WMO: Chưa có dấu hiệu giá rét 'hạ nhiệt' tại châu Âu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo đợt giá lạnh vốn mang theo các trận tuyết dày đến Nam Âu, khu vực ít khi phải chứng kiến hiện tượng thời tiết tương tự, sẽ kéo dài thêm một tuần nữa.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 11/1, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo đợt giá lạnh vốn mang theo các trận tuyết dày đến Nam Âu, khu vực ít khi phải chứng kiến hiện tượng thời tiết tương tự, sẽ kéo dài thêm một tuần nữa.

Trong khi đó, lượng mưa trên trung bình tại phía Đông Địa Trung Hải và phía Bắc Trung Đông sẽ kết thúc trong 1-2 tuần tới.

Nguyên nhân gây nên các hiện tượng bất thường này là do khối khí áp thấp dai dẳng bao trùm miền Bắc nước Đức và Thụy Điển, đồng thời tác động đến thời tiết tại Bắc Âu, Trung và Đông Địa Trung Hải.

Điều này đã dẫn đến tình trạng lụt lội dọc khu vực Biển Baltic của Đức và Đan Mạch, tuyết rơi dày tại phía Bắc dãy núi Alps, đặc biệt là Áo và miền Nam của Đức kể từ đầu năm đến nay.

Ảnh hưởng của thời tiết có thể cảm nhận được tại Đông Nam châu Âu với tuyết rơi dày tại các vùng núi, thậm chí là trong và xung quanh thủ đô Athens (Hy Lạp), và xa nhất về phía Tây là vùng núi miền Bắc và miền Trung của Tây Ban Nha.

Theo WMO, đợt lạnh này sẽ tiếp tục xảy ra tại phía Đông, Đông Nam, Đông Trung Âu thêm một tuần, thậm chí có thể lan sang các khu vực xa hơn tại phía Bắc và phía Tây trong những tuần tiếp theo.

Xác suất xảy ra tình trạng này là hơn 90%. Đợt lạnh này sẽ gây băng giá trên diện rộng tại những vùng đất thấp, tác động nguy hiểm đến mùa màng và sức khỏe của con người.

Trong khi đó, giai đoạn có lưu lượng mưa nhiều hơn mức trung bình tại Đông Địa Trung Hải và các khu vực phía Bắc Trung Đông sẽ kéo dài thêm ít nhất 1-2 tuần nữa. Khả năng mưa trong tuần thứ nhất và thứ hai lần lượt là 90% và 60%. Các trận mưa tăng cường có thể gây ngập cục bộ và lở đất.

Theo dữ liệu của WMO, bốn năm vừa qua được ghi nhận là những năm ấm nhất trong lịch sử, với 2018 là năm nóng thứ 4, cao hơn 0,4 độ C so với nhiệt độ trung bình giai đoạn 1981-2010.

Tình trạng toàn cầu ấm lên biểu hiện rõ ràng nhất tại Bắc Cực. Cuối năm 2018, các hình ảnh vệ tinh cho thấy băng ở biển Bắc Cực đã giảm xuống mức thấp thứ ba trong lịch sử, trong khi lượng băng ở Nam Cực vẫn ở mức thấp nhất trong lịch sử./.

Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/wmo-chua-co-dau-hieu-gia-ret-ha-nhiet-tai-chau-au/547786.vnp