World Cup 2018 thiếu Italy, thà một lần đau để trở lại

Italia chính là ông lớn đáng chú ý nhất vắng mặt ở World Cup 2018. Đây là lúc người Ý phải trả giá cho cách làm bóng tệ hại của họ nhiều năm qua.

Có rất nhiều sự không ổn thỏa khi nhìn cái cách Italy thất bại trước Thụy Điển ở trận play-off vòng loại World Cup khu vực châu Âu và không thể giành vé đến Nga. Nói như cái cách của Gerrard vào thời điểm tuyển Anh ngồi nhà xem EURO 2008 dưới thời Steve McClaren, 'thần chết không thiên vị ai cả'.

Italy là cái tên đáng chú ý nhất vắng mặt ở World Cup 2018.

Thất bại này là bài học cho người Ý, một sự thỏa hiệp cần thiết để giúp họ tỉnh ngộ. Ở Euro 2016, Conte dẫn dắt một dàn tép tiến tận đến tứ kết và chỉ chịu thất bại trên chấm penalty trước người Đức. Cái cái ảnh hưởng nhất thời, vượt xa kỳ vọng đó của Conte và các học trò đã thay mặt cả nền truyền thông, một lần nữa, che lấp đi sự yếu kém của nền bóng đá xuống dốc thảm hại này.

Một sự thật khá khó hiểu. Mỗi khi bóng đá Ý đổ bệnh, bóng đá nội xảy ra tiêu cực, các CLB lớn bé nằm trong mớ bòng bong của khủng hoảng tài chính, hiện tượng dàn xếp tỉ số vẫn nhan nhản trên các sân bóng, thì đội tuyển quốc gia và tiếng vang từ các CLB lớn của Serie A vẫn có khả năng lấp biển vá trời.

Chức vô địch World Cup 2006 giữa bóng tối Calciopoli là điều không ai ngờ đến.

Năm 2006, Calciopoli mang bóng tối đến Serie A nhưng người Ý vô địch World Cup, AC Milan sau đó vô địch Champions League 2007. Cái lý tưởng bóng đá Ý dư thừa sức sống vẫn đâm chồi nảy lộc năm này qua năm khác qua khung thành tích ảo diệu.

Năm 2010, Azzurri dừng chân ngay vòng bảng World Cup với bộ khung có độ tuổi trung bình già chua chát, tuy nhiên Inter Milan thu về cho mình cú ăn 3 thần thánh sau khi vượt qua 3 nhà vô địch quốc nội của 3 giải đấu lớn nhất châu Âu ở vòng knock-out Champions League (Chelsea, Barcelona, Bayern Munich). Phải rồi, Inter Milan là tiếng nói cho sự trỗi dậy của người Ý, ai cũng nói điều ấy.

Thành tích cao che đi những yếu kém của bóng đá Ý.

Ở Euro 2012, Italy vào tận chung kết và chỉ để thua TBN. Một lần nữa, người Ý vẫn sống trong những năm tháng "Không sao, mình vẫn ổn, ngã rồi vẫn đứng dậy được...". Điều tương tự lặp lại với World Cup 2014 và Euro 2016, Italy bị loại hai lần liên tiếp ở vòng gửi xe World Cup trước khi đến Pháp nhưng 90 phút trong ngày ra quân Euro 2016 trước Bỉ đã chôn vùi sự nhục nhã đó trong phút chốc. Đó là sự may mắn, điều nực cười hay là sự đáng thương mà lẽ ra người Ý nên kết thúc nó sớm hơn!

Nhìn sang những đối thủ ở lục địa già, vua vòng loại Tây Ban Nha sau khi bị loại nhục mặt ở vòng bảng Euro 2004 đã vô địch World Cup và nhét túi thêm hai chiếc cúp bạc Euro. Người Đức trong mớ hỗn độn của biệt đội Hollywood - Munich thời hậu Hitzfeld cộng với việc bị loại ở vòng bảng Euro 2004 bèo lắm cũng vào đến bán kết ở mọi giải đấu lớn họ tham dự, đỉnh cao là chức vô địch WC 2014 ở Brazil.

Người Ý đứng lại trong khi lứa trẻ của những nền bóng đá khác đi lên.

Người Anh sau thảm họa McClaren ở vòng loại Euro 2008 đến nay đã thống trị mọi giải đấu trẻ trong năm 2017. Còn lần gần nhất người Ý lên ngôi ở sân chơi thế giới dành cho lứa tuổi U21 là chuyện của 14 năm trước dù trước thời điểm năm 2004, họ đã vô địch tận 4 lần.

Serie A xưa nay vẫn sống trong hơi thở của guồng quay chính trị và lợi ích nhóm của các gia tộc lớn. Khi những Moratti hay Berlusconi không còn đủ sức mạnh tài chính hay tham vọng quyền lực. Họ bỏ lại một nền bóng đá không hề có sự liên kết giữa Liên đoàn mẹ FIGC, các CLB và trường học trong việc xây dựng học viện, tổ chức tuyển trạch, phát hiện và dạy dỗ những mầm non triển vọng.

Bóng đá Ý đi xuống khi đam mê của giới thượng tầng đi xuống.

Hãy nhìn sang người Đức, 400 trại huấn luyện bóng đá trẻ khắp lãnh thổ, gần 17000 cậu bé được ăn tập dưới sự đầu tư của nhà nước. Hơn 150 giải đấu học đường quy mô được tổ chức mỗi năm ở các hệ thống giáo dục địa phương để tìm ra các tiềm năng triển vọng. Liên đoàn bóng đá Đức có đội ngũ gồm 30 người sẽ thay nhau đi đến từng trại huấn luyện trong năm để theo dõi và điều chỉnh chế độ ăn tập của các cậu nhóc.

Nếu từng được nghe những mẩu chuyện kiểu như một nhóm chuyên gia gồm các tuyển trạch viên và nhạc sĩ nghiên cứu để chọn hẳn ra một playlist nghe nhạc hỗ trợ giúp Toni Kroos thoát khỏi chứng tự kỷ lúc nhỏ, chúng ta sẽ thấy thành quả của người Đức hiện tại xứng đáng, quá xứng đáng!

Người Ý phải đầu tư bóng đá trẻ để gặt hái thành công như người Đức.

Người Ý vốn không giỏi học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, cách họ phát âm tiếng Anh là thứ vật chất vô hình còn tởm hơn mùi Pizza thối. Họ thường ngân phụ âm cuối vô tội vạ, kiểu như từ "shopping" sẽ được phát âm là "xốp ping gờ". Với từ "bad", họ thường phát âm là "bát đờ", nghe khá giống cách đọc của từ "better". Đấy, người Ý luôn vậy, họ luôn bay, nhìn mọi thứ lạc quan đến chi lạ cho đến khi nó vỡ bờ.

Khi tấm màn sau bao năm đã được gỡ xuống, họ không thể ăn xổi nữa...

Ngọc Thiện

Nguồn Bóng Đá: http://www.bongda.com.vn/world-cup-2018-thieu-italy-tha-mot-lan-dau-de-tro-lai-d443217.html