World Cup 2018: Công nghệ VAR – lợi và hại

World Cup 2018 trên đất Nga đang trở thành ngày hội thực sự đối với người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới, trong đó công nghệ Video Assistant Referee (VAR) hỗ trợ trọng tài góp phần tạo nên những cảm xúc buồn vui với các cầu thủ cũng như khán giả.

Công nghệ VAR là gì?

Lần đầu tiên tại một kỳ World Cup, công nghệ VAR được đưa vào hỗ trợ trọng tài trong các trận đấu. Thực tế, công nghệ VAR được kiểm soát bởi 13 trợ lý video hay còn gọi là trọng tài phụ ngồi trong một trung tâm đặc biệt ở Moscow (bất kể trận đấu diễn ra ở đâu) để quan sát trận đấu qua màn hình. Trong số đó có một trợ lý được chọn cho từng trận đấu, người này sẽ hoạt động cùng đội ngũ ba trợ lý khác đang thực hiện nhiệm vụ trên sân.

Công nghệ VAR được kiểm soát bởi 13 trợ lý video hay còn gọi là trọng tài phụ ngồi trong một trung tâm đặc biệt ở Moscow (bất kể trận đấu diễn ra ở đâu) để quan sát trận đấu qua màn hình

Từ phòng thu qua nhiều góc máy đặt tại sân vận động đang diễn ra trận đấu, các trợ lý video phụ trách công nghệ VAR sẽ thông báo cho trọng tài chính mỗi khi phát hiện lỗi bị bỏ qua, hoặc trọng tài chính sẽ tìm sự góp ý của họ mỗi khi cần. Khi công nghệ VAR được áp dụng chỉ giành cho các trường hợp: Bàn thắng và tình huống dẫn đến bàn thắng; Phạt đền và tình huống dẫn đến phạt đền; Tình huống dẫn đến thẻ đỏ và nhầm lẫn cầu thủ trên sân.

Trọng tài Cunha xem công nghệ VAR trong trận Pháp - Australia

Khi xảy ra 1 trong 4 trường hợp kể trên, trọng tài chính trên sân sẽ ra tín hiệu với đội ngũ trọng tài phụ trách công nghệ VAR từ phòng thu để nhận tín hiệu và xem lại video quay chậm pha bóng mà trọng tài chính không theo kịp, có thể bỏ qua lỗi và dẫn đến để lọt phạt đền (hoặc cho phép phạt đền nếu có lỗi của cầu thủ) trong vòng 16m50.

Khi yêu cầu công nghệ VAR vào cuộc, trọng tài chính trên sân sẽ đi đến màn hình đặt ở sau đường pitch để xem video, thảo luận với các trợ lý video về tính huống vừa diễn ra và đưa ra phán quyết cuối cùng.

Đội tuyển nào đã được hưởng lợi từ công nghệ VAR ở World Cup 2018?

Tính đến ngày thi đấu thứ 4 của World Cup 2018, một số đội tuyển đã được hưởng lợi từ công nghệ VAR. Tại lượt trận đầu tiên bảng C giữa đội tuyển Pháp và Australia, ngày 16/6, phút 58, khi Pogba (Pháp) chọc khe cho Griezmann thoát xuống và một hậu vệ của Australia có tác động khiến Griezmann bị ngã trong vòng 16m50. Trọng tài chính Cunha đã nói không với tình huống va chạm này.

Griezmann (số 7, Pháp) bị phạm lỗi trong vòng 16m50 trong trận gặp Australia, sau đó nhờ công nghệ VAR, Pháp được hưởng quả phạt 11m

Tuy nhiên sau đó, ông Cunha đã nhờ sự hỗ trợ của VAR, chỉ ít giây sau vị trọng tài đã cất còi chỉ tay vào chấm 11m cho đội Pháp. Sau đó, Griezmann đã sút thành công quả phạt đền và giúp tuyển Pháp giành chiến thắng chung cuộc 2-1 trước Australia.

Cũng tại bảng C, trong trận đấu giữa đội tuyển Peru với Đan Mạch, đội Peru đã được hưởng lợi từ công nghệ VAR để có quả phạt 11m ở cuối hiệp 1, nhưng Christian Cueva lại sút bóng vọt xà ngang, để rồi sau đó Peru nhận thất bại đau đớn 0 -1 trước Đan Mạch.

“Bị hại” của VAR

Công nghệ VAR đã cho thấy sự đáng sợ của mình, nhất là trong các tình huống nhạy cảm. Tuy nhiên, một số tình huống cần đến công nghệ VAR đã không được sử dụng ở một số trận tại World Cup 2018 đã khiến nhiều đội “dở khóc dở cười”.

Zuber (áo đỏ, đội Thụy Sĩ) trước khi ghi bàn gỡ hòa 1 - 1 trong trận gặp Brazil trước đó đã phạm lỗi với Joao Miranda nhưng công nghệ VAR đã không được áp dụng

Rạng sáng ngày 18/6, trận đấu giữa Brazil gặp Thụy Sĩ, kết quả chung cuộc hai đội hòa 1- 1. Tuy nhiên điều đáng nói, tình huống ghi bàn của Zuber (Thụy Sĩ) nắm cánh tay của Joao Miranda (Brazil) rồi đẩy trung vệ này về phía trước để tạo khoảng trống rồi bật lên đánh đầu trong tư thế thoải mái, gỡ hòa 1-1 cho Thụy Sĩ khiến các cầu thủ cũng như cổ động viên xứ Samba ức chế. Bởi nếu pha ghi bàn của Zuber được trọng tài chính áp dụng công nghệ VAR thì lỗi đẩy người của Zuber sẽ bị thổi phạt, đồng nghĩa Brazil không phải nhận bàn thua oan ức.

Diego Costa (áo trắng, Tây Ban Nha) phạm lỗi với Pepe (Bồ Đào Nha) vtrước khi ghi bàn gỡ hòa 1-1 cho Tây Ban Nha cũng không được trọng tài chính áp dụng công nghệ VAR

Trong khi đó, trận Tây Ban Nha – Bồ Đào Nha có tỉ số hòa 3 – 3, phút 25, Diego Costa (Tây Ban Nha) chủ động ập vào tranh bóng với Pepe (Bồ Đào Nha) và vung tay trái trúng mặt khiến cho Pepe bị ngã. Đây là pha phạm lỗi quá rõ, cần phải thổi phạt vì Diego Costa chủ động lao vào đối phương. Tuy nhiên, cả trọng tài chính lẫn trọng tài VAR cùng nhận định rằng đó là pha va chạm bình thường, Diego Costa sau đó đã ghi bàn gỡ hòa 1-1 cho Tây Ban Nha trong vòng vây của các cầu thủ Bồ Đào Nha.

Phạm Quỳnh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/world-cup-2018-cong-nghe-var-loi-va-hai-n145410.html