Lào Cai huy động 43.500 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội

Năm 2018, tỉnh Lào Cai phấn đấu huy động 43.500 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó vốn từ nguồn ngân sách đạt 7.122 tỷ đồng, vốn từ nguồn ngoài ngân sách đạt 36.378 tỷ đồng, góp phần thực hiện thành công Đề án Huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển tỉnh giai đoạn 2016-2020.

Vận hành sản xuất tại Nhà máy luyện đồng Lào Cai, Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng (Lào Cai).

Vận hành sản xuất tại Nhà máy luyện đồng Lào Cai, Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng (Lào Cai).

Để thực hiện mục tiêu, tỉnh tập trung triển khai thực hiện các dự án lớn về hạ tầng với các hình thức đầu tư phù hợp (BOT, BT, PPP,...) như: Khởi công xây dựng các công trình giao thông quan trọng là Cảng hàng không Lào Cai, đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Sa Pa...; tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu; hoàn thiện thiết kế đô thị hai bên bờ sông Hồng, đường Trần Hưng Đạo, đường Võ Nguyên Giáp, khu đô thị mới; tổ chức lập, phê duyệt chương trình phát triển đô thị cho các huyện, thành phố như Lào Cai, Sa Pa, Bảo Thắng...; chỉnh trang hạ tầng các khu du lịch, trong đó tập trung cho khu du lịch trọng điểm Sa Pa, Bắc Hà.

Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện các dự án công nghiệp, tập trung đầu tư cho vùng cao, vùng nông thôn, ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sắp xếp dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, khắc phục hậu quả thiên tai. Cùng với tập trung khai thác và phát huy tốt các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, tỉnh chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các thành phần kinh tế phát triển thông qua việc tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; phát triển bền vững thành phần kinh tế tập thể gắn với liên kết chuỗi sản xuất - cung ứng, xây dựng nông thôn mới.

* Quảng Ngãi đặt mục tiêu giảm 1,59% tỷ lệ hộ nghèo

Năm 2018, tỉnh Quảng Ngãi bố trí tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 1.489,547 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí này, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các dự án, tiểu dự án giảm nghèo. Đối với hợp phần phát triển sản xuất, tỉnh chỉ đạo tập trung vào giống cây ăn quả, cây dược liệu, quế, chè, cây mây, sa nhân, con giống gia súc,… khi hỗ trợ sản xuất cần lựa chọn đối tượng phù hợp và lưu ý thời vụ, thời tiết.

Tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện chương trình. Công tác tuyên truyền sẽ được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức cho người nghèo, nhất là người dân ở vùng đặc biệt khó khăn; kịp thời nêu gương, động viên, khen thưởng kịp thời những hộ điển hình thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững.

Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,59%; riêng các huyện miền núi giảm 5,47% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng trong giai đoạn 2016 - 2020; có hai xã và ba thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 97,2% số xã có đường ô-tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa; 84,1% số gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh,…

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/35776702-lao-cai-huy-dong-43-500-ty-dong-von-dau-tu-toan-xa-hoi.html