và có giá trung bình khoảng 213.000 USD mỗi con. Chúng được phép lên máy bay, và thậm chí có hẳn một bệnh viện chuyên dụng dành cho chim ưng ở Doha.

Nhiều người đã tự hỏi làm thế nào mà Qatar, một quốc gia vô cùng cực đoan với Giáo luật Sharia của đạo Hồi, có thể đáp ứng được nhu cầu, sở thích của 1,5 triệu du khách như dự kiến khi nhiều người trong số đó xem World Cup còn là dịp để nhậu nhẹt.

Kiếm được một chai bia chưa bao giờ là dễ dàng tại Qatar. Nhiều người nước ngoài đã bị phạt 100 roi cho việc tiêu thụ đồ uống có cồn. Đầu năm nay, đồ uống có cồn bị đánh thuế 100% khi nhập khẩu vào Qatar.

Đây là quốc gia mà đồng tính luyến ái bị xem là phạm pháp và có thể phải ngồi tù vì điều này. Ngay cả việc nắm tay nhau ở nơi công cộng cũng là việc cấm kỵ.

Một người hâm mộ uống bia tại World Cup 2018. Ảnh: Getty.

Chia sẻ với phóng viên báo Stuff, các quan chức Qatar nói rằng những người hâm mộ muốn uống bia rượu có thể đến xà lan tại bến cảng, nơi mà việc kiểm soát đồ uống có cồn của đất nước sẽ được thả lỏng.

Qatar chắc chắn đủ tiền và nhân lực để phục vụ dòng người hâm mộ ở World Cup 2022. Nhưng liệu họ có đủ bao dung để chịu đựng sự khác biệt văn hóa?

Minh Đức

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/world-cup-2022-200-ty-usd-va-trung-tam-no-le-thoi-hien-dai-post964745.html